Năm 1977, khu phức hợp Suwon, trụ sở của bộ phận điện tử và thiết bị đầu tiên của Samsung. Mọi thứ trông tệ hơn mong đợi. Sàn của nhà máy là bê tông trần, công nhân xoay tay quay để đưa các bộ phận đến và đi từ dây chuyền sản xuất. Phòng nghiên cứu không khác gì lớp thí nghiệm đã đổ nát tại một trường cấp ba. Nhưng công việc đang diễn ra tại đây, đặc biệt ở bộ phận TV, rất hấp dẫn. Vào thời điểm đó, không có một đài truyền hình nào ở Hàn Quốc có thể phát sóng màu. Nhưng các kỹ sư của Samsung đã tập hợp TV màu từ mọi công ty hàng đầu trên thế giới như RCA, GE, Hitachi… rồi sử dụng chúng để thiết kế một mô hình của riêng họ.
Kỹ sư trưởng phụ trách là một thanh niên trẻ, đã tốt nghiệp một trường đại học ở Mỹ. Khi được hỏi về chiến lược phát triển TV màu của Samsung, câu trả lời không phải là kế hoạch làm sản phẩm bằng cách mua linh kiện ở nước ngoài và sau đó lắp ráp tại Hàn Quốc. Anh đưa ra một đáp án hoàn toàn ngược lại: "Samsung sẽ tự làm mọi thứ, thậm chí cả đèn hình màu".
Công ty đã đặt về các mô hình tốt nhất ở nước ngoài cũng như ký các thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật. Anh nói Samsung sẽ sớm xuất khẩu TV ra toàn cầu. Câu trả lời này rất không thuyết phục, vì trong mắt nhiều người, nó chỉ có thể diễn ra trong 10 hoặc 15 năm tới, không thể sớm hơn. Bởi để trở thành một nhà sản xuất tầm cỡ thế giới, bạn cần phải có các kỹ sư đẳng cấp thế giới. Và đó là điều mà Hàn Quốc đang thiếu.
Nhưng chủ tịch Samsung lúc bấy giờ, Lee Byung Chul, đã tính trước điều đó. Không chỉ đầu tư vào công nghệ, ông đã xây dựng nền tảng cho nhóm kỹ sư, những người có thể làm việc tại các công ty lớn nhất ở bất kỳ quốc gia đang phát triển nào. Yun Soo Chu, người đang lầm lũi mày mò trong góc phòng thì nghiệm, là một trong số đó. Anh đang làm việc trên một nguyên mẫu lò vi sóng.
Khi Chu gia nhập Samsung vào năm 1973, công ty vừa thực hiện một thách thức với lĩnh vực có hàng chục năm tuổi ở Mỹ nhưng đầy mới mẻ ở Hàn Quốc: sản xuất đồ gia dụng. Chu bắt đầu bằng cách thiết kế máy giặt, sau đó chuyển sang chảo điện. Năm 1976, anh nhận được một nhiệm vụ bất ngờ. Năm đó, trong chuyến thăm Mỹ, một phó chủ tịch Samsung tên là J.U.Chung đã bị hấp dẫn bởi một loại lò nướng mới, có thể được làm nóng không phải bằng điện hay gas mà bằng sóng vi ba. Chung biết rằng không có cách nào để bán một chiếc lò nướng như vậy tại quê nhà, bởi chỉ vài người Hàn Quốc có thể mua được nó. Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Ở Hàn Quốc, khi một công ty xem xét về sản phẩm mới, câu hỏi đầu tiên là: "Chúng ta có thể xuất khẩu nó không?"
Người Mỹ thích sự tiện lợi, do đó lò vi sóng là thiết bị hoàn hảo cho thị trường này. Ngay khi trở về Hàn Quốc, Chung đã đề nghị Chu thành lập một nhóm thiết kế lò vi sóng cho Samsung. Là công ty đi sau các nhà sản xuất Nhật Bản và Mỹ, Samsung có hai lợi thế: công nhân giá rẻ và sẵn sàng chờ đợi để hoàn vốn. Ưu tiên hàng đầu của công ty, theo Chu biết, không phải là lợi nhuận cao mà là năng lực sản xuất cao. Và Samsung đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm hiện đại, điều mà với ngành công nghiệp Hàn Quốc khi đó, gần như chưa từng có.
Theo truyền thống, các quốc gia đang phát triển thường chấp nhận để cho các nhà máy của họ tụt hậu một thập kỷ so với các nước phát triển như Mỹ. Họ làm những chiếc xe đạp trong thời đại ô tô, TV đen trắng trong thời đại của TV màu. Samsung là một trong những công ty đầu tiên, thuộc quốc gia bị xếp vào nhóm "thế giới thứ ba", thực hiện một cách tiếp cận mới. Đó là cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm hiện đại.
