Cuộc gọi đòi "tìm phiếu" của ông Trump bị điều tra, cựu Tổng thống có thể bị tù giam

10/02/2021 08:08 AM | Xã hội

Các chuyên gia pháp lý nhận định cuộc gọi của ông Trump có thể đã vi phạm ít nhất là 3 luật hình sự về bầu cử và có thể dẫn đến mức hình phạt bằng tiền hoặc thậm chí là tù giam.

Cựu Tổng thống Trump từng gọi điện yêu cầu Tổng thư ký bang Georgie "tìm" hơn 11.000 phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cựu Tổng thống Trump từng gọi điện yêu cầu Tổng thư ký bang Georgie "tìm" hơn 11.000 phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cuộc gọi vi phạm ít nhất 3 luật hình sự

Văn phòng Tổng thư ký bang Georgia đã chính thức mở cuộc điều tra nhằm vào các nỗ lực của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đảo ngược kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020 tại bang này, bước đi có thể dẫn tới một cuộc điều tra hình sự từ nhà chức trách bang.

Trước đó, Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger đã đứng trước các sức ép kêu gọi ông cần mở cuộc điều tra sau khi nhận được cuộc gọi từ ông Trump vào ngày 2/1, trong đó vị cựu Tổng thống Mỹ đã gây sức ép buộc ông Raffensperger phải đảo ngược kết quả bầu cử tại bang khi đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử.

"Văn phòng Tổng thư ký sẽ điều tra các cáo buộc mà chúng tôi đã nhận được", Walter Jones, người phát ngôn văn phòng của ông Raffensperger nói, đồng thời mô tả cuộc điều tra như nỗ lực nhằm "đi tìm sự thật và là quy trình hành chính".

Theo ông Jones, việc điều tra được khởi xướng sau khi nhận được đơn khiếu nại từ giáo sư luật tại trường đại học George Washington John Banzhaf.

Banzhaf cho biết ông đã thông tin cho Reuters về buổi làm việc của mình với văn phòng của Tổng thư ký Raffensperger vào thứ hai, vài giờ sau khi nộp đơn khiếu nại yêu cầu điều tra việc ông Trump can thiệp vào quá trình bầu cử. Theo Banzhaf, đây là lần thứ 4 ông nộp đơn khiếu nại kể từ cuộc gọi của ông Trump ngày 2/1.

Các chuyên gia pháp lý nhận định cuộc gọi của ông Trump có thể đã vi phạm ít nhất là 3 luật hình sự về bầu cử: bao gồm âm mưu nhằm thực hiện gian lận bầu cử, xúi giúc người khác nhằm thực hiện gian lận bầu cử, và cố ý can thiệp vào quá trình thực hiện trách nhiệm bầu cử. Những hành vi trên đều có thể dẫn đến mức hình phạt bằng tiền hoặc thậm chí là tù giam.

Nếu ông Trump bị xét xử, nhiều khả năng cựu Tổng thống sẽ biện minh rằng ông thực sự tin rằng đã xảy ra gian lận trong bầu cử, đồng thời cho rằng luật hình sự đòi hỏi ý định phạm tội hoặc sự cố ý nhằm thực hiện hành vi phạm tội - theo đó, đây có thể là vấn đề khó làm rõ trong trường hợp này.

Trong cuộc điện đàm ngày 2/1, ông Trump đã kêu gọi Raffensperger, cũng là một thành viên Đảng Cộng hoà, cần "tìm" đủ phiếu để giúp ông lật ngược tình thế tại Georgia. Văn bản ghi lại nội dung cuộc trao đổi đã khẳng định điều này như sau: "Tất cả những gì tôi muốn là: Tôi chỉ muốn tìm 11.780 phiếu", đó là con số ông Trump cần để chiến thắng.

Ngoài ra, 2 nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ - Kathleen Rice thuộc bang New York và Ted Lieu, bang California, đã gửi đơn tới Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào ngày 4/1 yêu cầu mở cuộc điều tra hình sự về việc ông Trump gọi điện cho Tổng thư ký bang Georgia.

Ông Trump đối một một loạt nguy cơ pháp lý

Các nỗ lực thúc đẩy điều tra cho thấy những nguy cơ pháp lý mà ông Trump đang phải đối mặt kể từ khi ông không còn sự bảo vệ pháp lý từ hiến pháp đối với vai trò là Tổng thống của nước Mỹ.

Hiện ông Trump đang phải đối mặt với hàng chục các cuộc chiến pháp lý, bao gồm một cuộc điều tra được khởi xướng bởi Chưởng lý Cyrus Vance Jr thuộc quận Manhattan nhằm vào các giao dịch kinh doanh của ông, cũng như nhiều vụ kiện dân sự khác.

Ông Trump đã mô tả các cuộc điều tra nhằm vào hoạt động kinh doanh của ông là bị kích động bởi các động cơ chính trị.

David Worley, thành viên Đảng Dân chủ duy nhất trong Hội đồng bầu cử bang Georgia, đã lên kế hoạch đưa ra đề xuất kêu gọi Tổng chưởng lý bang Georgia Chris Carr và công tố viên hạt Fulton Fani Willis tiến hành điều tra hình sự nhằm vào các cuộc gọi của ông Trump đối tới quan chức bầu cử.

Tuy nhiên, Worley cho biết hiện điều này đã không còn cần thiết khi Văn phòng của ông Raffensperger đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này. Một khi quá trình điều tra hoàn tất, bộ phận điều tra của Văn phòng sẽ viết một bản báo cáo để trình bày kết luận tới Hội đồng bầu cử bang. Hội đồng này sau đó sẽ quyết định có chuyển các nội dung này tới Tổng chưởng lý của bang hay công tố viên hay không.

Theo thông tin từ Văn phòng ông Raffensperger, bên cạnh cuộc gọi vào tháng 1, ông Trump đã thực hiện một cuộc gọi khác vào tháng 12 tới điều tra viên chính giám sát bầu cử tại Georgia. Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc gọi trên có được đưa vào trong nội dung điều tra lần này hay không.

"Quá trình điều tra sẽ tiến hành theo đúng tuần tự", Jones nói. "Nó khác với quá trình truy tố khi mọi vấn đề chỉ giới hạn trong phạm vi của đơn khiếu kiện".

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM