'Cú sốc Zuckerberg' - bài học thận trọng cho nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ

13/02/2022 19:45 PM | Kinh doanh

Sự thống trị của Big Tech khiến nhà đầu tư gặp rủi ro cao nếu một công ty

Katie Martin là biên tập viên thị trường của FT, từng làm việc cho Wall Street Journal và Dow Jones. Dưới đây là chia sẻ của bà sau khi giá cổ phiếu Meta Platforms, công ty sở hữu Facebook, mất hơn 1/3 vốn hóa thị trường chỉ trong vài ngày.

Cổ phiếu công nghệ chính là trụ đỡ giúp nhiều nhà đầu tư trên thị trường đạt được vô số thành công trong suốt thời gian qua. Nhưng có phải đã đến lúc xu hướng này bắt đầu thoái trào?

Trong nhiều năm, những người mang tư tưởng thận trọng liên tục bày tỏ quan ngại về sự áp đảo của các công ty công nghệ lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ. 10 mã cổ phiếu lớn nhất, phần lớn là các cổ phiếu công nghệ, chiếm tới 1/3 tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường S&P 500. Tỷ lệ này lớn hơn rất nhiều so với mức độ tập trung ghi nhận tại thời điểm đỉnh điểm bong bóng công nghệ năm 2000.

Do đó, nếu như lĩnh vực công nghệ vấp phải vật cản, những cổ phiếu đó có thể sẽ kéo sập toàn thị trường. Ngay cả những nhà quản lý quỹ lạc quan nhất cũng đã tính đến trường hợp này, thậm chí là trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Và nhưng không mấy ai quan tâm đến điều đó. Cho tới thời điểm hiện tại.

Meta - tên gọi cũ là Facebook, tuần trước phát đi một thông báo không mấy lạc quan liên quan tới triển vọng kinh doanh trong tương lai, điều đã khiến không chỉ cổ phiếu của công ty này mà cả thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một phen điêu đứng.

Hơn 230 tỷ USD giá trị vốn hoá của công ty đã nhanh chóng "bốc hơi”, giá cổ phiếu của công ty này giảm tới 26%, sau khi Mark Zuckerberg thừa nhận công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tới từ nhiều công ty đối thủ. Sự sụt giảm lần này của Meta tương đương với giá trị của cả tập đoàn Intel và thậm chí còn lớn hơn cả ông lớn ngành thực phẩm McDonald. Và hôm đó được mệnh danh là ngày tồi tệ nhất của S&P 500 trong hơn một năm trở lại đây. Đây cũng là lần giảm điểm lớn nhất nếu xét trên tiêu chí giá trị vốn hoá của một doanh nghiệp. Bạn chắc chắn đã hiểu ra vấn đề rồi chứ?

 Cú sốc Zuckerberg - bài học thận trọng cho nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ  - Ảnh 1.

Hơn 230 tỷ USD giá trị vốn hoá của công ty nhanh chóng "bốc hơi” chỉ trong vài ngày. Ảnh: FT.

Chắc hẳn tất cả các nhà đầu tư đều thấu hiểu 2022 sẽ là một năm khó khăn hơn nếu so sánh với năm 2021, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang ráo riết chuẩn bị cho quá trình siết chính sách hỗ trợ mà chính họ đã ban hành nhằm giúp các nền kinh tế vượt quá “cơn bão” Covid-19. Những rất ít trong số họ nhận ra vấn đề này.

Hơn nữa, thuật ngữ "con tàu đắm công nghệ” đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 1, khi triển vọng lợi nhuận không mấy sáng sủa của lĩnh vực công nghệ đã khiến cho thị trường dậy sóng. Và hiện tại, “cú sốc Zuck” dường như cái tát giáng thẳng vào thị trường.

Quy mô, tất nhiên, là một yếu tố quan trọng. "Khi những công ty có giá trị vốn hoá từ 300 tỷ USD tới 1.000 tỷ USD mất đi tới 1/4 giá trị, đó sẽ là một cú sốc lớn", theo David Older, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán tại Carmignac.

