Cùng nghe 3 bà nội trợ Việt chia sẻ kế hoạch chi tiêu tiết kiệm mùa Covid-19: Người thì thắt chặt chi tiêu ăn uống, người thì làm công việc tạm thời, người vội vàng xây dựng quỹ dự phòng khẩn
Dự đoán dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến dài, thậm chí hết dịch đời sống vẫn sẽ còn bị ảnh hưởng. Bởi thế nhiều gia đình Việt hiện nay đã lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm mùa Covid 19 nghiêm túc để có thể giúp kinh tế gia đình ít bị ảnh hưởng nhất trong và sau mùa dịch.
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Để phòng chống dịch, người dân hạn chế 15 ngày ra khỏi nhà, chỉ ra đường mua lương thực thực phẩm hoặc cần thiết phải ra ngoài đi làm tại các nhà máy, bệnh viện…
Vì dự đoán dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến dài, thậm chí hết dịch đời sống vẫn sẽ còn bị ảnh hưởng. Bởi thế nhiều gia đình Việt hiện nay đã lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm mùa Covid 19 nghiêm túc để có thể giúp kinh tế gia đình ít bị ảnh hưởng nhất trong và sau mùa dịch.
Thực tế mỗi bà nội trợ Việt hiện nay đều có cách cắt giảm chi tiêu hiệu quả cho gia đình mình.
Tuy đa dạng các biện pháp nhưng mục đích cuối cùng của họ là "vén khéo" để tiết kiệm và vẫn có tích lũy nhỏ dự phòng trong thời gian khó khăn "kiếm ít, tiêu nhiều" này.
Và với họ, dịch Covid-19 đúng là một đợt để họ tự trải nghiệm về tính tiết kiệm và xây dựng kế hoạch thắt chặt chi tiêu tối ưu cho gia đình mình.
Cắt giảm chi tiêu gia đình từ 13 triệu xuống còn 5 triệu/tháng vì không tiêu gì ngoài ăn uống, điện nước
Đó là kế hoạch chi tiêu mùa dịch Covid-19 của gia đình chị Lê Thị Hoa, 43 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Theo chị Hoa chia sẻ, nếu như các tháng trước kia, không tháng nào gia đình 4 người nhà chị không hết khoảng 13-14 triệu/tháng thì 2 tháng nay, nhận thấy tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, bà nội trợ này đã lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu gia đình xuống còn 5 triệu/tháng.
Chị Lê Thị Hoa.
"Khéo co thì vẫn ấm thôi. Vì dịch nghỉ ở nhà nên vợ chồng mình cũng không đi bán hàng được. 2 con mình đều phải nghỉ học và học online. Do cả nhà nghỉ dịch nên chủ yếu chi tiêu gia đình vào ăn uống với điện nước. Mà mình cũng dự kiến, ngay cả khi Covid-19 qua nhanh đi thì kinh tế vẫn còn rất khó khăn. Thế nên nhà mình đã xác định cắt giảm chi tiêu tiết kiệm từ tháng trước rồi", chị Hoa tâm sự.
Cũng theo bà nội trợ 43 tuổi này, lúc trước chẳng bao giờ chị nghĩ gia đình 4 người ở Hà Nội lại có thể chi tiêu dưới 13triệu đồng được. Vậy mà bây giờ, cá nhân chị đang thực hiện được mới thấy không gì là không thể:
"Với 5 triệu tiền ăn và điện nước hàng tháng, gia đình 4 người nhà mình vẫn sống tốt. Do hiện đang dịch nên mình đi chợ theo tuần. Cứ 1 tuần mình ra chợ mua cá thịt, rau củ quả về sơ chế rồi cho vào tủ lạnh. Đi chợ theo tuần vừa rẻ, lại tiết kiệm và tiện lợi.
Giờ mình và con gái bảo nhau phải ăn đơn giản đi, không đặt hàng online đồ ăn vặt quá nhiều. Ngoài ra, mình nhắc con không học thêm thì chịu khó học online sẽ vẫn giỏi. Bên cạnh đó, tất cả tiền đi lại, chi tiêu mua sắm khác cắt giảm tối đa. Nói chung mình không tiêu gì ngoài ăn uống, nước, điện ra", chị Hoa khẳng định.
