Cúng Ông Công Ông Táo vào ngày giờ nào, mâm cúng đặt ở đâu để đem lại may mắn cả năm cho gia chủ?

22/01/2022 20:28 PM | Xã hội

Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Truyền thuyết về cúng ông Công ông Táo

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục truyền thống có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người.

Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

 Cúng Ông Công Ông Táo vào ngày giờ nào, mâm cúng đặt ở đâu để đem lại may mắn cả năm cho gia chủ? - Ảnh 1.

Cúng ông Công ông Táo đúng ngày, giờ đẹp để mang lại may mắn cả năm 2022 (Ảnh: Dân Việt)

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.

Theo lịch âm dương, lễ cúng ông Công ông Táo năm 2022 rơi vào thứ Ba, ngày 25 tháng 1.

Tuy nhiên, nhiều người dân có quan niệm lễ phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, nên nhiều gia đình cúng từ ngày 22 vì quan niệm phải kịp giờ cho ông Táo về Thiên Đình.

Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào thì tốt cho năm 2022

Theo Lịch vạn niên 2022, các gia đình có thể tiến hành cúng Táo quân vào các ngày sau đây:

Ngày 21 tháng Chạp (tức 23/1/2022 dương lịch): Ngày Bính Tý, niên mệnh Giản Hạ Thủy, Lục nhâm Lưu niên.

Ngày 23 tháng Chạp (tức 25/1/2022 dương lịch): Ngày Mậu Dần, Hoàng Đạo, niên mệnh Thành Đầu Thổ, Lục nhâm Xích khẩu.

- Giờ tốt cúng ông Công ông Táo năm 2022:

+ Với ngày 21 tháng Chạp: Các khung giờ đẹp gồm: Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).

Trong đó, giờ Ngọ ngày 21 tháng Chạp là giờ Tốc hỷ, là khung giờ đẹp nhất để cúng Táo quân. Nếu tiến hành cúng ông Công ông Táo vào khung giờ này, hứa hẹn năm mới gặp nhiều niềm vui, may mắn, xuất hành thuận lợi, dễ dàng hóa giải những xui xẻo, bệnh tật có thể gặp phải cho mọi thành viên trong nhà.

+ Với ngày 23 tháng Chạp: Các khung giờ đẹp gồm Thìn (7h-9h), Tị (9h-11h).

Đặc biệt, trong ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu, giờ Thìn là giờ Tốc hỷ, rất thích hợp để các gia đình tiến hành nghi lễ cúng tiễn Táo quân về trời.

 Cúng Ông Công Ông Táo vào ngày giờ nào, mâm cúng đặt ở đâu để đem lại may mắn cả năm cho gia chủ? - Ảnh 2.

Theo tín ngưỡng dân gian, giờ Ngọ (từ 11h - 13h) ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các Thần bếp quy tụ để chuẩn bị về trời. Nên đây được coi là khung giờ tối linh thiêng, thích hợp để đưa tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời hơn cả (tốt hơn hết là trước 12h trưa).

Tuy nhiên, trong ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu, giờ Ngọ là giờ Hắc đạo. Vì thế, tùy quan niệm mỗi gia đình mà có thể đưa ra lựa chọn phù hợp. Không nhất thiết phải cúng Táo quân vào lúc giữa trưa (chính Ngọ), mà có thể cúng vào các khung giờ đẹp nêu trên (như giờ Thìn hoặc Tị).

Đồ vàng mã cúng ông Công ông Táo

Bộ ông Công ông Táo: Một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng 23 tháng Chạp truyền thống là bộ ông Công ông Táo. Thông thường, bộ ông Công ông Táo đầy đủ sẽ bao gồm: 3 chiếc mũ, 3 đôi giày, 3 bộ áo, 3 con cá chép giấy. Mũ ông Công ba cỗ (hay ba chiếc) có 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho Táo ông thường có 2 cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn. Những chiếc mũ này được trang trí bằng các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và dây kim tuyến.

Mâm cúng ông Công ông Táo đặt ở đâu?

Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ở đâu bởi tùy vào phong tục cũng như quan niệm từng vùng miền sẽ có những quy ước khác nhau đối với vị trí đặt mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo.

Mỗi năm, đến ngày Tết ông Công ông Táo, người dân cũng tiến hành làm lễ, đặt mâm cúng ông Công tại bàn thờ tổ tiên.

Trong khi đó, ông Táo được cho là vị thần trông coi việc bếp núc nên các gia đình thờ ông Táo ở dưới bếp của mình. Đến dịp Tết ông Công ông Táo, người dân thường làm lễ, đặt mâm cúng ông Táo tại khu vực này.

Nhưng, theo truyền thống của người Việt Nam, cúng bái luôn là một trong những việc yêu cầu sự trang nghiêm, chính vì thế lễ cúng ông Công ông Táo cần phải được thực hiện ở nơi trang trọng và gia chủ cũng cần thể hiện sự thành tâm của mình.

Theo: Doanh nghiệp và tiếp thị

Theo: PV

Cùng chuyên mục
XEM