‘Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại’, nhưng có những cái ‘cúi đầu’ khiến tương lai bạn ‘đi tong’
Nếu rơi vào 1 trong 3 cái “cúi đầu” này, thật không dám tin bạn sẽ có tương lai rạng rỡ.
Cổ nhân có câu “lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”, hàm chỉ người thật sự lợi hại đều rất khiêm tốn, ung dung thản đãng. Họ không bao giờ phô trương hay tùy tiện khoe khoang thành tích của bản thân. Họ thường âm thầm tích lũy năng lượng đợi đến lúc có thể tỏa sáng chói lọi… Người biết mình, biết ta, khiêm nhường nghiêm cẩn sớm muộn sẽ nên thành tựu. Tuy nhiên, không phải lúc nào “cúi đầu” cũng là tốt, có 3 loại cúi đầu có thể “triệt hạ” tương lai của bạn. Hãy xem bạn có mắc lỗi nào không.
“Cúi đầu” trước những dục vọng bản thân
Chứng kiến địa vị của bạn bè, đồng nghiệp thăng lên như “diều gặp gió”… trong khi bản thân mình không là gì cả, không ít người liền sinh tâm đố kỵ, ghen ghét, khó chịu. Có người còn oán trời trách đất, kêu thán xã hội bất công.
Điều xấu xa nhất của bản chất con người chính là không muốn nhìn thấy người khác tốt đẹp, nói cách khác đó chính là sự ghen ghét đố kỵ mà chúng ta thường nhắc tới. Đồng nghiệp làm việc chăm chỉ, vất vả mới được lên chức, bạn lại thầm cầu mong bạn bị đuổi việc ngay ngày mai. Cậu bạn thân bận rộn cả năm trời kinh doanh phát đạt, bạn lại âm thầm hi vọng ngày mai bạn gặp phải tai họa ngập đầu.
Luôn có người lấy việc thấy người khác xui xẻo, mong người khác xui xẻo làm niềm vui, thấy người khác đen đủi một chút, bạn sẽ vui như thể bản thân vừa trúng thưởng lớn. Không mong thấy người khác được tốt đẹp, thực chất là một chứng bệnh đỏ mắt, mà nguyên nhân của nó chính là ghen tị với người khác.
Nguồn cơn của lòng đố kị chính là do ham muốn trong lòng và sự so sánh tâm lý sâu sắc ngày càng lớn. Khổng Tử nói “Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân” (không lo ít mà chỉ lo không đều), chỉ có những kẻ bất tài mới luôn mong người khác nghèo khổ.
Chỉ khi năng lực không tương xứng với tham vọng thì mới lo sợ người khác bộc lộ khả năng và vượt qua bản thân. Có nhiều khi, càng là người thân thiết lại càng không mong bạn sống tốt. Trên đời không có thứ gì là hoàn hảo, mỗi người đều có cách sống riêng. Nếu người khác giỏi hơn chúng ta, vậy thì việc chúng ta cần làm là đối mặt với thiếu sót của bản thân và không ngừng cố gắng.
Thực chất, những mong muốn, dục vọng của con người là vô hạn, không có điểm dừng. Nếu không biết kiểm soát, con người sẽ trở thành nô lệ của chúng. Cố hữu, chúng sẽ biến bạn trở thành một kẻ chẳng ra gì, quẩn quanh với tầm nhìn rối rắm và cái tâm u ám, sống vậy là hỏng rồi!
“Cúi đầu” trước những sai lầm của mình
Con người, ai mà không từng phạm sai lầm? Khi đã sai lầm thì phải sửa chữa. Nhưng trước khi sửa sai, cần phải biết can đảm “cúi đầu” thừa nhận lỗi lầm của bản thân.Tuy nhiên, có nhiều người lại không đủ can đảm để làm điều đó, và họ cứ mãi bị rớt lại ở những nơi họ bị ngã xuống, chẳng thể nào vực dậy bò lên để đi tiếp.
Cúi đầu trong trường hợp này giống với “từ bỏ”, “buông xuôi”. Trong cuộc sống, có khi nào muốn từ bỏ khi vấp phải những sai lầm của bản thân, hãy nhớ tới câu chuyện về danh thần Tăng Quốc Phiên. Khi còn nhỏ, Tăng Quốc Phiên cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường. Ông không phải là người có tư chất thông minh thiên bẩm, thậm chí còn có đôi chút khờ khạo. Nếu đem so sánh với những đứa trẻ cùng trang lứa khi đó thì quả thật là kém xa rất nhiều, ví dụ như Tả Tông Đường 14 tuổi đã tham gia ứng thí huyện Tương Âm, Lý Hồng Chương 17 tuổi đỗ tú tài, Lương Khải Siêu 11 tuổi đỗ tú tài, 16 tuổi trúng cử nhân.
Nhưng sau này, thành tựu của Tăng Quốc Phiên lại là nổi trội nhất. Đây chính là nhờ sự kiên trì nỗ lực không ngừng nghỉ mà thành. Tu dưỡng bản thân không khó, khó là khó ở chỗ kiên trì nỗ lực cả đời. Nói một cách đơn giản, kiên trì chính là chìa khóa của sự thành công, nhờ kiên trì miệt mài mà từ một Tăng Quốc Phiên bình thường đã ngược dòng trở thành một Tăng Quốc Phiên uy danh thiên cổ.
