Cuộc gặp oan nghiệt trong thang máy mở màn vụ thảm sát chủng tộc kinh hoàng, làm chấn động nước Mỹ
Ngày 1/6/2020 là ngày đánh dấu 99 năm kể từ khi một trong những cuộc bạo loạn chủng tộc tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra.
Năm nay, lễ tưởng niệm của vụ thảm sát chủng tộc Tulsa năm 1921 diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình liên tục nổ ra ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, do cái chết của George Floyd - người đàn ông da màu 46 tuổi.
Vào hôm 25/5, Floyd bị sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, ghì cổ dẫn đến tử vong.
Trong khi hàng ngàn người biểu tình hô to tên của Floyd cùng lời cầu xin "Tôi không thể thở được" lặp đi lặp lại của anh trước khi chết, thì trong nhiều thập kỷ qua, tên các nạn nhân của vụ thảm sát chủng tộc Tulsa hiếm khi được nhắc đến.
Cuộc gặp gỡ trong thang máy là ngòi nổ cho tất cả
Vào những năm 1920, quận Greenwood được mệnh danh là "Phố Wall đen" với hơn 300 doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da màu. Các bác sĩ, luật sư và chủ doanh nghiệp gốc Phi đã xây dựng một cộng đồng thịnh vượng ở ngoại ô Tulsa, thậm chí các phi công còn có cả máy riêng của mình.
Tuy nhiên, sự thành công của cộng đồng da màu này đã khiến một số người da trắng ở Tulsa giận dữ - ông Mechelle Brown, giám đốc chương trình tại Trung tâm văn hóa Greenwood, cho biết.
Sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm sau sự cố thang máy giữa cô gái da trắng 17 tuổi tên Sarah Page và thanh niên da màu 19 tuổi tên Dick Rowland.
Sarah Page là người vận hành thang máy và Rowland hầu như sử dụng thang máy này mỗi ngày.
"Sau khi cửa thang máy đóng lại và Sarah Page và Dick Rowland ở trong thang máy một lúc, rồi có tiếng hét vang lên," Brown nói. Ông cho biết sau khi cửa thang máy mở ra, Rowland bỏ chạy và bị bắt lại sau đó.
Ban đầu, Page nói rằng cô đã bị tấn công. Các tài khoản lịch sử khác nói rằng Rowland vấp phải thang máy rồi nắm lấy cánh tay Page và cô hét lên. Có người đã chứng kiến sự việc và đến báo chính quyền.
Trong khi cô Page không hề buộc tội Dick Rowland, các nhà chức trách đã kết tội anh. Đến cuối ngày hôm đó, thông tin lan truyền ra là Page đã bị hãm hiếp.
Hình ảnh cho thấy hậu quả sau khi người da trắng tấn công các cư dân và doanh nghiệp da màu quận Greenwood ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma (Ảnh: Getty Images)
Bạo động ở Greenwood
Vào ngày 31/5/1921, một nhóm những người đàn ông da màu và da trắng đối đầu nhau tại tòa án, nơi Rowland đang bị giam giữ. Sau khi tiếng súng nổ ra, tất cả biến thành địa ngục.
Nhóm người Mỹ gốc Phi rút lui về quận Greenwood. Và sáng sớm ngày hôm sau, một đám đông da trắng bắt đầu cướp bóc và đốt các doanh nghiệp ở Greenwood.
Theo Bảo tàng và Hội lịch sử Tulsa, chỉ trong 24 giờ, 35 tòa nhà bị đốt cháy, hơn 1.200 ngôi nhà bị phá hủy. Báo cáo ban đầu cho biết có 36 người chết, nhưng hiện tại các nhà sử học cho rằng có tới 300 người chết.
Khi cuộc bạo loạn kết thúc, "Phố Wall Đen" đã bị thiêu rụi. Nhiều hình ảnh cho thấy các cư dân người Mỹ gốc Phi nằm chết trên đường phố.
Một người đàn ông người Mỹ gốc Phi nhìn vào những chiếc khung giường sắt nhô lên trên đống tro tàn sau cuộc bạo loạn chủng tộc Tulsa năm 1921 (Ảnh: Getty Images)
Không được đưa vào sách lịch sử
Vụ thảm sát năm 1921 hầu như không được biết đến trong nhiều thập kỷ sau đó.
Năm 2018, Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford của bang Oklahoma nói với CNN: "Các trường học ở Oklahoma đã không hề đề cập gì về nó. Trên thực tế, các tờ báo thậm chí không đưa bất kỳ thông tin nào về cuộc bạo loạn chủng tộc Tulsa".
"Nó hoàn toàn bị phớt lờ. Đó là một trong những sự kiện khủng khiếp nhất mà mọi người muốn che giấu."
Đến tháng 2 năm nay, các nhà lãnh đạo Oklahoma tuyên bố rằng bang này sẽ đưa câu chuyện về Cuộc thảm sát chủng tộc Tulsa năm 1921 vào chương trình giảng dạy của tất cả các trường học tại bang.
Thành phố Tulsa tiếp tục điều tra những gì đã xảy ra với thi thể của các nạn nhân của cuộc bạo loạn và đang khai quật những ngôi mộ tập thể.