Cuộc sống bận rộn, nỗi lo cơm áo cuốn mọi thứ đi rất nhanh, 50 tuổi tôi giật mình nhận ra: Những người bạn năm ấy bỏ tôi mà đi hay vì sự thờ ơ tôi đã quên mất họ?
Sau ngần ấy năm chỉ chăm chăm vào bản thân, công việc, tôi nhận ra xung quanh mình không còn một người bạn thực sự nào. Càng trưởng thành, những người bạn càng thực sự quý giá...
50 tuổi, xung quanh tôi hầu như chẳng còn người bạn thực sự nào
Tôi từng có một thời thanh xuân cuồng nhiệt, coi trọng tình bạn hơn bất cứ thứ gì. Bạn bè, với tôi, từng là tất cả. Đấy là chuyện trong quá khứ. Năm nay, tôi đã 50 tuổi rồi. Nhìn lại tàn dư của tuổi trẻ xung quanh, lòng chợt thấy man mác buồn.
Tất nhiên, tôi vẫn vui cười mỗi ngày cùng đồng nghiệp . Nhưng, chúng tôi chẳng thân đến mức có thể chia sẻ với nhau mọi chuyện. Người bạn thân nhất và tôi sống cách nhau 3 tiếng đồng hồ lái xe. Mối quan hệ của chúng tôi có thể tồn tại là nhờ vào những tin nhắn không hồi kết.
Năm ngoái, tôi chúc cô ấy năm mới vui vẻ bằng cách gửi tin nhắn. Cô ấy đáp trả theo cách tương tự. Tình bạn của tôi bây giờ, tồn tại theo nguyên lý như vậy đấy.
Tôi tự trách bản thân. Tôi chỉ là người bạn tốt khi mọi việc còn thuận lợi. Giờ đây, khi các vấn đề nối tiếp nhau nảy sinh, tôi trở thành một người thật tồi tệ khi chẳng thể giữ liên lạc nổi với những người tôi từng rất trân trọng.
Tôi thậm chí chưa tham dự một buổi họp lớp nào. Tôi không kết bạn trên Facebook. Tôi thừa nhận mình không phải là tuýp người cởi mở hay chịu khó duy trì mối quan hệ. Cứ như vậy, năm tháng qua đi, bạn bè của tôi cũng vì thế mà càng xa cách.
Càng lớn tuổi, duy trì những mối quan hệ xưa cũ lại càng khó khăn. Nhưng bạn biết đấy, vẫn có những người luôn có bạn đồng hành bất kể họ có làm gì đi chăng nữa. Tôi thấy ghen tị với những người này. Tại sao họ lại có những người bạn, những mối quan hệ tốt đến thế chứ?
Tôi không thể hiểu nổi... Thành thực mà nói tôi cũng hiểu được phần nào. Những người như vậy chắc hẳn đã nỗ lực rất nhiều mới có thể giữ bạn bè bên cạnh bền vững đến thế. Họ không ngừng trao đi và nhận lại tình bạn. Với tôi, điều này không khả thi lắm.
Khoảng vài năm trở lại đây, tôi đã tham gia ít nhất 20 nhóm kết bạn làm quen. Và, tôi không hề tham dự một buổi họp mặt offline nào của các nhóm đó hết. Không một lần nào. Tôi vẫn đến nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật nhưng khi buổi cầu nguyện kết thúc, tôi không bao giờ nán lại tới một giây.
Có vài điều đáng nói trong câu chuyện này...
Dù có làm test tính cách bao nhiêu lần, người ta vẫn nói tôi là kiểu người có thiên hướng hướng nội. Tôi thích dành thời gian với những cuốn sách, thích đi chơi một mình, yêu thích kính râm và tai nghe bởi chúng giúp tôi tránh khỏi sự tương tác với xã hội này.
Mỗi khi tôi có ý định đi xem phim hay dùng bữa tối với một ai đó, cảm giác lo lắng tột độ lại bắt đầu dâng trào. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm và kế hoạch của tôi chưa bao giờ đi đúng hướng.
