Cùng bán vàng, trong khi PNJ, DOJI thu lãi cả nghìn tỷ mỗi năm, SJC chỉ lãi "bèo bọt" vài chục tỷ

12/05/2023 07:16 AM | Kinh doanh

Năm 2022, SJC chỉ đạt lợi nhuận sau thuế khiêm tốn là 49 tỷ đồng, trong khi PNJ lãi 1.800 tỷ và DOJI lãi hơn 1.000 tỷ, lần lượt cao gấp 37 lần và 21 lần SJC.

Cùng bán vàng, trong khi PNJ, DOJI thu lãi cả nghìn tỷ mỗi năm, SJC chỉ lãi "bèo bọt" vài chục tỷ - Ảnh 1.

Năm 2022 được xem là một năm đầy biến động đối với giá vàng, nhất là khi tăng mạnh vào tháng 3/2022. Giá vàng miếng SJC thiết lập một đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng, sau đó liên tục giảm mạnh về dưới ngưỡng 70 triệu đồng/lượng.

Giá vàng biến động mạnh kéo theo giao dịch trên thị trường sôi động, góp phần đem lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội đó, khi mức chênh lệch về lợi nhuận của 3 "đại gia" vàng trong nước hiện nay là PNJ, DOJI và SJC rất lớn.

2022 là năm thăng hoa của cả PNJ và DOJI khi cùng vươn lên mức lãi kỷ lục. Cụ thể, PNJ đạt doanh thu thuần 33.876 tỷ đồng, tăng 73,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 1.807 tỷ đồng, tăng 75,6% so với cùng kỳ.

Về phía DOJI, năm 2022 cũng vừa bất ngờ báo lãi đột biến 1.017 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm 2021.

Đây là con số cao kỷ lục so với những năm trước đó, khi DOJI chỉ ghi nhận lãi sau thuế trên dưới 100 - 200 tỷ/năm. So với đối thủ PNJ, khoản lãi nghìn tỷ của DOJI này đã tiệm cận mức lãi của PNJ các năm 2020 và 2021. Còn ở năm 2022 thì vẫn còn khoảng cách tương đối xa.

Cùng bán vàng, trong khi PNJ, DOJI thu lãi cả nghìn tỷ mỗi năm, SJC chỉ lãi "bèo bọt" vài chục tỷ - Ảnh 2.

Trong khi các đối thủ lần lượt báo lãi lịch sử và vượt mốc nghìn tỷ, thì ở diễn biến khác, SJC chỉ báo lãi vài chục tỷ trong khi doanh thu vẫn gần như ngang ngửa PNJ, đạt 27.000 tỷ.

Năm 2022, SJC chỉ đạt lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 49 tỷ đồng, tương đương, lợi nhuận của PNJ và DOJI lần lượt cao gấp 37 lần và 21 lần. Nếu tính trung bình, mỗi tháng PNJ thu lãi khoảng 151 tỷ đồng, còn DOJI lãi 1 tháng 85 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế cả năm qua của SJC chưa bằng khoản lãi thu được trong nửa tháng kinh doanh của PNJ, nhỉnh hơn nửa tháng của DOJI một chút.

Trước đó, cơn sốt vàng năm 2011 từng mang lại cho SJC doanh thu kỷ lục trong lịch sử kinh doanh với 111.052 tỷ đồng. Đến năm 2012 đạt 72.051 tỷ đồng, bỏ rất xa kết quả kinh doanh của PNJ tuy nhiên bắt đầu ''lao dốc'' kể từ năm 2013 và đến năm 2021, lần đầu tiên PNJ đã có kết quả doanh thu ''vượt mặt'' SJC.

Thời kỳ đỉnh lợi nhuận của SJC cũng chỉ mới chạm đến ngưỡng 295 tỷ vào năm 2012.

Cùng bán vàng, trong khi PNJ, DOJI thu lãi cả nghìn tỷ mỗi năm, SJC chỉ lãi "bèo bọt" vài chục tỷ - Ảnh 3.

Cập nhật KQKD mới nhất, kết thúc quý 1/2023, PNJ đã đạt được mức lợi nhuận sau thuế 749 tỷ đồng. Năm 2023, PNJ trong đó kỳ vọng lợi nhuận thu về tiếp tục lên đỉnh mới, đạt 1.937 tỷ đồng, doanh thu mục tiêu là 35.598 tỷ đồng.

Còn SJC năm 2023 đặt mục tiêu doanh thu tiếp tục tăng thêm 12% lên 30.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng chỉ 3%, lên 71 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu lợi nhuận cả năm của SJC chỉ chưa bằng 10% lãi quý 1 của PNJ.

Dự báo về giá vàng trong năm 2023, ông Nguyễn Hữu Thuyết, đại diện bộ phận kinh doanh Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, giá vàng có khả năng gặp nhiều thuận lợi cho việc tăng giá và sẽ có nhiều đợt biến động.

Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, kinh tế thế giới có thể tiếp tục trì trệ sẽ khiến nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn làm nơi trú ẩn tài sản. “Năm 2023, giá vàng sẽ diễn biến theo hướng lúc tăng lúc giảm nhưng tăng giá chiếm ưu thế và có thể vượt mốc 2.000 USD/ounce. Giá vàng trong nước diễn biến theo chiều hướng của giá vàng thế giới nhưng sẽ lên đến mức nào còn phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng cung ứng về vàng của thị trường”, ông Đinh Trọng Thịnh dự báo.

Nhuận Hoa

Từ khóa:  sjc
Cùng chuyên mục
XEM