Bị cắt thưởng, giảm lương 30% nên thắt chặt chi tiêu và vội vàng xây dựng quỹ dự phòng khẩn
Làm tại một công sở X, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lương của chị Lan Anh (Hà Nội) bị giảm 30%. Song dù vậy, người phụ nữ trẻ này vẫn còn cảm thấy mình may mắn vì chưa bị thất nghiệp và vẫn còn có thu nhập hàng tháng đủ để duy trì cuộc sống.
"Rất may là các khoản nợ tiền mua nhà vợ chồng mình đã chi trả hết từ đầu năm. Vì dồn hết tiền trả nợ nên buồn là tiền tiết kiệm vợ chồng mình không có. Mình còn chưa kịp xây dựng các quỹ khẩn cấp dự phòng nên tình hình hiện nay lương bị giảm như vậy thì cuộc sống có bị ảnh hưởng chút", chị Lan Anh tâm sự.
Chị Lan Anh.
Hiện mức lương của chị Lan Anh sau khi bị cắt giảm 30% chỉ còn khoảng gần 7 triệu đồng. Còn chồng chị do làm xây dựng nên cũng không có việc làm và đang nghỉ ở nhà. Mọi chi tiêu gia đình trẻ trông vào hết lương của vợ trẻ.
"Trước lương cứng của mình mới chỉ đủ chi tiêu trong tháng và tiết kiệm chủ yếu phần thưởng mỗi tháng. Còn lương anh xã trả nợ mua nhà. Giờ lương giảm, thưởng cắt nên mình phải co kéo chi tiêu cho đủ. Ngoài ra tuy không nhiều nhưng mỗi tháng mình cố gắng bỏ 1 triệu vào phong bì cất đi. 2 tháng qua cũng được 2 triệu.
Như vậy có cái dự phòng, cũng yên tâm hơn là không có đồng nào. Sau này dịch qua, lương thưởng trở về như cũ, mình sẽ cố gắng giữ nguyên chi tiêu như đợt dịch này để nhanh xây được quỹ dự phòng thêm nhiều tiền hơn, ít nhất khoảng 25% lương", chị Lan Anh khoe.
Người vợ trẻ này cũng cho rằng, Covid-19 tới bất ngờ, bản thân chị mới thấy rõ sự quan trọng của 1 quỹ dự phòng phải có trong nhà: "Trước mình cứ dồn hết để trả nợ vì chủ quan nghĩ với mức thu nhập hiện tại thì gây quỹ nhanh thôi. Nhưng đâu ngờ, cắt thưởng giảm lương một cái là ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình liền nên phải co kéo ngay để tạm ổn sớm".
Thất nghiệp đúng mùa dịch nên vừa khéo co chi tiêu phải làm những công việc tạm thời để có thu nhập theo ngày
Đó là hoàn cảnh của vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến ở Hà Đông, Hà Nội. Chị Yến là công nhân may nên mùa dịch Covid-19 dù vẫn đi làm xong cũng khá ít việc nên thu nhập giảm xuống còn 5-6 triệu đồng/tháng. Chồng chị trước làm nghề lái tàu sông, đã xin nghỉ việc từ đầu năm để dự định xin việc mới. Thế nhưng sau Tết đúng thời điểm dịch bùng phát nên trở thành người thất nghiệp ở nhà.
Chị Yến sang tìm cách xoay sở với cuộc sống bị ảnh hưởng do dịch.
Mọi chi tiêu gia đình trông chờ hết vào vài triệu lương công nhân may bập bõm của chị Yến:
"Cũng may trước đó vợ chồng mình có khoản dự phòng nhỏ nên lấy đó ra chi tiêu tiết kiệm cho qua đợt dịch này. Chồng mình cũng đang cố gắng làm những việc làm tạm thời mà thu nhập ngay theo ngày như chạy grab, giao hàng, hoặc thu mua thực phẩm ngon, an toàn... đem giao bán. Anh bảo, nghề nào cũng được, miễn kiếm được tiền. Còn mình vẫn đi làm, thỉnh thoảng mang rau sạch ở nhà đi bán cho các đồng nghiệp".
Theo chị Yến, ngoài cắt giảm chi tiêu gia đình, vợ chồng chị vẫn cố gắng làm lụng để có thêm đồng ra đồng vào. Tất nhiên không thể nói là nhiều, nhưng đủ duy trì cuộc sống giai đoạn này.