Tôi lẩn trốn trong cái kén của mình quá lâu đến nỗi hai từ “đi chơi” phát ra từ miệng tôi nghe thật lạ lùng. Tôi từ chối nhiều đến nỗi giờ đây chẳng ai thèm mời tôi đi ăn nữa. Tôi sẽ không tham gia các sự kiện cộng đồng nếu không có các lí do kích thích như tiền thưởng, quà tặng...
Có lẽ thái độ không được tốt của tôi với các mối quan hệ bắt nguồn từ sự “già” đi của tuổi tác và tâm hồn tôi. Tôi trở nên quy củ hơn qua năm tháng. Tôi biết tôi đã kinh qua đủ thứ chuyện tào lao hồi còn trẻ. Chỉ là, lúc ấy, tôi không cho rằng chúng là thứ vớ vẩn không đáng lưu tâm.
Nghĩ về những người tôi từng coi là bạn năm hai mươi tuổi, tôi tự hỏi liệu mình có thể thân thiết với những người đó nếu bây giờ có cơ hội gặp lại. Tôi nghĩ câu trả lời là không. Tôi thấy tiếc nuối với những gì mình đã, đang và sẽ bỏ lỡ. Tất cả những nụ cười vô tư ấy, những buổi tiệc tùng thâu đêm ấy, cả những lần say xỉn và những buổi tâm sự thầm kín, tôi sẽ không bao giờ có lại nữa.
Muốn có bạn, trước hết phải trở thành một người bạn thực sự
Tận sâu đáy lòng tôi biết, muốn có bạn, trước hết bản thân mình phải là một người bạn. Tôi biết mình cần một lần bước khỏi "cái kén" của bản thân. Nhưng, không có một quy chuẩn chung nào cho việc kết bạn.
Mỗi người là một phiên bản duy nhất với những câu chuyện của riêng mình. Có những người quá bận bịu để quan tâm đến bạn, cũng có những người quá xấu tính để làm bạn, cũng có những người chẳng bao giờ hiểu bạn.
Khi chúng ta 5 tuổi, nếu thấy thích chúng ta sẽ chơi chung rồi trở thành bạn. Cứ như vậy, lớn lên, chẳng ai nghĩ các mối quan hệ có thể phức tạp đến vậy. Khi trưởng thành và có tuổi, chúng ta phải lựa chọn hoặc là chăm sóc bản thân trong cô độc, hoặc là kết bạn với nhiều người hơn.
Sau ngần ấy năm chỉ chăm chăm nghĩ tới bản thân, giật mình nhìn lại, tôi tự hỏi những người bạn năm ấy bỏ tôi mà đi hay vì tôi đi nhanh quá nên bỏ quên họ trong dòng chảy thời gian?
Tôi phải chịu trách nhiệm cho sự thờ ơ của mình. Có lẽ chưa quá muộn để tôi xoay chuyển tình thế. Dù phải đối mặt với nỗi sợ giao tiếp, trầm cảm hay hội chứng "anti xã hội", tôi sẽ không để những thứ xấu xí đó làm tổn hại đến cuộc sống của mình nữa.
Có thể ngày mai thức giấc, tôi sẽ nhấn nút kết bạn với những người gửi lời mời. Có thể, tôi sẽ đi dự buổi họp lớp lần thứ 50 và tận hưởng như khi còn trẻ. Có thể chứ...
Lời khuyên duy nhất tôi dành cho những bạn trẻ đang đọc bài viết này: Khi bạn có tuổi, đừng chỉ tập trung mở rộng quan hệ, hãy cố gắng duy trì những gì bạn vốn có. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn là một người hướng nộii.
Tất nhiên, ai rồi cũng khác. Cuộc sống của người trưởng thành là sự vận động không ngừng, là kết hôn, là chăm sóc con cái nhưng hãy duy trì liên lạc với nhau, hẹn gặp nhau dù chỉ một năm một lần. Đừng để thời gian cuốn những mảnh ký ức quý giá một thời đi vào hư không.
*Chia sẻ của cây bút Sherry Chapman chuyên viết về động vật, du lịch và tìm kiếm một cuộc sống độc đáo, đặc biệt trên Medium.