Cùng 1 sự kiện nhưng cách nhau 12 năm cho thấy Vinamilk đã "bùng nổ" như thế nào
Đầu năm 2005, việc nhà nước thu về gần 600 tỷ đồng từ bán 11,4% cổ phần của Vinamilk đã được coi là một sự kiện thành công vang dội.
Tháng 2/2005, hơn một năm sau khi Vinamilk tiến hành cổ phần hóa, nhà nước tiến hành giảm bớt tỷ lệ sở hữu tại công ty sữa này thông qua việc đấu giá công khai 1,82 triệu cổ phiếu (mệnh giá khi đó là 100.000 đồng/cp – tương ứng 18,2 triệu cổ phiếu quy đổi về mệnh giá 10.000 đồng/cp).
Một nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã chi ra 572 tỷ đồng để mua toàn bộ số cổ phiếu trên – tương ứng 11,4% cổ phần của Vinamilk – với giá trúng bình quân đạt 31.400 đồng (quy đổi về mệnh giá 10.000 đồng).
Tại mức giá trên, giá trị của Vinamilk được định giá ở mức 5.000 tỷ đồng, gấp 10 lần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong năm 2004.
Tháng 11/2005, nhằm chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu Vinamilk trên sàn chứng khoán vào đầu năm 2006, nhà nước tiếp tục bán ra 10,5% cổ phần với giá bán bình quân đạt xấp xỉ 49.000 đồng/cp.
Một đợt đấu giá mới sau gần 12 năm
Gần 12 năm sau đợt thoái vốn đầu tiên vào đầu năm 2005, câu chuyện thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk được khởi động lại. Ngày 12/12/2016 tới đây, nhà nước sẽ đấu giá công khai 130,6 triệu cổ phiếu Vinamilk với giá khởi điểm 144.000 đồng/cp.
Nếu như cách đây 12 năm, khi bán đi 11,4% cổ phần của Vinamilk nhà nước chỉ thu được vỏn vẹn 572 tỷ đồng thì đợt thoái tới đây, tương đương 9% cổ phần, nhà nước sẽ thu về tới 18.800 tỷ đồng tính theo giá khởi điểm!
Mức giá trên tương ứng với giá trị của Vinamilk đạt xấp xỉ 209.000 tỷ đồng – gấp 40 lần so với thời điểm tháng 2/2005. Mức tăng trưởng giá trị của Vinamilk cũng vượt trội so với tăng trưởng của kết quả kinh doanh: Theo ước tính của các công ty chứng khoán lớn, năm 2016, Vinamilk đạt khoảng 47.000 tỷ doanh thu và 10.000 tỷ lợi nhuận sau thuế - gấp 12 lần và 20 lần so với doanh thu và lợi nhuận của năm 2004.
Đây là mức tăng trưởng mà hiếm có nhà đầu tư nào khi tham gia mua cổ phần cách đây 12 năm có thể nghĩ tới dù cho nhiều nhà đầu tư trong số này vẫn kiên trì nắm giữ lượng lớn cổ phiếu đến tận ngày nay như Fraser&Neave (F&N), Dragon Capital, VinaCapital hay Arisaig Partners.
Không hề bán ra thậm chí còn mua thêm nên hiện F&N vẫn là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu xấp xỉ 11% cổ phần của Vinamilk. Ba nhà đầu tư còn lại trong nhóm trên đều là những quỹ đầu tư nên đã bán ra lượng lớn cổ phiếu trong hơn 10 năm qua để hiện thực hóa lợi nhuận.
Biến động giá cổ phiếu Vinamilk từ khi lên sàn