Cuộc ‘đại phẫu’ có giúp Bách Hóa Xanh nhanh chóng đạt mục tiêu có lãi?

18/07/2022 09:38 AM | Kinh doanh

Trong vòng hơn 2 tháng, Bách Hóa Xanh đóng 316 cửa hàng.

Chuỗi cửa hàng thực phẩm hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh của Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đang trải qua 1 cuộc “đại phẫu” chưa từng có trong lịch sử hoạt động.

Kể từ khi ra mắt từ cuối 2015, chuỗi liên tục được mở rộng và đạt 2.140 cửa hàng vào cuối tháng 4, trở thành chuỗi cửa hàng thực phẩm hàng tiêu dùng lớn thứ 2 chỉ sau WinMart/WinMart+. Tuy nhiên, trong vòng hơn 2 tháng qua, chuỗi này đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Theo cập nhật trên website, tính đến 14/7, số lượng cửa hàng còn 1.824, tức giảm 316 cửa hàng.

Theo báo cáo kết quả kinh tháng 5, doanh nghiệp cho biết sẽ rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, cũng như hoàn tất xử lý tồn kho phát sinh do hạ diện tích và giảm số lượng SKUs (mã hàng hóa) kinh doanh tại cửa hàng trong quý III.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 4, chuỗi cửa hàng thực phẩm này cũng triển khai diện rộng việc thay đổi layout (sắp xếp) cửa hàng, tiện lợi và thân thiện với khách hàng cũng như nhân viên. Tính đến cuối tháng 5, chuỗi đã thay đổi layout được gần 50% trong tổng số 2.104 cửa hàng và đặt mục tiêu trong quý III thay layout toàn bộ cửa hàng hiện hữu.

Đến quý IV, doanh nghiệp dự kiến cơ bản hoàn tất tự động hóa nền tảng back-end (hệ thống hỗ trợ website hoặc ứng dụng) bao gồm dự báo mua hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng loại cửa hàng, cảnh báo và kiểm soát thất thoát, tinh gọn quy trình vận hành… và nâng cấp chất lượng dịch vụ một cách vượt trội.

Cuộc ‘đại phẫu’ có giúp Bách Hóa Xanh nhanh chóng đạt mục tiêu có lãi? - Ảnh 1.

Chuỗi Bách Hóa Xanh giảm hơn 300 cửa hàng trong hơn 2 tháng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết trong năm 2022, chuỗi Bách Hóa Xanh tạm ngưng mở mới để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ thu hút người dùng và tối ưu nền tảng quản trị back-end bằng hệ thống tự động. Bước lùi này nhằm chuẩn bị cho chiến lược mở rộng “thần tốc” ra toàn quốc từ 2023.

Với dân số gần 100 triệu dân, lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam rất tiềm năng. Theo báo cáo của Masan Group ( HoSE: MSN ), lĩnh vực này còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả. Kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số, chuỗi WinMart/WinMart+ thuộc WinCommerce dù là doanh nghiệp dẫn đầu nhưng chỉ chiếm 2-3% tổng thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm và toàn kênh mua sắm hiện đại mới chiếm khoảng 10%.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh của 3 chuỗi lớn nhất trên thị trường thì chưa chuỗi nào có lãi và chỉ WinMart/WinMart+ duy trì đạt điểm hòa vốn từ quý IV/2020 đến nay. Dù vậy, để đạt điểm hòa vốn, chuỗi bán lẻ này cũng trải qua cuộc tái cơ cấu lớn tương tự như Bách Hóa Xanh đang thực hiện. Cuối năm 2019, trước khi về với Masan Group, chuỗi có 133 siêu thị WinMart và 2.888 cửa hàng WinMart+. Sau năm đầu tiên vận hành, tập đoàn đã phải ghi nhận khoản lợi nhuận giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 6 năm vì gánh khoản lỗ từ WinCommerce.

Trong bối cảnh đó, Masan Group chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng với mục tiêu đưa WinCommerce đạt EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) hòa vốn trong một năm. Trong năm 2020, tập đoàn đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, cũng như tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.

Vào quý IV/2020, VinMart/WinMart+ đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng. Qua năm 2021, chuỗi ghi nhận EBITDA 1.100 tỷ đồng, cải thiện so với mức âm 1.234 tỷ đồng năm 2020. Quý đầu năm nay, EBITDA đạt 164 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trở lại với Bách Hóa Xanh, bối cảnh thuận lợi năm trước khi dịch Covid khiến các chợ truyền thống bị đóng cửa hoặc hạn chế kinh doanh đã giúp chuỗi tăng mạnh doanh thu và đạt EBITDA dương bền vững ở cấp độ công ty trong 3 quý liên tiếp và cho cả năm, 90% số cửa hàng có lời EBITDA.

Tuy nhiên, với năm nay, ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận chuỗi Bách Hóa Xanh đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, làm thương hiệu, tăng chi phí thay đổi layout hệ thống nên biên lợi nhuận sẽ giảm và khó hòa vốn. Với câu hỏi khi nào có lãi của nhà đầu tư, người đứng đầu MWG cũng cho rằng không dễ trả lời.

Bên cạnh việc cải thiện biên lợi nhuận thì việc tiết kiệm chi phí bán hàng, chi phí quản lý cũng đóng vai trò quan trọng để các chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng tiêu dùng có lời. Trong 3 chuỗi hàng đầu, Bách Hóa Xanh có biên lợi nhuận gộp tốt nhất với 27,2% năm 2021 và cải thiện qua từng năm. WinCommerce tăng từ 14,1% năm 2019 lên 21,5% năm 2021 và Co.op Food tăng từ 10,6% lên 12,9%.

Cuộc ‘đại phẫu’ có giúp Bách Hóa Xanh nhanh chóng đạt mục tiêu có lãi? - Ảnh 2.

Song, để tạo ra 100 đồng doanh thu, BHX mất 31 đồng cho chi phí bán hàng và quản lý trong năm 2021, không thay đổi nhiều so với mức 33 đồng năm 2020. Trong khi, WinCommerce giảm từ 30,3 đồng năm 2019 (trước khi tái cơ cấu) xuống 26,3 đồng vào 2020 và đến năm trước chỉ còn 20,7 đồng. Chuỗi Co.op Food cũng giảm từ trên 20 đồng về 17 đồng.

Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM