Cùng bứt phá mạnh nhờ đổi chủ, sau 1 năm, lợi nhuận Sữa Mộc Châu bắt đầu hụt hơi so với Sữa Quốc tế
Lợi nhuận quý 1 năm 2021 của IDP gấp 3,6 lần so với Mộc Châu Milk, trong khi quý 1/2020 hai công ty này còn ngang ngửa nhau.
CTCP Sữa Quốc tế (IDP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 61%. Lợi nhuận gộp 486 tỷ đồng, đạt tỷ suất 43%.
Cùng với doanh thu, chi phí bán hàng 240 tỷ đồng, tăng 9%; chi phí quản lý doanh nghiệp 33 tỷ đồng, tăng 77%.
IDP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử của IDP, chỉ sau quý 4/2020 lãi 196 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh kể từ năm 2020 là một cái gì đó rất khác so với giai đoạn trước đó. Doanh thu thuần cả năm ngoái đem về 3.836 tỷ đồng, tăng 106%; lợi nhuận ròng 502 tỷ đồng, tăng 344%. Năm vừa qua cũng là năm IDP có sự thay đổi quan trọng về chủ sở hữu, phần lớn cổ phần hiện đã về tay cổ đông Bluepoint.
Biên lợi nhuận gộp của IDP cải thiện mạnh mẽ, từ loanh quanh 20% lên trên 40% như hiện tại. Cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận là hai yếu tố chính giúp lợi nhuận ròng của IDP tăng trưởng đột phá.
Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu của IDP có nguyên nhân quan trọng đến từ việc đầu tư mạnh tay vào tài sản cố định. Nững năm gần đây công ty chi ra hàng trăm tỷ đồng mua máy móc, và chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này gia tăng đáng kể công suất các nhà máy của IDP.
Lợi nhuận ấn tượng trong quý đầu năm 2021 đã khiến cho IDP xóa lỗ lũy kế, thay vào đó có lãi chưa phân phối hơn 100 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối kỳ đạt hơn 2.300 tỷ đồng, bảng cân đối kế toán của IDP tương đối lành mạnh, trong đó tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn gần 800 tỷ đồng, chiếm 1/3 cơ cấu.
Câu chuyện đổi chủ của IDP giống với một doanh nghiệp ngành sữa khác là CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk). Năm 2020, cả hai là hiện tượng thú vị ngành sữa, lợi nhuận của Mộc Châu Milk cũng cải thiện mạnh mẽ sau khi về tay Vinamilk. Giá vốn của Mộc Châu Milk giảm mạnh nhờ sức mạnh của công ty mẹ với vị thế là công ty sữa số một Việt Nam, nhờ đó biên lãi gộp cải thiện nhanh chóng.
Nhưng đà tăng của Mộc Châu Milk đã chững lại kể từ sau quý 3/2020, lợi nhuận ròng giảm về 72 tỷ đồng so với 102 tỷ đồng quý trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là con số tăng trưởng lớn so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý gần nhất, lợi nhuận ròng của Mộc Châu Milk đạt 50 tỷ đồng, chỉ tăng 5% so với quý 1/2020. Lợi nhuận của Mộc Châu Milk giảm mạnh quý thứ 2 liên tiếp.
Doanh thu thuần đạt 621 tỷ đồng, giảm 2%; lợi nhuận gộp biên rơi về mức 28%. Quý 3/2020, lợi nhuận gộp biên của Mộc Châu Milk đạt gần 35%.
Nhìn vào các chỉ số phản ánh kết quả kinh doanh, Mộc Châu Milk có dấu hiệu "về mặt đất", trong khi đó IDP vẫn đang cho thấy khả năng "bay cao".
Mộc Châu Milk và IDP từng là những đối thủ cân tài, cân sức so kè nhau về kết quả hoạt động. Nhưng hiện tại IDP ngày càng bỏ xa Mộc Châu Milk. Doanh thu quý gần nhất của IDP gấp 1,8 lần, lợi nhuận ròng gấp 3,6 lần đối thủ.
IDP nổi tiếng với các thương hiệu sữa Ba Vì và Love’in Farm, công ty có hai nhà máy sữa tại Ba Vì – Hà Nội và Củ Chi – TP HCM.
Trong khi đó, Mộc Châu Milk sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu giàu truyền thống và được đánh giá cao về chất lượng nguồn nguyên liệu. Mộc Châu Milk còn có lợi thế từ quy trình chuẩn chỉ của Vinamilk và được tích hợp vào hệ thống phân phối của công ty sữa lớn nhất Việt Nam.
Về phía công ty mẹ Vinamilk, doanh thu quý đầu năm giảm 7%, đạt 13.190 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng ghi nhận 2.597 tỷ đồng, giảm 6,5%.
Trong năm nay, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu tăng 4,1% và lợi nhuận đi ngang. Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc cho biết, việc đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng do tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn nhiều bất định.