Chu bắt đầu bằng cách đặt hàng Jet 230, một mẫu lò vi sóng mới do General Electric (GE), công ty thiết bị gia dụng hàng đầu của Mỹ sản xuất. Khi lần đầu tiên nhìn vào nó, rồi tách từng bộ phận ra, anh vẫn không biết thiết bị này hoạt động như thế nào. Khoang nhựa trông có vẻ đơn giản, bên cạnh cửa và một số hệ thống dây diện. Nhưng có một số bộ phận phức tạp, đặc biệt là thiết bị chính của lò vi sóng, ống phát sóng vi ba (magnetron tube). Samsung không thể tạo ra nó, ít nhất ở hiện tại.
Đội của Chu được giao cho khoảng 4,5 mét vuông trong góc của một phòng thí nghiệm cũ. Phòng thí nghiệm phục vụ cho toàn bộ bộ phận điện tử của công ty, lúc đó đã bao gồm ba nhà xưởng được dựng lên bằng tôn lắp ghép. Có vẻ ngớ ngẩn khi một nơi như vậy đang nung nấu ý định thách thức các tập đoàn khổng lồ của Mỹ và Nhật Bản. Nhưng Chu biết các nhà quản lý cấp cao của Samsung không quan tâm tới chuyện này, điều họ mong muốn duy nhất là sản xuất. Còn việc tiếp thị hay buôn bán là chuyện sau này.
Ngay sau đó, Chu đã tập hợp một số sản phẩm hàng đầu thế giới và chọn ra từng bộ phận tốt nhất cho nguyên mẫu của mình. Sản phẩm trước đó của anh, chảo điện, đã không hoạt động tốt. Do đó lần này anh tự nhủ chắc chắc phải thành công. Tuy nhiên khi đó Samsung không có tất cả các thiết bị cần thiết, nên người kỹ sư này bắt đầu mày mò và tìm kiếm nguyên vật liệu ở khắp mọi nơi, từ nhà cung cấp nhựa cho đến xưởng sản xuất dụng cụ. Anh cũng phải sáng tạo ra nhiều mẫu thiết kế có phần "quái dị" để tạm thời khắp phục khó khăn về nguyên vật liệu hay kỹ thuật. Nhưng đến phần ống từ để phát sóng vi ba, Chu buộc phải mua hoàn toàn từ Nhật Bản, bởi ngoài nó ra thì chỉ có một nơi khác sản xuất là Rhode Island, Mỹ.
Chu trải qua một quãng thời gian dài nhiều tháng làm việc xuyên đêm trong phòng thí nghiệm. Anh mất 1 năm, với 80 giờ làm việc mỗi tuần, để hoàn thành nguyên mẫu đầu tiên. Nhưng khi bấm nút thử nghiệm, khoang nhựa đã tan chảy. 80 tuần sau đó được anh sử dụng để xây dựng lại nguyên mẫu này. Để rồi khi thử nghiệm lại, trục khuấy tan chảy.
Vợ của Chu, người thân cận và hiểu rõ công việc của chồng mình nhất, cũng bắt đầu nghi ngờ rằng anh đang bị ám ảnh, thậm chí bị điên. Đôi lúc, Chu cũng nghĩ hình như vợ mình nói đúng. Người Nhật và người Mỹ, theo anh biết, đang bán hơn 4 triệu lò vi sóng mỗi năm. Còn anh, thậm chí không thể có được một nguyên mẫu có thể hoạt động.
Công nghệ lò vi sóng xuất hiện năm 1940 bởi Raytheon, một nhà thầu quốc phòng Mỹ. Trong khi thử nghiệm với sóng vi ba dùng cho radar, một nhà nghiên cứu nhận thấy thanh kẹo trong túi mình bị tan chảy khi tiếp xúc với sóng. Điều đó dẫn đến ý tưởng về một lò nướng bằng sóng. Raytheon và một công ty là Litton, đã cố gắng bán sản phẩm tại Mỹ nhưng không có nhiều thành công. Bởi hầu hết các hộ gia đình đã có lò nướng điện và rất ít người muốn có một cái thứ hai trong nhà.
Nhưng sản phẩm này có vẻ lý tưởng cho Nhật Bản, quốc gia với những ngôi nhà nhỏ và khu bếp chật hẹp. Hơn nữa, các món ăn ở Nhật phụ thuộc rất nhiều vào việc hâm nóng, một điểm mạnh của lò vi sóng. Nhưng ngay cả khi thấy tiềm năng bán hàng của lò vi sóng ở Nhật Bản, các công ty Mỹ vẫn không quan tâm, bởi xuất khẩu sang các thị trường xa không mang lại nhiều lợi nhuận.
Đó là lý do khiến người Nhật trở thành nhà sản xuất lò vi sóng lớn đầu tiên. Họ đã nắm bắt công nghệ, bắt đầu hoàn thiện và nhìn thấy cơ hội xuất khẩu đi khắp thế giới. Năm 1970, số sản phẩm xuất xưởng từ Nhật là 600.000 và tăng lên 2,2 triệu vào năm 1975. Cuối những năm 1970, các nhà sản xuất thiết bị của Mỹ như GE đã bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào lò vi sóng. Nhưng cái giá của việc xuất phát trễ là quá lớn. Đến năm 1979, thị trường lò vi sóng của Mỹ đã bị các công ty Nhật Bản kiểm soát hơn 25%.
