‘Cuộc chiến’ ghế chủ tịch ở Xây dựng Hòa Bình: Sẽ đi đến kiện tụng?
Liên quan đến việc bất đồng chức chủ tịch của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đến ngày 3-1, ông Lê Viết Hải đã liên tiếp gửi thư đến cổ đông, nhân viên và đặt vấn đề không loại trừ khả năng các thế lực, tài lực muốn thâu tóm công ty.
Tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cả ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú đều cho rằng mình là chủ tịch HĐQT kể từ 1-1-2023. Trong ảnh: tại một dự án do Hòa Bình làm nhà thầu xây dựng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 3-1, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã cung cấp các thư gửi cổ đông, thư gửi cán bộ nhân viên do ông Lê Viết Hải ký với chức danh "chủ tịch HĐQT".
Trong thư, ông Hải cho rằng chỉ những thông tin được phát ngôn chính thức từ chủ tịch HĐQT, là người đại diện theo pháp luật của công ty, mới có giá trị và phản ánh đúng sự thật về tình hình công ty.
Ông cho rằng những phát ngôn hay trình bày của bất kỳ các cá nhân nào khác, dưới bất kỳ hình thức nào đều là không chính thống và không thể hiện ý chí của công ty.
"Những cá nhân nói trên, mà chủ yếu là những người không phải là cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của tôi mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty và không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực, tài lực nhằm thâu tóm công ty", ông Hải nêu trong thư.
Theo ông Hải, những hành vi này đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty cũng như gây thiệt hại trực tiếp đến lợi ích của tất cả cổ đông của công ty, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại.
"Tôi vẫn nỗ lực bằng tất cả nguồn lực để ngăn cản bất kỳ âm mưu, hành vi nào ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của công ty hay quyền lợi của tất cả cổ đông, những người đã và đang đặt niềm tin vào tôi", ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Công Phú (thành viên độc lập HĐQT trước ngày 1-1, được bầu làm chủ tịch HĐQT Hòa Bình từ ngày 1-1 theo nghị quyết số 51) cho biết ngày 20-12-2022, ông rời Việt Nam đi sang Pháp không có điều gì xảy ra trong công ty. Nhưng sau đó có những chuyện ở Hòa Bình được đưa ra không đúng, cách tiến hành cuộc họp không đúng với điều lệ nên ông đã tuyên bố trực tiếp không tham gia.
Theo ông Phú, ông sang Pháp với chủ đích sẽ làm việc với những chủ tịch, giám đốc các công ty lớn trong ngành xây dựng mà ông có mối quan hệ để kết nối, củng cố tài chính của Hòa Bình để "có thêm tỉ nào hay tỉ nấy". Ông Phú nói rằng những kết quả mà ông làm việc tại Pháp rất tốt, song những gì đang diễn ra khiến ông bất ngờ.
Ông Phú cho rằng bản thân ông không muốn đi đến kiện tụng bởi sẽ làm xấu đi hình ảnh của Hòa Bình, trong khi đây lại là thời điểm cần phải tập trung sức lực để ngành bất động sản vượt qua khó khăn. Tuy vậy, ông sẽ làm theo đúng luật, đúng điều lệ bởi nếu không có động thái sẽ không đúng với trách nhiệm với HĐQT và cổ đông.
Chưa lập hội đồng sáng lập đã có bất đồng?
Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú (phải) đều cho rằng mình là chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - Ảnh: HB
Trong các nghị quyết trước đó, từ 1-1, ông Lê Viết Hải sẽ giữ chức chủ tịch hội đồng sáng lập, ông Nguyễn Công Phú sẽ làm chủ tịch HĐQT.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hải cho hay theo quy chế của hội đồng sáng lập, đây là cơ quan sẽ tham mưu, tư vấn, phản biện và thông qua các vấn đề quan trọng theo nguyên tắc đồng thuận, ví dụ như sửa điều lệ, các hợp đồng trị giá trên 100 tỉ đồng, bổ nhiệm hoặc thay đổi chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn…
"HĐQT và hội đồng sáng lập sẽ làm việc với nhau trên nguyên tắc đồng thuận. Những gì mà HĐQT đưa ra cũng phải được sự đồng ý của hội đồng sáng lập, tức là những yếu tố nào chiến lược, trọng yếu thì HĐQT phải tôn trọng ý kiến của hội đồng sáng lập", ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Phú lại cho rằng chính ông đã ủng hộ thành lập hội đồng sáng lập để ông Hải giữ vị trí này. Theo ông Phú, sự đồng thuận là đích đến nhưng phải tuân thủ theo hành lang pháp lý. Ông Phú cho hay hội đồng này vinh danh dòng họ Lê Viết đã gầy dựng tập đoàn hàng đầu trong ngành xây dựng, song không thể đi sai hướng của một công ty đại chúng.
Tuy vậy, theo nghị quyết số 53 mới được công bố, hội đồng này chưa được thành lập.
Thông lệ trên thế giới: Hội đồng sáng lập có vai trò quan trọng đối với các công ty gia đình
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Trần Thị Hồng Liên - trưởng khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết Hòa Bình là sự lồng ghép giữa công ty đại chúng và doanh nghiệp gia đình.
Theo TS Hồng Liên, trong quy định pháp luật không quy định hội đồng sáng lập, song trong thông lệ đối với các doanh nghiệp quản trị tốt đều khuyến nghị các gia đình nắm số lượng cổ phiếu đáng kể và sáng lập ra doanh nghiệp cũng cần có những hội đồng riêng. Bà Liên cho hay mục đích của việc lập hội đồng này giúp các quyết sách của gia đình sẽ được chuyển tải thông qua các thành viên của HĐQT cũng là thành viên của gia đình này.
Trong khi đó, một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp cũng cho biết, sự việc này không chỉ là câu chuyện "nội chiến" doanh nghiệp. Các bên đã gửi văn bản liên quan đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, do đó các cơ quan chức năng cần vào cuộc.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng các bên nếu vẫn bất đồng chính kiến và không thể xử lý nội bộ, hoàn toàn có thể tiến hành các thủ tục pháp lý để pháp luật phân xử.