Cúi đầu trước lòng tham
Có câu chuyện thế này: Vào một năm trời hạn hán, hoa màu gần như mất trắng, người dân trong vùng lâm vào cảnh lao đao khốn khó. Vì để vượt qua cái đói, cái khát, người ta đua nhau đi hái rau dại, đào củ mài, thậm chí ăn cả lá cây cọng cỏ. Nhưng khi mùa đông đến, đất trời hanh khô rét mướt, ai nấy cũng ngao ngán e rằng khó mà vượt qua nổi.
Ngày kia có một lão hòa thượng đi qua thôn làng, thấy người dân nơi đây đều mặt mày xanh xao, thân thể gầy guộc, đói đến nỗi đi đứng loạng choạng, thở không ra hơi. Trong một con hẻm nhỏ, vị hòa thượng thấy một bà cụ nằm bệt trước cửa không đứng dậy được nữa, chỉ còn lại một hơi thở yếu ớt. Cậu con trai của bà cũng đã hơn 30 tuổi, thất thểu từ trong nhà đi ra với bộ dạng không còn chút sức lực.
Lão hòa thượng nói với chàng trai trẻ: “Phía đông ngôi làng của thí chủ là rừng cây dương, có một cây dương già vỏ cây đã nứt nẻ, cạnh gốc cây của nó còn có một gò đất nhỏ. Thí chủ đào gò đất đó lên sẽ thấy bên dưới chôn một cái hũ, bên trong đựng rất nhiều gạo kê. Số gạo kê này sẽ giúp gia đình thí chủ vượt qua những tháng ngày đói kém. Nhưng thí chủ hãy nhớ, chỉ được lấy gạo kê trong đêm và mỗi lần chỉ được múc duy nhất một gáo thôi”.
Theo lời căn dặn, cậu con trai vác theo cái cuốc và mang theo cái gáo hồ lô, lợi dụng ánh trăng sáng đi đến rừng cây dương ở phía đông ngôi làng. Quả nhiên đúng như lời lão hòa thượng miêu tả, anh đến chỗ gò đất nhỏ bên cây dương già, đào lên một hũ gạo kê. Từng hạt gạo vàng óng ả lấp lánh dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Anh ta rất lấy làm vui mừng múc lấy một gáo, sau đó lại chôn chiếc hũ như cũ, rồi nhảy chân sáo vui vẻ trở về nhà.
Nhờ được ăn cháo gạo kê hàng ngày, người mẹ đã được cứu sống, không những thế còn trở nên khỏe khoắn nhanh nhẹn. Chẳng mấy chốc làng trên xóm dưới và người thân bạn bè biết được bí mật này, ai nấy cũng đều chờ đêm đến mỗi ngày để đi đến cái hũ múc một gáo gạo kê, nhờ vậy mà sống qua được những ngày tháng đói kém.
Trong làng có một ông lão họ Mễ nổi tiếng tham lam. Sau khi nghe nói về hũ gạo kê, ông Mễ liền dẫn cả hai cậu con trai lực lưỡng, mỗi người vác theo một cái túi lớn, không quên mang theo lỉnh kỉnh đủ các dụng cụ đào xới. Ba cha con nhà họ Mễ bí mật tìm đến gốc cây dương, định bụng sẽ khiêng cả hũ gạo kê về nhà để mãi mãi được giàu sang sung túc, hưởng thụ cuộc sống an nhàn đến cuối đời.
Rình rập mãi đến khi mọi người trong làng đi múc gạo về hết, ba cha con vội vàng mở nắp cái hũ, múc đầy ba túi gạo kê. Nhưng lòng tham không đáy, ba cha con lại tiếp tục đào sâu xuống, hòng lấy cái hũ lên khiêng về nhà. Nào ngờ, càng đào càng sâu, cái hũ cũng càng xuống càng sâu, không kể đào bới thế nào, phí bao nhiêu sức lực, họ vẫn không đào được đến đáy hũ. Canh bốn, canh năm, rồi tiếng gà gáy sáng vang lên, mặt trời sắp nhô lên rồi, họ phải vội vàng chôn cái hũ lại như cũ rồi vác bao tải về nhà. Nhưng không hiểu sao cái bao tải trên lưng càng cõng càng nặng, càng cõng càng nặng. Về đến nhà, ba cha con họ Mễ hí hửng mở ra xem thử mới biết gạo kê đều đã biến thành cát.
Từ đó, cái hũ bảo vật ấy cũng không bao giờ xuất hiện nữa. Người dân trong vùng đồn thổi rằng, cái hũ gạo kê là món quà của thần linh để cứu độ thế nhân, giúp những người lương thiện vượt qua nạn đói. Bởi vậy, gạo kê sẽ biến thành cát khi gặp những kẻ tham lam vô độ. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, tham lam không chỉ hại người mà còn hại chính mình.
Lời khuyên: Con người sống nơi thế gian, hầu như ai ai cũng có tâm tham, muốn được cho nhiều hơn là xả bỏ. Nhưng nếu một người không biết khắc chế lòng tham của mình mà lại còn phóng đại nó lên thì chính lòng tham sẽ khiến cho người ấy rơi vào vũng bùn mà không có cách nào thoát ra được. Phúc đức của người ấy cũng liền mất và tai họa cũng liền giáng xuống.