Còn ở Hàn Quốc, tháng 6/1978, tại góc phòng thí nghiệm ở Suwon, Chu cuối cùng cũng hoàn thành một nguyên mẫu khác. Sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất nhưng khi anh bật nút khởi động, không có gì tan chảy. Anh nhận được rất nhiều lời động viên và chúc mừng từ các giám đốc, dù chiếc lò vi sóng này vẫn còn quá thô để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bản thân Chu cũng không ôm hy vọng xâm chiếm toàn cầu. Anh nghĩ rằng ít nhất Samsung sẽ chiếm được một phân khúc nhỏ, giá rẻ ở Mỹ. Nhưng điều đó không làm anh nản lòng, bởi mục tiêu ưu việt của công ty vẫn là sản xuất.
Ban quản lý Samsung đã cử một vài nhân viên đi chào bán các thiết bị nguyên mẫu này. Họ không có nhiều thành công, nhưng dù sao một dây chuyền sản xuất tạm thời đã được ký quyết định thành lập. Công ty muốn sẵn sàng trong trường hợp có một đơn đặt hàng xuất hiện. Đây cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của công ty: "Không bao giờ khiến khách hàng phải chờ đợi".
Ban đầu, mỗi ngày chỉ có một chiếc lò được tạo ra. Sau đó nó tăng lên hai, rồi 5 lò một ngày. Đến giữa năm 1979, khi hơn 5 triệu lò nướng được bán trên toàn thế giới, Samsung đã hoàn thành chỉ tiêu sản xuất 1.460 chiếc. Không may rằng quy mô thấp đồng nghĩa với giá sản phẩm cao, khoảng 600 USD một chiếc, vượt quá thu nhập nửa năm của một gia đình trung bình ở Hàn Quốc. Hầu như không ai mua sản phẩm này, nhưng không vì thế mà máy móc ngừng làm việc. Ở Samsung, không có doanh số không phải là lý do để ngừng phát triển.
Samsung đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài, gửi tài liệu quảng cáo tới hàng chục quốc gia, sẵn sàng giảm giá và chấp nhận mọi đơn hàng với số lượng dù là nhỏ nhất. Đơn hàng đầu tiên đến từ Panama, với số lượng 240 chiếc. Đây thực chất là một cuộc mua bán lỗ vốn, nhưng một lễ kỷ niệm vẫn được tổ chức ở Suwon, bởi nó đánh dấu việc họ đã vượt qua được rào cản đầu tiên. Đơn hàng này cũng là một cách tốt nhằm tìm hiểu xem khách hàng muốn gì, để có thể tinh chỉnh sản phẩm ở một vài thị trường nhỏ trước khi thử tới các sản phẩm lớn.
Đơn hàng này cũng giúp Samsung tự tin để nộp đơn xin duyệt xuất khẩu hàng sang Mỹ. Cuối năm 1979, đơn phê duyệt được chấp nhận. Đối với công ty, Mỹ không phải là một thị trường hoàn toàn xa lạ. Đó cũng chính là lý do khiến họ sẵn sàng làm một việc mà ít nhà sản xuất Mỹ đang làm: điều chỉnh sản phẩm theo thị hiếu người dùng nước này. Điều đó đồng nghĩa việc phải trang bị thêm cho xưởng sản xuất ở Suwon để có thể tạo ra các mẫu mã khác nhau cho từng thị trường. Samsung chấp nhận tiêu tốn cho nó.
Khi đó, lò vi sóng đang được bán với giá 350-400 USD tại Mỹ. Nhà bán lẻ JC Penney muốn tìm kiếm nguồn hàng rẻ hơn, đã nghe danh rồi tìm đến Samsung. Penney muốn công ty Hàn Quốc chế tạo những chiếc lò vi sóng với giá 299 USD.
Lúc đó, doanh số bán lò vi sóng trên thế giới đã lên tới 4,7 triệu chiếc mỗi năm, còn Samsung chỉ được yêu cầu làm vài nghìn thiết bị. Chưa kể đơn hàng này yêu cầu một thiết kế hoàn toàn mới. Nhưng thế cũng đủ khiến cho các quản lý của Samsung có cảm giác lâng lâng trong nhiều ngày liền. Trên thực tế khi đó, dù Penney đưa ra yêu cầu gì, gần như phía Samsung cũng sẽ gật đầu chấp nhận. Bởi thứ họ mong muốn không phải là lợi nhuận, mà là cơ hội sản xuất và một cánh cửa để bước vào thị trường lớn này.
Dù được trợ giúp về kỹ thuật từ đối tác nhưng trọng trách nặng nề sẽ đè nặng lên vai Chu và các đồng nghiệp. Thách thức bây giờ là biến một phòng lắp ráp sơ khai thành một nhà máy gần như chỉ sau một đêm. Khác hàng lúc này cũng không ở Panama mà là Mỹ, một trong những đối tượng người dùng khó tính hàng đầu thế giới.
Quản lý trực tiếp của Chu là Kyung Pal Park, một người ít nói. Nhưng nếu hỏi tại sao ông lại ở đây, người đàn ông này sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về những người lính Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Tất cả những gì ông nhớ về họ là sự giàu có, từ quần áo, thiết bị cho tới phương tiện, vũ khí. Ông Park đã nhiều lần tự hỏi: "Làm thế nào, Mỹ đã đạt được điều đó?". Câu trả lời ông nhận được sau thời gian dài suy ngẫm, chính là sản xuất. Nước Mỹ giàu có vì nó làm ra mọi thứ. Park muốn Hàn Quốc cũng như vậy, một quốc gia không chỉ có cánh đồng lúa mà còn có các nhà máy. Năm 1969 ông gia nhập Samsung. Năm 1980, ở tuổi 39, ông được mệnh danh là người đứng đầu về các thiết bị gia dụng. Phụ trách đơn hàng của Penney là trách nhiệm chính của người đàn ông này.
Ở các công ty Mỹ, các nhà thiết kế thuộc một đội và các kỹ sư thuộc đội khác. Nhưng tại Samsung, sản xuất là vua. Vì vậy, Park đã hợp nhất đội thiết kế và các kỹ sư, nhấn mạnh rằng thiết kế nên song hành để thực hiện các ý tưởng trong sản xuất. Ông đã đưa ra cho đội một quy tắc là: "Nếu không có vấn đề gì, hàng hóa phải được cung ứng đúng thời hạn, không được chậm dù chỉ một ngày."
Trách nhiệm theo dõi công việc thuộc về I.J.Jang, một kỹ sư sản xuất vừa được chuyển tới từ bộ phận động cơ của Samsung. Trước khi tới đây, Jang đã quản lý việc sản xuất hàng triệu động cơ mỗi năm trên bốn dây chuyền riêng biệt. Bây giờ ông đứng trong một bộ phận làm 5 hoặc 6 cái lò vi sóng mỗi ngày. Nhưng Jang không xem đó là một bước lùi. "Có một thứ được đánh giá cao ở Samsung, hơn cả năng xuất cao", Jang giải thích, "Đó là tiềm năng để tạo ra năng suất cao".
Jang đắm mình trong việc tìm hiểu sản phẩm, dành hàng giờ để nói chuyện với các nhà thiết kế như Chu, sau đó ra nước ngoài đến thăm các nhà sản xuất như Matsushita, Sanyo và GE. Sau khi học được các tiêu chuẩn sản xuất tầm cỡ thế giới, ông bắt đầu làm việc và đảm bảo để Samsung tuân thủ chúng. Jang đã nghiên cứu kỹ từng bộ phận của lò vi sóng, tự hỏi liệu chúng có dễ sửa không, hoặc thiết kế như vậy đã hợp lý cho các mối hàn chưa. Và một trong những giám đốc sản xuất cao nhất của Samsung này đã tự mình đến 30 trên 100 nhà cung cấp linh kiện hàn để nâng cấp quy trình sản xuất.
Ông cũng là một trong những người làm việc từ lúc bình mình cho tới 10h30 tối, sau đó chợp mắt một lúc rồi trở lại làm việc cho đến hết đêm. Quản lý của ông, Park, cũng có lịch làm việc tương tự. Tại nhà máy này của Samsung có những chiếc ghế được thiết kế đặc biệt, nằm rải rác khắp nơi, dành cho những người muốn tranh thủ có một giấc ngủ ngắn để hồi sức. Sự cố gắng của cả tập thể đã đẩy cao năng suất chế tạo, từ 10 lên tới 15 lò mỗi ngày. Cuối cùng, họ cũng kịp đáp ứng đơn hàng của Penney.
Đại lý bán lẻ Mỹ nhanh chóng yêu thích những chiếc lò vi sóng này và sớm yêu cầu số lượng lớn hơn. 5.000 chiếc trong một tháng, rồi 7.000 chiếc. Samsung vẫn đáp ứng tốt, dù nhân viên của họ không có thời gian mà ăn mừng. "Giống như một con bò vậy", Jang cố tìm hình ảnh so sánh khi miêu tả về công việc.
Cuối năm 1981, sản lượng lò vi sóng của Samsung đã tăng đến hơn 100.000. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nhỏ của thị trường thế giới và hầu như không có nhà sản xuất lớn nào ở Mỹ hay Nhật Bản chú ý tới. Họ vẫn không coi Hàn Quốc là đối thủ nặng ký trong ngành công nghệ đòi hỏi sự tinh vi này. Nhưng họ đã bỏ qua một yếu tố quan trọng: vai trò của chính phủ Hàn Quốc đối với sự phát triển của đất nước.
Trong khoảng thời gian này, chính quyền gặp gỡ nhiều nhà quản lý doanh nghiệp và các nhà hoạch định kinh tế, để xây dựng Ban phát triển kinh tế trung ương. Công việc của ban ngành này là suy nghĩ về hướng đi và cơ hội để nền kinh tế của Hàn Quốc có thể đứng đầu, sau đó khuyến khích để giúp các công ty đạt được điều đó. Các công ty được chọn sẽ nhận nhiều ưu đã về thuế, đất, trợ cấp… Samsung đã được các lãnh đạo chính quyền nước này nhìn trúng.
Năm 1982, sản lượng lò vi sóng của Samsung khoảng 200.000, gấp đôi năm trước. Nhưng Park và đội của ông không nghĩ thế là đủ. Họ biết rằng công ty cần đưa sản phẩm này ra phạm vi toàn cầu. Mỹ sản xuất hơn 2 triệu lò mỗi năm còn người Nhật đang bán được hơn 2,3 triệu chiếc tại quê nhà và 820.000 ở Mỹ. Matsushita đã có 17 % thị trường thế giới, Sanyo có 15% .
Hơn nữa, các nhà sản xuất lớn đã bắt đầu cuộc đua hạ giá thành, thu hẹp lợi thế chính của Samsung. Nếu muốn tiếp tục phát triển, họ phải hạ giá xuống nữa. Nhưng công ty vẫn đang phải nhập ống phát sóng từ, bộ phận chính của lò vi sóng từ Nhật Bản. Đội ngũ kỹ sư đã cố tiếp cận các nhà sản xuất của Nhật để xin hỗ trợ kỹ thuật nhưng bị từ chối.
Cùng năm đó, GE bắt đầu thấy các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong bộ phận kinh doanh lò vi sóng của mình. Vì tiến vào thị trường muộn, GE vẫn chưa kiếm được tiền và bắt đầu lỗ nặng. Tệ hơn, Nhật Bản đã đẩy thị phần của GE tại Mỹ từ 16% năm 1980 xuống còn 14 % năm 1982.
Cuối năm 1982, Nhật Bản tung ra mẫu lò cỡ trung, với mức giá thấp hơn đáng kể sản phẩm của GE. Công ty cảm thấy một mối đe dọa tiềm ẩn và một đội nghiên cứu được cử sang Nhật. Sau hành trình nhiều ngày tại xứ sở mặt trời mọc, họ tranh thủ ghé qua Hàn Quốc trước khi về vì nghe nói Samsung cũng bắt đầu sản xuất lò vi sóng. Khi nhìn thấy quy mô, cơ ngơi và khả năng nghiên cứu cùng sản xuất của Samsung, không chỉ trong lĩnh vực lò vi sóng mà ở cả bộ phận TV màu, người Mỹ đã phải thay đổi suy nghĩ.
Lúc này, GE có hai lựa chọn. Một là đầu tư về kỹ thuật, như cách của người Nhật, để giảm giá thành sản phẩm. Nhưng GE trước đó đã đầu tư rất lớn vào tủ lạnh và máy rửa chén, ưu tiên dành cho lò vi sóng thấp hơn. Điều đó dẫn tới lựa chọn thứ hai là lấy sản phẩm từ nước ngoài thông qua việc tìm nguồn cung ứng hoặc liên doanh. GE ban đầu tìm cơ hội liên doanh với người Nhật, tuy nhiên không thành công. Sau đó, công ty này cũng cân nhắc tới Samsung, bởi chỉ có chi phí thấp ở Hàn Quốc mới có khả năng khiến giá sản phẩm đủ thấp để hạ gục đối thủ Nhật Bản.
Công ty Mỹ này đã dành nhiều thời gian để suy xét sự khác biệt về chi phí. Năm 1983, để sản xuất một lò vi sóng, GE phải bỏ ra chi phí 218 USD còn Samsung chỉ cần bỏ ra 155 USD. Chi phí nhân công lắp ráp của GE cho một sản phẩm là 8 USD, còn ở Samsung chỉ là 63 xu. Chưa hết, chi phí về giám sát, bảo trì, sửa chữa ở GE là 30 USD, Samsung là 73 xu. GE chi 4 USD cho việc xử lý vật liệu mỗi lò vi sóng, Samsung mất 12 xu. Chi phí quản lý của GE lên tới 10 USD mỗi sản phẩm, ở Samsung là 2 xu. Nếu những con số trên chưa đủ đáng sợ thì công nhân Samsung nhận được ít hơn nhưng phải làm việc nhiều hơn công nhân của GE. Tại Mỹ, chia ra mỗi người làm được 4 sản phẩm mỗi ngày còn ở Hàn Quốc là 9. Một khi khối lượng sản phẩm tăng lên, chi phí ở Samsung có thể còn thấp hơn nữa.
Các nhà quản lý GE đã dao động. Để có thể đưa ra quyết định cuối cùng, Bruce Enders, giám đốc marketing của công ty đã tự mình tới Hàn Quốc. Vào cuối ngày họp đầu tiên, ông yêu cầu phía Samsung đưa ra một đề xuất, bao gồm cả chi phí, lịch giao hàng và mô tả về cách họ sẽ xây dựng lò vi sóng cho GE. Ở Mỹ, các công ty phải mất bốn đến sáu tuần để phát triển một kế hoạch như thế này. Sáng hôm sau, trong lúc Enders đang ăn sáng cùng các giám đốc điều hành của Samsung, một nhóm kỹ sư tới và đưa ra đề xuất của họ.
"Một nhóm kỹ sư đã đến", Enders sau này nhớ lại. "Họ đã cho chúng tôi một đề xuất. Tóc của họ rối tung lên, đôi mắt thì đỏ ngầu. Những kẻ đó đã làm việc cả đêm. Còn đề xuất đã đáp ứng mục tiêu của chúng tôi. Tôi không thể tin vào điều đó."
