Cuộc chia tay của Lộc Trời với Syngenta góp phần tạo nên cú nhảy vọt về lợi nhuận và giá cổ phiếu của một công ty thuốc trừ sâu
Việc rời đi của Syngenta từng làm dấy lên nỗi lo lắng về hiệu suất kinh doanh của Lộc Trời, và thực tế không biết hữu ý hay vô tình, điều này đã đúng. Ngược lại, "làn gió mới" từ Syngenta đã và đang hỗ trợ tăng trưởng cho VFG.
CTCP Khử trùng Việt Nam (mã chứng khoán VFG) vừa công bố BCTC quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt gần 966 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, VFG lãi ròng 78,7 tỷ đồng, tăng 38% so với quý 1/2023.
Đây là mức lợi nhuận quý cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, chỉ sau con số kỷ lục đạt được quý cuối năm 2023 trước đó.
Theo giải trình, do điều kiện giá một số nông sản tỷ USD của Việt Nam như Gạo, Sầu Riêng, Cà phê,… tăng, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động phục vụ cho việc bán hàng làm cho doanh thu tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá vốn tăng chậm hơn do cân đối dòng tiền, các khoản chiết khấu cho nhà cung cấp, góp phần tăng lợi nhuận. Ngoài ra, hoạt động tài chính trong kỳ cũng hiệu quả.
Trên thị trường, cổ phiếu VFG cũng "âm thầm" lên đỉnh lịch sử với 68.000 đồng/cp – tăng gấp đôi kể từ đầu năm và cũng là mức giá kỷ lục kể từ khi niêm yết.
Thực tế, xu hướng tăng trưởng của VFG không chỉ diễn ra thời gian gần đây. 3 năm qua, VFG cho thấy bước "nhảy vọt" so với quá khứ, cả về hiệu suất kinh doanh lẫn giá cổ phiếu, diễn ra sau khi VFG đón nhận nhà đầu tư chiến lược mới là Syngenta từ đầu năm 2022.
Trong đó, Syngenta là tập đoàn toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp với 250 năm lịch sử, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ, hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2017, Tập đoàn hóa chất Trung Quốc ChemChina mua lại Syngenta.
Tại Việt Nam, Syngenta đã có mặt hơn 30 năm, chuyên cung cấp các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và các loại giống cây trồng, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phân phối tới nông dân.
Đáng nói, trước VFG, Tập đoàn này là đối tác chiến lược quan trọng của Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) trong 25 năm, cung cấp các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật như Amistar Top, Tilt Super, Filia, Sofit và sản phẩm giống.
Còn Lộc Trời cũng từng là "đối thủ" chính của VFG trong mảng thuốc bảo vệ thực vật. Những năm trước 2022, tương tự VFG, mảng thuốc bảo vệ thực vật nguồn thu chính của Lộc Trời, chiếm 60% doanh số, theo sau là mảng giống với 10%. Việc "rời đi" của Syngenta lúc bấy giờ dấy ra lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của Lộc Trời, và thực tế không biết hữu ý hay vô tình, điều này đã đúng.
Ngược lại, "làn gió mới" từ Syngenta đã và đang hỗ trợ tăng trưởng cho VFG. Với hoạt động kinh doanh chính dịch vụ khử trùng và kinh doanh nông dược (thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh và phân bón), VFG từng có giai đoạn nhiều năm lãi ròng quanh quẩn mức 150 tỷ trước khi bất ngờ lãi lớn trong 2 năm qua.
Năm 2022, lợi nhuận của VFG tăng gần gấp đôi và lên mặt bằng mới hơn 200 tỷ đồng/năm. Sang năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt hơn 296 tỷ đồng, tiếp tục tăng 29% so với năm 2022 và vượt 18% kế hoạch.
Sang năm 2024, VFG lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 3.690 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, doanh nghiệp sẽ phá kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận của năm ngoái. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, VFG đã hoàn thành khoảng 26% các chỉ tiêu đề ra.
Ngoài Syngenta, VFC cũng phân phối sản phẩm cho nhiều công ty nông dược hàng đầu thế giới như Zenneca, Ciba, Russel... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ khử trùng tại Việt Nam, luôn giữ vị thế số 1 với thị phần khoảng 60% thị phần tùy từng loại mặt hàng.
Nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn PAN, bên cạnh Vinaseed, VFC là mảnh ghép quan trọng cho chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất và cung cấp giống cây trồng, phân phối thuốc bảo vệ thực vật, sở hữu cơ sở canh tác đến các nhà máy chế biến tiêu chuẩn quốc tế.