Cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G "Make in Vietnam": Chúng ta đã biến những điều không thể thành có thể

18/01/2020 09:39 AM | Kinh doanh

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng Việt Nam đã biến điều không thể thành có thể, từ một nước luôn đi sau và học hỏi những nước lớn như Hàn Quốc, Singapore… để gia nhập những nước tạo ra công nghệ với “Make in Vietnam”.

Thông tin trên được ông Phan Xuân Dũng chia sẻ tại sự kiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên mạng Viettel với thiết bị "Make in Vietnam" tổ chức ngày 17/1.

Ông Dũng bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G do Viettel sản xuất và cho rằng Việt Nam đã đứng vào top những người đầu tiên làm chủ công nghệ hiện đại này. "Chúng ta đã làm những việc không tưởng tượng được, biến những việc không thể thành có thể vì trước giờ Việt Nam luôn đi sau, học những nước phát triển về mạng lõi như các nước G7 hay các nước khác ngoài mạng lõi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… nhưng từ bây giờ chúng ta đã gia nhập những nước tạo ra công nghệ với Make in Vietnam", ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, để làm được điều này, chúng ta đã biến những việc bất quy luật thành quy luật. Như với Viettel, đơn vị này không đi theo cách làm thông thường mà theo cách làm mới bởi vì muốn phát triển, muốn đi đầu thì phải trải qua những thử thách và thất bại.

Ngoài ra, ông Dũng khẳng định, việc tạo ra sản phẩm đã khó nhưng đã làm ra thì phải có người sử dụng, phải có thị trường. Đối với đề xuất thứ nhất của Viettel, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm viễn thông sản xuất tại Việt Nam, theo ông Dũng, đây không phải là bắt buộc các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân dùng các sản phẩm không đáp ứng nhu cầu vì các sản phẩm công nghệ cao do Việt Nam sản xuất không thua kém các hãng trên thế giới. "Tuy nhiên, vì sao sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa có nhiều người sử dụng? Bởi vì, nếu không có thị trường thì không có bất kỳ sản phẩm nào phát triển được, nhất là đối với khoa học công nghệ, sản phẩm công nghệ cao", ông Dũng nói.

Mặc dù vậy, ông Dũng cho rằng, việc tạo ra thị trường không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp mà là của những người quản lý cơ quan nhà nước. "Chúng tôi sẽ phải có trách nhiệm làm việc này để khoa học công nghệ Việt Nam phát triển", ông Dũng khẳng định.

Để minh chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã lấy trường hợp của Huawei, công ty này không hề sụp đổ sau khi bị Mỹ liệt vào danh sách đen, khi mà chính phủ Trung Quốc đã khẳng định việc dùng điện thoại Trung Quốc là yêu nước.

Đối với kiến nghị thứ hai của Viettel xây dựng cộng đồng nghiên cứu về mạng 5G, ông Dũng khẳng định đề xuất là hợp lý nhưng phải nói rõ cho họ việc này là yêu nước và sẽ thay đổi vị thế của Việt Nam. "Như với Nhật Bản, dù có đội ngũ các nhà khoa học lớn nhưng hàng năm họ vẫn bỏ hàng tỷ USD để thuê các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài nghiên cứu cho mình", ông Dũng dẫn chứng.

Cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G Make in Vietnam: Chúng ta đã biến những điều không thể thành có thể - Ảnh 1.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội  cho rằng, với cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G do Viettel sản xuất, Việt Nam đã đứng vào top những người đầu tiên làm chủ công nghệ hiện đại này.

Ngày 17/1, tại trụ sở Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G của Viettel. Sự kiện còn có sự tham dự của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng và lãnh đạo Tập đoàn Viettel.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.

Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.

Như vậy, sau 8 tháng kể từ ngày Viettel - nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5/2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Theo NK

Từ khóa:  5g , make in vietnam
Cùng chuyên mục
XEM