Vài tuần sau, Roger Schipke, người đứng đầu bộ phận đồ gia dụng của GE cũng tới Hàn Quốc. Khi ông đang đi dọc hành lang nhà máy thì thấy một đám đông những người mặc áo khoác trắng đang bàn tán sôi nổi. Ông đứng dựa vào tường và quan sát, thấy hầu hết họ đều rất trẻ. Khi họ đi qua, ông đã giữ lại và hỏi họ là ai. Các quản lý cho biết đó là những kỹ sư bộ phận lò vi sóng mới được tuyển dụng. Schipke hỏi nơi những người này được đào tạo. Câu trả lời là: Đại học Purdue, Đại học Nam California, Đại học Washington… Tất cả đều là các trường đại học có tiếng ở Mỹ. Vị giám đốc này đã "đứng hình" trong vài giây.
Tháng 6/1983, GE vẫn tìm nguồn cung ứng lò vi sóng cỡ vừa và nhỏ từ khu vực Viễn Đông. Công ty này cũng sản xuất các mẫu lò cỡ lớn ở Mỹ. Nhưng GE cũng cung cấp cho Samsung một đơn đặt hàng nhỏ hơn, chỉ khoảng 15.000. Họ muốn xem liệu người Hàn Quốc có thể giao hàng chất lượng cao với mức giá mà các nhà sản xuất thiết bị lớn nhất của Mỹ cũng không thể làm được hay không.
Một lần nữa, có một quy tắc không thể phá vỡ là "mọi thời hạn phải được đáp ứng". Để làm được điều đó, Park biết rằng ông sẽ phải phụ thuộc vào những "chiến binh" của mình, những người luôn đã duy trì kỷ luật làm việc 70 giờ mỗi tuần. Nhưng chính xác thì họ là ai?
Tại khu phức hợp Suwon, hơn một nửa các công nhân lắp ráp là phụ nữ. Hầu hết họ đã làm việc tại đây 4 hoặc 5 năm, tới khi vừa tốt nghiệp trung học và rời đi sau khi lấy chồng. Jo Yon Hwang và Jang Mee Hur đang ở độ tuổi hai mươi. Cả hai đều tới xin việc sau khi nghe những thông tin tốt về các chính sách của Samsung đối với nhân viên. Khi mới vào làm, họ được phát đồng phục màu xanh và tham gia hai tuần huấn luyện. Sau đó, họ được đưa tới xưởng lắp ráp lò vi sóng, làm việc 11 giờ một ngày, 27 ngày một tháng. Tất cả mọi người trong nhà máy đều làm việc với lịch trình như vậy, kể cả giám đốc. Hai người phụ nữ này nói rằng đó là lý do tại sao họ cảm thấy rất tận tâm với công ty, khi nhìn thấy ông chủ cũng làm việc như nhân viên. Vào năm 1988, mức lương cơ bản của họ chỉ hơn 350 USD một tháng, tương ứng khoảng 1,2 USD một giờ. Nam nữ đều được trả công như nhau, dịch vụ miễn phí đi kèm là y tế và bữa ăn trưa. Bữa tối và sáng được cung cấp trong khu ăn uống của công ty, với giá chỉ 15 xu. Các công nhân cũng nhận được quà tặng nhiều lần trong năm như quần áo, giày dép, túi hay máy ghi âm. Các máy ghi âm này được sản xuất bởi Samsung.
Hwang và Hur được nghỉ 5 ngày vào mùa đông và 5 ngày nữa vào mùa hè, để đi nghỉ tại một bãi biển do Samsung sở hữu. Giống như hầu hết các nhân viên nữ khác tại Suwon, Hwang sống tự do trong ký túc xá của công ty. Có 15 ký túc xá như vậy, mỗi cái cung cấp chỗ ở cho 420 phụ nữ, 6 người một phòng. Hur sống bên ngoài khu phức hợp, trong một căn hộ với bạn. Tiền thuê nhà không phải là vấn đề bởi công ty đã cho cô vay 2.000 USD để thuê nhà. Tất nhiên số tiền này sẽ phải trả lại khi cô nghỉ việc. Hur và Hwang thường thức dậy lúc 6 giờ sáng và ăn sáng lúc 7 giờ, sau đó Hwang đi bộ đến nhà máy còn Hur đến bằng xe buýt của công ty. Vào cuối ngày, Hwang phải trở lại ký túc xá trước 9h30 tối. Cô thậm chí được nghỉ ba ngày Chủ nhật mỗi tháng.
Hwang tin chắc rằng không có công nhân nào trên thế giới chú ý đến các sản phẩm như công nhân tại Samsung. Cô thường kiểm tra công việc của chính mình, ngay cả sau khi một nhân viên bộ phận thanh tra đã kiểm tra trước đó. Nhiệm vụ của cô là gắn số sê-ri và nhãn tên vào lò vi sóng, mỗi ngày 1.200 nhãn. Còn Hur gắn cửa lò vi sóng, cũng khoảng 1.200 cái mỗi ngày. Tuy công việc khá đơn giản nhưng cả hai đều coi đó là một thách thức đối với kỷ luật cá nhân.
"Tôi đặt tinh thần và cả linh hồn của tôi trong mỗi sản phẩm này", Hwang giải thích.
Ngoài công nhân, bộ phận nhân sự lớn thứ hai ở Suwon là các kỹ sư. Công ty có hàng trăm kỹ sư, tất cả đều làm việc 68 giờ một tuần. S.D.Lee là một trong số đó. Anh được gửi tới Nhật Bản hai tuần để học công nghệ từ Toshiba. Trước chuyến đi đó, anh được đào tạo ba tháng tiếng Nhật. Theo Lee, anh đã quên mọi thứ mình biết từ thời đại học và học được hai điều mới từ khi làm ở Samsung.
"Thứ nhất, quản lý theo mục tiêu. Đặt mục tiêu, sau đó hoàn thành nó bất kể đó là gì ngay cả khi nó có nghĩa là bạn phải làm việc suốt đêm trong một tuần. Thứ hai, luôn luôn nghĩ về vài năm tiếp theo. Tự hỏi điều gì sẽ xảy ra trong thập kỷ tới", anh giải thích.
Nhiệm vụ của Lee đã minh họa cho triết lý đó. Mặc dù lò vi sóng của Samsung đang có chi phí sản xuất thấp nhất trên thế giới, anh vẫn nghiên cứu quá trình tự động hóa để làm cho chúng có thể thấp hơn nữa. Đôi khi, Lee cũng ghen tị với người Mỹ khi họ chỉ phải làm việc 8 giờ một ngày. Tuy nhiên, anh cũng tin rằng không thể đo đếm cuộc sống bằng tiền mà phải bằng lối sống. Cuộc sống của anh đang ngày một tốt hơn và nam nhân viên này có thể sớm mua được một chiếc xe hơi, điều mà cha anh không thực hiện được. "Nếu thế hệ của chúng ta không làm việc chăm chỉ", anh nói. "Thế hệ tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng".
Ban đầu, lò nướng của Samsung không đạt tiêu chuẩn GE. Nhưng với sự giúp đỡ của các kỹ sư chất lượng đến từ Mỹ, mọi thứ sớm trở nên tốt hơn. Bruce Enders ngày càng ấn tượng với sản phẩm nhận được và ngày càng tăng số lượng đặt hàng. Tay nghề của công nhân Hàn Quốc đã làm ông hài lòng. Trong chuyến thăm tiếp theo tới Suwon, Enders đã rất ngạc nhiên trước những thay đổi. Dây chuyền lắp ráp đã chuyển từ băng tải con lăn sang cơ chế vận chuyển tự động. Rõ ràng, Samsung có khả năng cung cấp nhiều hơn những gì GE đã yêu cầu. Nhờ đó, doanh số đặt hàng lại tiếp tục tăng lên. Giữa năm 1983, Samsung đã đạt được một cột mốc quan trọng, sản xuất ra chiếc lò vi sóng thứ 500.000. Park nói rằng đã đến lúc ăn mừng. Tất cả nhân viên được tham gia một bữa tiệc ngắn. Khi bữa tiệc kết thúc, mọi người lại trở lại làm việc.
Khu phức hợp Suwon ngày nay đã biến thành thành phố kỹ thuật số của Samsung.
Đến cuối năm 1983, sản lượng lò vi sóng hàng năm của Samsung là 750.000. Đến năm 1984 con số này vượt qua một triệu. Nhà máy liên tục mở rộng với 10 dây chuyền sản xuất hàng loạt. Nhưng đối với Samsung, điều đó không đủ tốt.
Công ty muốn tìm kiếm thị trường mới vì dự kiến doanh số bán lò vi sóng sẽ chậm lại. Họ muốn tiến vào châu Âu, với thị trường dự kiến tăng trưởng 20% mỗi năm. Trách nhiệm khai phá vùng đất mới được giao cho một giám đốc điều hành trẻ tên là J.K.Kim. Giống như nhiều người khác trong công ty, anh tốt nghiệp một trường đại học ở Mỹ, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Mặc dù gia đình không khá giả, bố mẹ anh đã tìm mọi cách để đưa con sang Mỹ học. Anh choáng ngợp với sự hiện đại của California, nhưng vẫn quay về Hàn Quốc với quyết tâm giúp xây dựng đất nước.
Với tấm bằng danh giá, Kim có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, nhưng anh đã chọn lĩnh vực sản "Nếu tôi làm việc cho một văn phòng luật sư, tôi chỉ tạo ra công ăn việc làm cho bản thân và một thư ký riêng. Ở Samsung, tôi có thể đóng góp cho 10.000 việc làm".
Khi Kim bắt đầu tập trung vào thị trường châu Âu, anh đã tìm hiểu xem nó khác với Mỹ như thế nào. Người châu Âu thích những món ăn lạnh và thích cá hơn thịt hay gà. Thông tin này được đưa trở lại bộ phận thiết kế của Suwon. Chẳng mấy chốc, họ bắt đầu thiết kế những mẫu lò vi sóng mới cho thị trường này. Năm 1983, sản phẩm Samsung tiến vào Đức và Na Uy. Năm 1984, họ có thêm Pháp, Phần Lan, Úc và Bỉ.