Hoàn cảnh cũng đóng góp một vai trò quan trọng. Từ tháng 12/2021, Fed đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng họ sẽ thay đổi. Cơ quan này dự định sẽ gia tăng lãi suất nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, và sẽ không can thiệp kỹ thuật nếu như các thị trường phản ứng tiêu cực. Điều này chính là sự thỏa hiệp cho hiện tượng bong bóng vốn đã xuất hiện trong các thị trường tài chính.

Đà gia tăng của các cổ phiếu công nghệ không chỉ đến từ mức lợi nhuận mà lĩnh vực này đạt được. Nó còn xuất phát từ hành vi đầu cơ và dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán. Chính những yếu tố kể trên đã khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tăng lên gấp nhiều lần.

Điều đó cũng có nghĩa nhiều nhà quản lý quỹ, những người cho rằng họ đã đầu tư khôn ngoan vào tương lai nền kinh tế toàn cầu, thực chất cũng chỉ là những nhà đầu tư thời điểm giống như bao người khác.

"Phần nhiều những gì mà chúng ta đã chứng kiến khi nhắc đến các cổ phiếu công nghệ đó chính là sự tăng trưởng lên gấp nhiều lần", theo Older. "Không ai muốn nói điều đó vì họ nghĩ họ là những thiên tài, trong đó có cả tôi. Nhưng thực tế là như vậy".

 Cú sốc Zuckerberg - bài học thận trọng cho nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ  - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu Meta gần đây.

Những rủi ro đối với lĩnh vực công nghệ còn bao gồm sự can thiệp pháp lý liên quan tới hành vi lừa đảo hoặc vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Paypal và Spotify đã phải hứng chịu những rủi ro này, và trước đó là Netflix. Nhưng cổ phiếu của Amazon đã tăng phi mã sau khi công ty cho thấy họ vẫn có thể "kiếm tiền” từ người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ Prime. Giá cổ phiếu của Snap cũng đã giảm tới 24% hồi giữa tuần nhưng đã phục hồi gần một nửa so với đà giảm trước đó.

"Vấn đề thực chất đối với Meta đó chính là giá trị của họ", theo Ian Harnett tới từ Absolute Strategy Research. "Trong giai đoạn lãi suất của Fed thấp và ổn định, tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu đủ cao để có thể biện hộ cho sự tăng trưởng nhanh chóng của họ. Nhưng khi lãi suất tăng lên, nó sẽ khiến cho các doanh nghiệp có giá trị cao khó đạt được các kế hoạch lợi nhuận”.

Đó là lý do tại sao cú sốc Zuck là một lời cảnh báo. Với quy mô lớn của một vài doanh nghiệp, nếu như làn sóng thanh khoản ngày một giảm gây ảnh hưởng tới chỉ một trong số những doanh nghiệp đó, nó sẽ gây ảnh hưởng tới không ít các nhà đầu tư.

Tatjana Puhan, phó giám đốc phụ trách đầu tư tại Tobam, quỹ quản lý tài sản của Pháp, đã không ít lần bày tỏ quan điểm của mình về những công ty lớn.

Bà chỉ ra rằng sự tập trung cao trên thị trường không chỉ là hiện tượng của riêng thị trường chứng khoán Mỹ. Tại các nền kinh tế mới nổi, chúng ta chỉ cần nhìn vào động thái thanh trừng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ hồi năm ngoái, khi một vài doanh nghiệp lớn bị giám sát và nó đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường.

“Các nhà đầu tư hiện tại dành phần lớn danh mục đầu tư của mình trong các quỹ hoán đổi chuyên theo dõi các chỉ số thiên về giá trị vốn hoá hoặc một hình thức đầu tư nào đó có mối liên hệ gần gũi với các chỉ số đó”, bà cho biết.

“Nhiều nhà đầu tư đã tích lũy tương đối nhiều rủi ro trong danh mục đầu tư của họ chính vì điều này. Ngay cả khi bạn đầu tư dàn trải trên thị trường, bạn cho rằng bạn đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa, thực chất là không hề. Bạn đang đối mặt với một loại rủi ro rất đặc biệt”.

Chúc bạn may mắn.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM