Cuộc chiến bán lẻ trực tiếp - trực tuyến ở Hàn Quốc
Ba doanh nghiệp vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc vừa khai trương những khu phức hợp mua sắm mới, gắn liền với các tiện ích như khu vui chơi, công viên trong nhà, cùng với đó là nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hàng.
Shinsegae vừa mở cửa “siêu” trung tâm thương mại Shinsegae Art & Science hôm 27/8 tại thành phố Daejeon. Với kinh phí xây dựng lên tới 555 triệu USD, đây là công trình trung tâm thương mại lớn đầu tiên mà công ty này phát triển trong 5 năm trở lại đây.
Với diện tích 92.000 m2, trung tâm thương mại này không đơn thuần là nơi chỉ dành cho các tín đồ mua sắm. Các dịch vụ tiện ích và nhà hàng lấp đầy phân nửa diện tích thương mại tại đây. Tên gọi “Shinsegae Art & Science” bắt nguồn từ ý tưởng đó.
Điều đặc biệt lớn nhất đến từ khu vực tầng 6 và tầng 7, nơi được xây dựng phục vụ cho mục đích giáo dục. Được đặt tên là tầng “văn hoá và giáo dục”, nơi đây có sự hiện diện của một viện bảo tàng, một trung tâm triển lãm và thậm chí là một giảng đường.
Khu phức hợp này hợp tác với Viện Công nghệ và Khoa học Tiên tiến Hàn Quốc, một trong những đại học hàng đầu của quốc gia này, nhằm cung cấp những lớp học lập trình, công nghệ robot, kỹ thuật và khoa học hiện đại.
Khu vực còn có sự hiện diện của các trường Anh ngữ và nghệ thuật, nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao, với nhu cầu giáo dục đa dạng hơn dành cho con cái.
Chi nhánh Lotte Department Store tại Dongtan có hơn 100 nhà hàng ở tầng trệt. Ảnh: Nikkei. |
Lotte Department Store cũng mới khai trương chi nhánh Dongtan hôm 20/8. Ẩm thực là chủ đề lớn nhất của trung tâm thương mại này, với hơn 100 nhà hàng đăng ký hoạt động. Không ít trong số đó là các chuỗi nhà hàng có tiếng, và lần đầu tiên có mặt trong một khu phức hợp mua sắm.
Khu vực ẩm thực, bao gồm 10 tiệm bánh mỳ phục vụ đa dạng hương vị, có diện tích 25.000 m2, chiếm trọn hai tầng hầm của trung tâm thương mại này. Lotte gọi đó là khu ẩm thực lớn nhất khu vực.
Dongtan, vùng ngoại ô của thủ đô Seoul, nằm gần với khu vực được gọi là Thung lũng Silicon của Hàn Quốc, nơi các doanh nghiệp lớn như Samsung Electronics, Naver và nhiều công ty công nghệ khác đặt trụ sở. Nhiều khu nhà ở cao tầng đã được xây dựng và đây là nơi ở của rất nhiều người có thu nhập cao, trong độ tuổi từ 30 tới 50.
Lotte nhắm đến đối tượng khách hàng là các bà nội trợ khi mang tới đây rất nhiều các dòng sản phẩm thực phẩm và đồ đa dụng. Quần áo nữ có thể được tìm mua tại tầng 3 trong khu trung tâm thương mại này.
Hyundai Department Store mở cửa trung tâm thương mại lớn nhất của họ tại thủ đô Seoul trong tháng 2, với mục tiêu cung cấp một địa điểm thư giãn dành cho khách hàng. Tâm điểm của dự án là một công viên trong nhà với diện tích 3.000 m2, bao gồm 30 loại cây xanh. Một thác nước cao tới 12 m là điểm nhấn của khu công viên này.
Kết quả hoạt động tương đối tích cực sau 6 tháng đầu tiên. Hyundai Department Store cho biết họ sẽ “dễ dàng” xô đổ mục tiêu doanh thu 630 tỷ won cho năm đầu hoạt động.
|
Tầng 6 và 7 tại Shinsegae Art & Science có trường Anh ngữ và các không gian học tập khác. Ảnh: Nikkei. |
Không phải ngẫu nhiên mà 3 ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ lại thay đổi mô hình kinh doanh cửa hàng bán lẻ truyền thống. Chính sự bùng nổ của thương mại điện tử trong suốt thời gian đại dịch khiến họ đi đến quyết định này.
Lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng đột biến 25% trong năm 2020, sau một thập kỷ phát triển không ngừng. Trong khi đó, doanh thu từ các cửa hàng bán lẻ lại giảm tới 10%, cũng trong năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực này, vốn đã phải đối mặt với không ít thách thức từ các năm trước đó.
Shinsegae và nhiều doanh nghiệp đối thủ đã nỗ lực để có thể thích ứng với sự biến đổi không ngừng của thị trường, thông qua đầu tư vào mô hình bán hàng trực tuyến. Nhưng họ vẫn bị bỏ xa bởi nhiều cái tên sừng sỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử, điển hình là Coupang. Trong khi doanh số của Coupang tăng tới 70%, các cửa hàng bán lẻ lại bị thua thiệt về mức giá, sự đa dạng sản phẩm và thời gian giao hàng.
Các nhà bán lẻ truyền thống nhận ra rằng ngoài việc mở rộng bán hàng trực tuyến, họ cần phải tối ưu hoá giá trị của các cửa hàng truyền thống, và mang lại những trải nghiệm mà các nền tảng thương mại điện tử không thể.
Nhu cầu mua sắm đang dần phục hồi tại Hàn Quốc nhờ vào những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cũng như đà tăng giá của thị trường bất động sản.
“Những người giàu có không thể đi du lịch nước ngoài, do đó, họ chi nhiều hơn cho các sản phẩm có tên tuổi”, theo một chuyên gia phân tích chứng khoán.
Nhờ vào xu hướng đó, doanh thu của các công ty điều hành bán lẻ bật tăng trở lại về mức trước đại dịch. Nếu như dịch bệnh Covid-19 qua đi, doanh thu thậm chí còn tăng cao hơn khi khách du lịch quốc tế quay trở lại, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Vì dịch bệnh đang bùng phát mạnh trở lại tại Hàn Quốc kể từ tháng 7, triển vọng tăng trưởng doanh thu giờ đây thực sự khó đoán. Một vấn đề nữa đó chính là những địa điểm hiện tại cũng cần phải có một sự thay đổi toàn diện.
Ba ông lớn trên rõ ràng đang lên kế hoạch giảm tỷ trọng doanh số bán lẻ, thay vào đó là gia tăng doanh thu từ các dịch vụ, nhưng cách tiếp cận đó phụ thuộc vào mức độ thành công của các trung tâm thương mại mới này. Nếu không thì, sẽ có rất ít nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho việc “lột xác” các cửa hàng cũ.
Các nhà vận hành chuỗi bán lẻ trên toàn cầu đã tích cực thử nghiệm nhiều biện pháp để có thể khác biệt hoá bản thân với các nhà bán lẻ trực tuyến, qua đó phục hồi lại một lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Sự thành công hoặc thất bại của Hàn Quốc sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành công nghiệp này trên toàn cầu.