Cuộc đua Mobile Money của 3 ông lớn Viettel, Vinaphone, MobiFone đang được triển khai đến đâu?
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tháng 10 sẽ được cấp phép thí điểm cho dịch vụ mobile money. Vậy quá trình triển khai của 3 nhà mạng viễn thông lớn ở Việt Nam đang được thực hiện đến đâu?
Mobile Money có gì khác với ví điện tử?
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, đầu tháng 10 sẽ được cấp phép thí điểm cho dịch vụ mobile money.
Hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông (mobile money) đã được Bộ TT&TT đề xuất vào khoảng 2 năm trước và đã được Chính phủ đồng ý thí điểm thanh toán với hàng hóa có giá trị nhỏ, ở một đơn vị viễn thông.
Đến tháng 3/2021, việc triển khai thí điểm mobile money trong thời gian hai năm được phê duyệt thông qua Quyết định số 316/QĐ-TTg. Điều này đã mở ra cơ hội để các nhà mạng có thể triển khai dịch vụ mobile money của riêng mình.
Trong khi ví điện tử là tài khoản điện tử thường được tích hợp vào ứng dụng điện thoại nhưng yêu cầu phải đảm bảo bằng việc liên kết với một tài khoản ngân hàng thì người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng mobile money.
Cụ thể, mobile money là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động, cũng dành cho thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ nhưng không cần phải có tài khoản ngân hàng. Đây là điểm khác biệt lớn nhất với ví điện tử.
Số lượng thuê bao di động 6 tháng đầu năm 2021 ở một số địa phương. Nguồn: Cục Viễn thông
Tài khoản mobile money gắn với SIM, đơn vị cung cấp dịch vụ mobile money (ở đây là các nhà mạng viễn thông như Viettel, Vinaphone..) không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông. Tiền trong tài khoản phải được mang bảo đảm tại ngân hàng và không được sử dụng cho mục đích khác ngoài thanh toán. Ngoài ra, tiền trong tài khoản mobile money không được trả lãi.
Theo Tổng cục thống kê, trong vài năm gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam là hơn 123 triệu trên gần 100 triệu dân. Trong đó, hơn 90 triệu thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone. Hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM có số lượng thuê bao di động nhiều nhất cả nước, với số thuê bao lần lượt là 9,8 triệu và 12,5 triệu thuê bao.
Cuộc đua Mobile Money của 3 ông lớn viễn thông đang được triển khai đến đâu?
Theo báo cáo của Cục Viễn thông, hiện Viettel đã thí điểm thu phí đỗ xe ô tô qua hình thức thanh toán điện tử tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Hoạt động chuẩn bị cho mobile money đã được Viettel này bắt đầu triển khai từ cách đây 2 năm, công ty cũng đã hoàn thành việc test thử nghiệm nội bộ dịch vụ này với 40.000 nhân viên của tập đoàn. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người dùng tài khoản viễn thông là 94% so với 6% sử dụng tài khoản ngân hàng.
VinaPhone cũng đang trong thời gian thí điểm 2 năm dịch vụ này tại Việt Nam từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2023. Hiện tại, đối tượng được sử dụng mobile money là các cán bộ, nhân viên của VNPT, VinaPhone. Trong tương lai gần, dịch vụ mobile money sẽ được mở rộng cho tất cả các thuê bao VinaPhone.
Đối với MobiFone, nhà mạng này cũng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất thí điểm cung cấp dịch vụ mobile money gửi tới Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông và các Bộ có liên quan thẩm định phê duyệt, đồng thời đang triển khai thử nghiệm hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho dịch vụ mobile money.
Theo Bộ trưởng TT&TT, hiện nay những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm mobile money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển và kinh tế số.