Cuộc khủng hoảng bị quên lãng

09/01/2019 08:52 AM | Xã hội

Kể từ năm 2007, nợ toàn cầu đã tăng từ 167.000 tỉ USD lên 247.000 tỉ USD trong lúc tổng mức nợ hiện tương đương 320% GDP thế giới

Các thị trường, theo diễn giải của nhà kinh tế học Thomas Schelling (người Mỹ) từng đoạt giải Nobel, thường quên rằng chúng... hay quên. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến những thách thức cứng đầu do vấn đề nợ toàn cầu gây ra.

Kể từ năm 2008, các chính phủ khắp thế giới đã tìm kiếm những phương thức ít đau đớn để giảm mức nợ cao, một nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất. Giảm lãi suất xuống mức 0 hoặc thấp hơn giúp việc vay tiền dễ dàng hơn. Biện pháp nới lỏng định lượng và sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương giúp chuyện mua nợ trở nên dễ dàng hơn. Nhờ những chính sách trên, thoái nợ chưa phải là vấn đề cần làm.

Trên thực tế, chúng thậm chí thúc đẩy hoạt động vay mượn, nhất là nhu cầu đối với các khoản vay rủi ro. Kể từ năm 2007, nợ toàn cầu đã tăng từ 167.000 tỉ USD (con số này là 113.000 tỉ USD nếu không tính đến các tổ chức tài chính) lên 247.000 tỉ USD (187.000 tỉ USD nếu không gồm các tổ chức tài chính). Tổng mức nợ hiện tương đương 320% GDP toàn cầu, tăng đáng kể trong thập kỷ qua.

Tất cả hình thức vay mượn đều gia tăng - hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Nợ công đã tăng lên đáng kể để tài trợ các nỗ lực giải cứu sau cuộc khủng hoảng tài chính. Nợ của chính phủ Mỹ đang đạt gần 22.000 tỉ USD, so với khoảng 9.000 tỉ USD một thập kỷ trước. Nợ của thị trường mới nổi cũng gia tăng. Chẳng hạn như nợ phi tài chính của Trung Quốc đã tăng từ 2.000 tỉ USD năm 2000 (tương đương 120% GDP) lên 7.000 tỉ USD năm 2007 (160% GDP) và hiện là 40.000 tỉ USD (250% GDP).

Ngày nay, thế giới không còn nhiều lựa chọn. Về lý thuyết, người vay có thể sử dụng thu nhập để trả nợ. Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm vì rất ít khoản vay trong thập kỷ qua được sử dụng cho mục đích sinh lợi. Khi tiền lương bị đình trệ, các hộ gia đình vay tiền để trang trải sinh hoạt. Trong khi đó, các công ty vay tiền để mua lại cổ phần và phục vụ các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp khác. Các chính phủ thì vay tiền để chi tiêu cho hiện tại, thay vì rót tiền vào cơ sở hạ tầng và tiến hành các khoản đầu tư chiến lược khác.

Cuộc khủng hoảng bị quên lãng - Ảnh 1.

Đồng hồ hiển thị nợ quốc gia của Mỹ Ảnh: TIME


Một sự thoái nợ mạnh mẽ lúc này có nguy cơ gây ra suy thoái, khiến việc trả nợ thậm chí còn khó khăn hơn. Chẳng hạn, thu hẹp nợ công sẽ đòi hỏi các chính phủ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, đe dọa dội gáo nước lạnh vào hoạt động kinh tế. Về lý thuyết, tăng trưởng mạnh và lạm phát cao sẽ giảm bớt mức nợ. Tăng trưởng sẽ thúc đẩy thu nhập và cải thiện khả năng trả nợ của người vay. Nó cũng giảm tỉ lệ nợ trên GDP bằng cách tăng mẫu số (tức GDP). Trong khi đó, khi lãi suất thực ở mức âm (với lãi suất danh nghĩa thấp mức tăng của giá cả), lạm phát sẽ làm giảm mức nợ thực tế.

Tuy nhiên, kể từ năm 2007, những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát chỉ thành công ở mức khiêm tốn. Các biện pháp tiền tệ và tài chính dù quyết liệt nhưng cũng có giới hạn. Chúng có thể giảm thiểu ảnh hưởng của biến động kinh tế nhưng cũng có thể gây hại đến các triển vọng tăng trưởng dài hạn. Kể từ những năm 1990, nhiều hoạt động kinh tế chịu tác động bởi nợ nần. Cường độ hoạt động tín dụng đang tăng và đòi hỏi mức nợ ngày càng tăng để tạo ra mức tăng trưởng tương đương. Nỗ lực giảm khoản nợ đó có nguy cơ khiến kinh tế thu hẹp, thay vì bùng nổ.

Cuối cùng, khi nợ được tính bằng đồng tiền quốc gia nhưng lại do nước ngoài nắm giữ, các quốc gia có thể cắt giảm khoản nợ đó bằng cách phá giá đồng tiền của mình. Từ năm 2007, nhiều quốc gia tìm cách thiết kế các loại tiền tệ rẻ hơn để tăng vị thế cạnh tranh và giảm giá trị nợ. Dù vậy, điều này đã gây ra tình trạng bế tắc nên lựa chọn này không khả thi.

Một phương thức giảm mức nợ khác là chấp nhận vỡ nợ. Việc này có thể được thực hiện một cách rõ ràng thông qua phá sản, xóa nợ hoặc ngầm sử dụng lãi suất danh nghĩa âm để giảm mệnh giá của khoản nợ. Vỡ nợ gần như chắc chắn là lựa chọn dài hạn khả dĩ nhất. Trong một vụ vỡ nợ, các nhà đầu tư nợ cũng như ngân hàng và người gửi tiền phải chịu tổn thất về các khoản tiết kiệm và thu nhập.

Các tổ chức tài chính và quỹ hưu trí có thể mất khả năng thanh toán… Đổi lại, điều này sẽ làm giảm sức tiêu dùng, đầu tư và sự sẵn có của tín dụng. Tùy thuộc vào quy mô của các khoản xóa nợ cần thiết, thiệt hại về kinh tế và xã hội có thể không nhỏ.

Vào năm 2007, các nhà hoạch định chính sách đã bỏ qua cơ hội để đưa ra sự điều chỉnh chậm rãi, có kiểm soát bởi họ buộc phải chấp nhận các vụ vỡ nợ và các chủ nợ sẽ chịu tổn hại. Giờ đây, thời gian đang chống lại họ. Những lần tái cấu trúc trước đó cho thấy vỡ nợ sớm góp phần giảm thiểu thiệt hại và tạo điều kiện phục hồi.

Càng kéo dài sự trì hoãn, cái giá phải trả càng cao và sự điều chỉnh cần thiết càng mạnh mẽ. Không muốn đối diện nguy cơ vỡ nợ, các nhà hoạch định chính sách tỏ ra không trung thực về các lựa chọn đối phó với những khoản nợ không bền vững, qua đó chuyển gánh nặng này sang thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, phải có ai đó trả nợ!

Theo PHƯƠNG VÕ (lược dịch theo trang Bloomberg)

Cùng chuyên mục
XEM