Cùng áp dụng mô hình của Berkshire Hathaway, vì sao "Warren Buffett của Trung Quốc" thất bại?
Trong nhiều năm liền, Ngô Tiểu Huy được nhiều người ví như Warren Buffett của Trung Quốc, trong khi An Bang được so sánh với Berkshire Hathaway bởi mô hình kinh doanh của hai tập đoàn có nhiều nét tương tự nhau.
Cuối tháng trước, Chính phủ Trung Quốc thông báo đã tiếp quản Công ty bảo hiểm An Bang (安邦), một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước này, do những bê bối liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Trước đó, ông Ngô Tiểu Huy (吳小暉), Chủ tịch Tập đoàn, bị bắt hồi giữa tháng 6/2017.
Trong nhiều năm liền, Ngô Tiểu Huy được nhiều người ví như Warren Buffett của Trung Quốc, trong khi An Bang được so sánh với Berkshire Hathaway bởi mô hình kinh doanh của hai tập đoàn có nhiều nét tương tự nhau. Trong đó, điểm chung lớn và dễ thấy nhất đó là hai tập đoàn này đều sở hữu công ty con hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm (xuất phát từ bảo hiểm xe cộ), sau đó sử dụng nguồn tiền khổng lồ thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm để mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác để trở thành những tập đoàn đa ngành.
Tuy nhiên, trong khi Berkshire Hathaway rất thành công với mô hình này khiến Warren Buffett trở nên nối tiếng khắp thế giới, thì Anbang từ lâu đã bộc lộ những bất ổn trong kinh doanh và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ đến mức Chính phủ Trung Quốc phải can thiệp. Vậy điểm khác nhau quan trọng nào giữa hai tập đoàn này dẫn đến kết quả trái ngược như vậy?
Warren Buffett đặc biệt thích thú với ngành bảo hiểm ngay từ khi mới biết về hoạt động kinh doanh này. Trong những năm đầu được nhận thực tập tại quỹ đầu tư của thầy giáo mình là Benjamin Graham, người khởi xướng phương pháp đầu tư giá trị, Warren Buffett đã quan tâm đến GEICO, một công ty bảo hiểm xe cộ có quy mô nhỏ ở thời điểm đó. Để hiểu sâu về ngành bảo hiểm, Warren Buffett thậm chí đã tham gia một khóa học trong vài tuần.
Ông cho rằng ngành bảo hiểm thật tuyệt vời bởi công ty bảo hiểm được tự do sử dụng một nguồn tiền mặt tự do (float) lớn từ khách hàng cho phí bảo hiểm, trong khi chỉ phải thanh toán một khoản bồi thường rất nhỏ khi khách hàng xảy ra tai nạn như quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Vốn là người giỏi toán, Warren Buffett cho rằng lợi ích thu được từ việc sử dụng số tiền nhàn rỗi kia lớn hơn rất nhiều so với chi phí phải bỏ ra cho các khoản bồi thường.
Warren Buffett mua National Indemnity Insurance năm 1967, Home Insurance 1969. Đặc biệt vào năm 1976, Berkshire Hathaway chính thức mua lại GEICO, công ty bảo hiểm mà Warren Buffett đã theo dõi từ khi còn là sinh viên, bây giờ đã là một công ty bảo hiểm đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Dòng vốn trôi nổi từ các công ty bảo hiểm này khiến cho Warren Buffett có thể vẫy vùng trên thị trường và thoải mái mua vào các cổ phiếu mà ông theo dõi.
Tương tự, Anbang được Ngô Tiểu Huy thành lập năm 2004, xuất phát cũng là một công ty bảo hiểm xe cộ. Nhờ nguồn tiền dồi dào huy động được từ kinh doanh bảo hiểm, Anbang đầu tư mở rộng đầu tư tài sản khắp nơi cả trong và ngoài Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là thương vụ mua lại khách sạn Waldorf Astoria ở New York với giá gần 2 tỷ USD hồi năm 2014.
Mặc dù vậy, có một số khác biệt cơ bản.
Thứ nhất, Warren Buffett mua lại các công ty bảo hiểm đã có thương hiệu nhất định, lịch sử hoạt động lâu dài nhưng đang gặp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến mức giá mua rất thấp so với dòng tiền trôi nổi mà các công ty này dự kiến thu được. Do đó, các thương vụ mua lại giúp Berkshire tiếp cận được nguồn vốn lớn một cách nhanh chóng. Trong khi đó, Anbang là công ty bảo hiểm mới thành lập nên rất khó khăn để cạnh tranh trong ngành kinh doanh chính là bảo hiểm, chưa kể đến việc đầu tư các lĩnh vực khác.
Thứ hai, ngành bảo hiểm ở thời điểm Warren Buffett đầu tư vẫn trong giai đoạn sơ khai và chưa có cạnh tranh nên công ty bảo hiểm tự định các mức phí rất cao để bảo hiểm cho những rủi ro thấp, khiến nguồn vốn thu được từ phí bảo hiểm có chi phí rất thấp và kỳ hạn dài. Trong khi đó, Anbang phải huy động vốn bằng các hợp đồng bảo hiểm ngắn hạn, mức sinh lợi cao tương đương các khoản vay nợ. Điều này khiến cho chi phí sử dụng vốn của Anbang rất cao, gây ra áp lực cho các khoản đầu tư ở lĩnh vực khác của công ty.
Thứ ba, các tài sản mà Berkshire Hathaway đầu tư đều ở Mỹ và có khả năng sinh lời rất tốt. Trong khi đó, tài sản Anbang đầu tư dàn trải ở khắp nơi trên thế giới, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý các khoản đầu tư. Cùng với đó là rủi ro ngoại tệ khó kiểm soát, khiến cho những khoản đầu tư hoạt động không hiệu quả. Thậm chí, một số thương vụ đầu tư của tập đoàn này còn gặp phải những cáo buộc tham nhũng.
Đối với Berkshire Hathaway, thương vụ mua lại công ty bảo hiểm GEICO vào năm 1976 là một bước ngoặt quan trọng trong việc mở rộng quy mô của Berkshire và tạo ra nguồn vốn đáng kể trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn này là dệt may lại đang đi vào bế tắc và đòi hỏi tiêu tốn ngày càng nhiều tiền. Các thương vụ đầu tư lớn và thành công nhất của Berkshire như Gillette, Coca-Cola hay ABC News Network đều được thực hiện sau khi GEICO đã trở thành công ty con của Berkshire và hoạt động ổn định.
Ngược lại, với việc chính thức bị nhà nước Trung Quốc kiểm soát, giấc mơ trở thành Warren Buffett tại Trung Quốc của Anbang và Ngô Tiểu Huy đã chính thức tan thành mây khói.