Tuy nhiên, không chỉ có bộ phận kinh doanh đi công tác nước ngoài. Samsung học theo nhiều công ty quốc tế, gửi các kỹ sư tới từng thị trường. Khác với các nhân viên kinh doanh, những kỹ sư sẽ tới thăm từng cửa hàng nhỏ, trò chuyện với người bán và thậm chí người mua. Họ cần tìm hiểu xem mẫu lò nào bán chạy nhất, khách hàng khó chịu hay thoải mái gì với kiểu thiết kế của sản phẩm. Tất cả những điều này không thể được giải thích qua các bản báo cáo, điện thoại hay fax. Ví dụ như khách hàng thích màu đỏ, các kỹ sư cần biết đó là loại màu đỏ nào. Tương tự như kích thước và vị trí chính xác của các núm vặn trên thân lò. Có thể nói, các kỹ sư tìm kiếm nhiều hơn về các yếu tố kỹ thuật, một cái gì đó tinh tế hơn dựa trên cảm nhận và thị hiếu, cũng như tính cách của người tiêu dùng ở từng quốc gia, khu vực.
Chẳng mấy chốc, sản phẩm của Samsung đã ngang hàng, thậm chí vượt trội về số lượng hơn các mẫu lò được GE sản xuất tại Mỹ. Một số người ở GE lo lắng, họ muốn cải thiện tình hình sản xuất ở Mỹ. Nhưng dù kế hoạch là như thế nào, chi phí sản xuất vẫn cao hơn nhiều so với ở Hàn Quốc. Tháng 5/1985, GE công khai tuyên bố sẽ ngừng sản xuất lò vi sóng ở Mỹ. Từ giờ trở đi, GE sẽ phụ trách bán hàng và dịch vụ, Samsung sẽ có trách nhiệm sản xuất. Chẳng mấy chốc, cơ sở ở Suwon sẽ là nơi sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới.
Thành công của Samsung không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của Penney và GE. Người Mỹ đã giúp công ty Hàn Quốc trong việc thiết kế, cải thiện chất lượng, quy mô cũng như mang tới các thỏa thuận bán hàng tốt. Nhưng không thể vì thế mà coi thường sự nỗ lực của Samsung. Một công ty Mỹ mất bao lâu để có thể phát triển lớn mạnh? Còn Samsung đã mất bao lâu để trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới?
Sau đó, hầu hết các xe đẩy hành lý ở sân bay Frankfurt của Đức đều có quảng cáo cho Samsung. Những người lái xe trên đường phố New York, Chicago, London hay thậm chí cả Tokyo cũng bắt đầu nhìn thấy những tấm biển quảng cáo có thương hiệu Samsung. Một ngày nào đó, Hàn Quốc sẽ không còn cần phải tiếp thị sản phẩm của mình thông qua các nhãn hiệu của Mỹ. Họ sẽ bán chúng trực tiếp, như cách Hyundai đang bán xe của mình.
Quay trở lại Suwon, thật khó để Yun Soo Chu, nhà thiết kế lò vi sóng của Samsung, ngồi yên một chỗ. Anh thà làm việc còn hơn ngồi không để nói chuyện hay trả lời phỏng vấn. Văn phòng của anh không còn là góc nhỏ trong phòng thí nghiệm nữa, nó giờ là một căn phòng rộng lớn với hàng tá bàn làm việc. Bao quanh nó là vô số phòng khác để nghiên cứu và làm thí nghiệm. Đằng sau bàn làm việc của anh là năm chiếc đồng hồ, mỗi cái đánh dấu thời gian tại các văn phòng của Samsung ở LA, Chicago/Mexico, London/ Madrid, Frankfurt/Paris, NYC/Miami. Chu cũng có một bản đồ Thụy Điển trên bàn làm việc. Samsung đã bắt đầu xuất khẩu vào quốc gia này vào năm ngoái. Anh cũng đang tổ chức những chuyến đi đến Thụy Điển cho đội ngũ nhân viên của mình, không phải nhân viên tiếp thị mà là các kỹ sư. Chu muốn họ đến đó nhiều nhất có thể, để biết khách hàng là ai.
Nếu hỏi Chu xem anh ấy làm việc để làm gì, người đàn ông này sẽ nói với bạn mục tiêu cao nhất của anh ấy là mang đến cho con cái một mức sống tốt hơn, ít nhất là so với bản thân anh trong quá khứ. Vì vậy, mỗi buổi sáng, anh sẽ mặc áo khoác của công ty, đứng hát hết bài hát truyền thống của Samsung, sau đó quay trở lại phòng làm việc và thiết kế mẫu lò vi sóng tiếp theo để nó có thể xuất hiện trong các nhà bếp hiện đại trên khắp thế giới. Và như hầu hết mọi ngày, anh có khả năng sẽ ở lại văn phòng của mình rất muộn.
Trí Thức Trẻ