Cùng một đồng vốn, nhưng VPBank đang lãi gấp 3 lần ACB nhờ khai thác triệt để khách "bình dân"

27/02/2017 10:18 AM | Kinh doanh

VPBank và ACB là 2 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ và tài sản ngang nhau. Tuy nhiên, lợi nhuận VPBank những năm gần đây đang tăng vọt do chiến lược hướng tới cho vay tiêu dùng, là các hộ kinh doanh, cá nhân. Ở mặt ngược lại, ACB với chiến lược tập trung cho khách VIP có lợi nhuận kém hơn vì chi phí phát sinh lớn.

Quy mô ngang nhau nhưng lợi nhuận khác biệt

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, ACB và VPBank là 2 ngân hàng có quy mô ngang nhau, cùng mang phong cách phục vụ hiện đại và đều bắt nhịp nhanh với xu hướng đổi mới trong ngành ngân hàng, từ nhận diện thương hiệu tới chiến lược kinh doanh.

Tính đến cuối năm 2016, vốn điều lệ ACB gần 9.400 tỷ đồng thì vốn VPBank gần 9.200 tỷ đồng. Tài sản 2 ngân hàng cũng xấp xỉ nhau, đạt lần lượt 234 nghìn tỷ và 226 nghìn tỷ đồng.

Tuy có quy mô tài sản và vốn ngang nhau, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh giữa ACB và VPbank có sự chênh lệch khá lớn.

Nhìn vào chênh lệch giữa số liệu cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng, có thể thấy ACB đều đang mạnh hơn VPBank. Cho vay khách hàng tại ACB là 161 nghìn tỷ đồng và huy động vốn là 207 nghìn tỷ đồng, cao hơn 42% và 70% so với VPBank.

Tuy nhiên, số tiền gửi khách hàng quá lớn cũng khiến ACB tốn nhiều tiền hơn để trả lãi cho các khách hàng, khiến chênh lệch từ trả lãi và nhận lãi (thu nhập lãi thuần) thấp hơn VPBank.

Bên cạnh đó, VPBank còn hưởng lợi từ thu nhập góp vốn, mua cổ phần và một số hoạt động khác. Kết quả là, lợi nhuận năm 2016 của ngân hàng mẹ VPBank lên tới hơn 3.400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần con số 1.600 tỷ đồng của ACB.

Chiến lược vay tiêu dùng của VPBank

Ngoài thu nhập và chi phí trả lãi, hướng đi của 2 ngân hàng cũng đang có sự khác biệt, tác động đến chi phí hoạt động.

Trong năm qua, chi phí hoạt động của ACB đã tăng 16,3% so với năm trước. Theo dự báo, chi phí của ACB sẽ còn tăng tiếp trong năm tới bởi chiến lược của ngân hàng này là tập trung vào khách hàng VIP, nên sẽ phát sinh thêm chi phí cho các chuyên viên quan hệ khách hàng cao cấp và chi phí sửa chữa, tân trang chi nhánh.

Trong năm qua, dù số lượng nhân viên bình quân của ACB gần như không đổi, nhưng chi phí lương thưởng cho nhân viên tăng hơn 15% để đáp ứng tốc độ tăng trưởng vốn huy động nói trên.

Trái lại, tại VPBank, ngân hàng này năm qua giảm lượng nhân viên chính thức tại ngân hàng nhưng tăng mạnh nhân sự tại công tay cho vay tiêu dùng. Điều này giúp giảm quỹ lương tại ngân hàng cho các nhân viên. Theo tính toán, thu nhập bình quân/tháng của nhân viên VPBank chỉ còn 14,8 triệu đồng, trong khi năm trước lên tới 18,5 triệu đồng/tháng. VPBank cho biết, ngân hàng thực ra không cắt giảm thu nhập nhân viên, mà con số giảm trên báo cáo tài chính là do sự chuyển dịch cơ cấu và cách tính trung bình.

Chính vì chiến lược hướng đến vay tiêu dùng cá nhân nói trên mà VPBank đạt gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, gấp 3 lần so với ACB. Lợi nhuận VPBank cao ngất ngưởng nhờ ngân hàng này ghi nhận lãi từ Công ty tài chính FE Credit.

FE Credit của VPbank hiện đang "lớn nhanh như thổi" với hướng đi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. VPBank hướng tới phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình cũng như những đối tượng không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Đây là mảng kinh doanh mà thị trường còn rất tiềm năng.

Nhóm khách hàng "hộ kinh doanh, cá nhân" đang là đối tượng cho vay chủ lực của VPBank, chiếm tỷ tọng 62% trong cơ cấu dư nợ, đạt gần 90 nghìn tỷ đồng (năm trước là 62 nghìn tỷ - 53%). Để có con số tăng trưởng này, lượng nhân viên của VPBank trên báo cáo hợp nhất đã tăng từ 11.000 người lên hơn 15.100 người.

Hiện nay, VPBank có 214 chi nhánh, phòng giao dịch trong khi ACB có khoảng 345 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM