img

Ông Lê Hồng Hà (CEO Vietnam Airlines) gặp chúng tôi sau khi chuyến bay thẳng thương mại thường lệ Việt - Mỹ đầu tiên hạ cánh xuống sân bay San Francisco được vài tiếng.

Nhậm chức từ 1/1/2021, vào đúng lúc Vietnam Airlines đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng có, giờ đây, bay Mỹ là điều đáng tự hào nhất mà ông Hà muốn kể. Dẫu rằng, đường bay khó nhất thế giới ấy có thể khiến hãng hàng không quốc gia phải đương đầu với một bài toán khác là hiệu quả kinh tế.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 1.
Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 2.

Trương Thu Hường: Ngồi "ghế nóng" giữa lúc Vietnam Airlines đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng, ông có hài lòng với những gì mình đang được thừa hưởng?

CEO Lê Hồng Hà: Thật ra tôi hài lòng mọi thứ, ngoại trừ chuyện Covid-19. Có lẽ vì tôi gắn bó với Vietnam Airlines đã gần 30 năm kể từ lúc mới tốt nghiệp đại học, đi lên từ vị trí nhân viên tiếp thị hành khách... nên tất cả những gì của Vietnam Airlines hôm nay tôi đều thấy thân thuộc, gắn bó bởi một phần con người mình trong đó.

Cũng có thể tôi chủ quan (cười). Có thể vì tôi đã ở đây quá lâu nên nghĩ vậy, còn người ngoài họ có thể nghĩ khác.

Trương Thu Hường: Có lẽ ông nói đúng: người ngoài đang nghĩ khác. Họ luôn thắc mắc: tại sao cùng hoàn cảnh hàng không tê liệt nhưng chỉ có Vietnam Airlines thua lỗ nặng, còn các hãng bay khác vẫn có lãi hoặc báo lỗ thấp hơn nhiều?

CEO Lê Hồng Hà: Theo tôi, hầu hết hãng hàng không thế giới đều đang trong tình huống phá sản hoặc giải quyết chuyện phá sản, ngoại trừ một số hãng như Singapore Airlines. Hãng bay này đang muốn trở thành số 1 sau khi nhận hỗ trợ 13 tỷ USD từ Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp hàng không lúc này, lỗ là bình thường, lãi mới bất thường (cười). Chẳng hãng nào có lãi cả. Mãi cho đến gần đây, khi một số hãng phải tái cấu trúc và điều chỉnh lại tài sản trong giai đoạn bảo hộ phá sản, bán cái nọ, cắt cái kia thì mới có chuyện đó, ví dụ Thai Airways cũng vừa báo lãi.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 3.

Các nước gần Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… hãng hàng không quốc gia của họ đều có vấn đề, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Hàn Quốc đã sáp nhập cả hai hãng hàng không của họ làm một để tăng sức mạnh.

Thêm nữa, mọi thông tin phát đi từ một hãng hàng không quốc gia như Vietnam Airlines đều phải đàng hoàng, tử tế. Nếu liên quan đến tài chính, chúng tôi càng phải minh bạch.

Trương Thu Hường: Các nước láng giềng đã cho phép hãng hàng không quốc gia của họ được phá sản. Theo ông, tương lai của Vietnam Airlines sẽ là như thế nào nếu các ông vẫn tiếp tục thua lỗ?

CEO Lê Hồng Hà: Covid-19 là một bước trầm lại. Nhưng dịch bệnh không thể kéo dài mãi. Giờ đây, khi tỷ lệ phủ vắc xin đã cao, Chính phủ tuyên bố sẽ mở cửa hàng không quốc tế, các đường bay trong nước được nối lại… thì theo dự báo, đến năm 2024, hàng không sẽ phục hồi.

Kể từ khi thành lập đến nay, Vietnam Airlines luôn được khu vực và thế giới ghi nhận trong quá trình suốt hơn 60 năm, từ các hoạt động liên quan khai thác, chất lượng dịch vụ, đến uy tín với cộng đồng thế giới...

Cho dù dịch bệnh đã thổi bay toàn bộ kết quả kinh doanh trong vòng 5-10 năm, Vietnam Airlines vẫn còn những cái đọng lại. Ấy là vai trò tiên phong của hãng đối với ngành hàng không Việt Nam, những thành tựu về vấn đề an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ và đào tạo, nhân sự... Tôi cho rằng sẽ rất khó để thay thế một hãng hàng không như vậy.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 4.
Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 5.

Tỷ phú Steven Udvar-Hazy (người sáng lập Air Lease) đã đi máy bay riêng từ Mỹ tới Hà Nội hồi cuối tháng 9 và CEO Lê Hồng Hà.

Trương Thu Hường: Có người nói, bởi vì Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước nên chuyện được bảo hộ và nhận rót vốn từ Chính phủ là đương nhiên. Ông nghĩ sao về những ý kiến như thế?

CEO Lê Hồng Hà: Nó không phải và không thể nào là đương nhiên. Vietnam Airlines cũng là công ty cổ phần và hoạt động theo luật. Để tăng vốn, tất cả cổ đông phải đồng thuận thông qua đại hội cổ đông.

Tôi thấy có vài chuyện đang bị hiểu lệch đi một chút. Ví dụ, khi Vietnam Airlines được đón nhận những đợt hỗ trợ, chúng ta rất cần phải nhìn vào đúng bản chất của nó.

4.000 tỷ đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước cấp vốn cho ngân hàng thương mại với lãi suất 0 đồng. Nhưng ngân hàng đó cho Vietnam Airlines vay vẫn theo kiểu thương mại thông thường, tức là có lãi suất và thế chấp tài sản.

Đợt thứ hai là gói 8.000 tỷ do các cổ đông tăng vốn cho Vietnam Airlines. Trong trường hợp này, cổ đông lớn nhất của chúng tôi là Nhà nước. Các doanh nghiệp khác cũng có cổ đông của mình và có thể yêu cầu các cổ đông tăng vốn.

Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là đi kèm với sự hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines luôn chủ động tìm cách xoay sở để vượt khó. Hoàn toàn chúng tôi không dám có thái độ phó mặc, trông chờ vào Nhà nước theo kiểu: "vì chúng tôi là doanh nghiệp của ông, nên chuyện ông bỏ vốn hỗ trợ cho tôi là đương nhiên".

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 6.

Trương Thu Hường: Nghe nói từ sau khi nhậm chức, chuyện mà ông phải xoay sở nhiều nhất là tìm cách giãn, hoãn nợ cho Vietnam Airlines?

CEO Lê Hồng Hà: (Cười) Giãn, hoãn nợ là chuyện mà tất cả hãng hàng không trên thế giới đều phải làm. Khi Vietnam Airlines được hoãn nợ, các hãng cho thuê máy bay sừng sỏ nhất thế giới cũng phải đi đàm phán để xin hoãn nợ ở một nơi khác.

Đúng là trong cuộc đời tôi đến bây giờ, chưa bao giờ phải đi đàm phán xin hoãn nợ nhiều như vậy. Nhưng đó chỉ là một phần trong bài toán vượt khó. Khoản tiền thuê máy bay chỉ giãn, hoãn, hoặc giảm chứ không biến mất.

Trương Thu Hường: Tôi thực sự muốn biết, nếu chính các công ty lớn cũng gặp khó thì làm thế nào ông thuyết phục họ chấp nhận hoãn nợ cho Vietnam Airlines?

CEO Lê Hồng Hà: Ví dụ với đối tác Air Lease – hãng cho thuê máy bay nhiều nhất của Vietnam Airlines, chúng tôi phải mất nhiều tháng đàm phán online và chuẩn bị cho cuộc gặp chính thức giữa hai bên.

Tỷ phú Steven Udvar-Hazy (người sáng lập Air Lease) đã lái máy bay riêng từ Mỹ tới Hà Nội hồi cuối tháng 9. Chúng tôi đón ông ở sân bay lúc 8h sáng, đưa về trụ sở và bước thẳng vào phòng họp, ngồi lì ở đấy 14 tiếng đến đúng 10h đêm.

Vừa bay vào Nội Bài, ông Steven rất sốc khi nhìn thấy cảnh cả dàn máy bay nằm "đắp chiếu" la liệt, sân bay không một bóng người, nhà ga quốc tế trống trơn.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 7.

Không gian sân bay yên tĩnh đến mức như thể bị bỏ hoang. Cảnh tượng ấy hoàn toàn trái ngược với những sân bay đông người, nhộn nhịp ở châu Âu và Mỹ. Ông Steven liên tục lắc đầu: Đáng tiếc! Thật tiếc cho ngành hàng không Việt Nam!

Đó cũng chính là điều chúng tôi muốn vị tỷ phú người Mỹ nhìn thấy. Bởi dù đã nghe nói, nhưng khi tận mắt chứng kiến, cảm xúc của ông mới thay đổi 180 độ.

Tất nhiên, điều quan trọng nhất là chúng tôi phải thể hiện được quyết tâm chắc chắn sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh. Cùng với những cam kết, hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp hàng không, đối tác nước ngoài đã nhìn thấy một tương lai rõ ràng.

Cuối cùng, Air Lease chấp nhận giãn, hoãn nợ cho chúng tôi đến hết thời gian thuê máy bay là 10 năm. Có khoản giãn, hoãn, nhiều khoản giảm.

Về cơ bản, chúng tôi phải nỗ lực hết sức để đẩy tất cả các khoản nợ của Vietnam Airlines ra khỏi quãng thời gian khó khăn nhất là 2023-2024. Sau 2 năm dịch bệnh, hiện dòng tiền của Vietnam Airlines đang sắp cạn. Nếu đúng như dự báo 2021 là đáy của khủng hoảng, thì khi hồi phục, chúng tôi sẽ phải đi lên từ từ và chưa thể xoay tiền trả nợ cho đối tác ngay được.

Trương Thu Hường: Nghe nói, Thủ tướng cũng trực tiếp tham gia cùng Vietnam Airlines đàm phán giãn, hoãn nợ?

CEO Lê Hồng Hà: Đúng vậy. Vừa qua, trong chuyến thăm và công tác của Chính phủ tại Anh, Thủ tướng đã tham gia cuộc gặp giữa Vietnam Airlines và ban lãnh đạo AerCap - hãng cho thuê máy bay lớn nhất thế giới – để làm việc về giãn, hoãn nợ cho hãng.

Trong các cuộc tháp tùng lãnh đạo Việt Nam sang nước ngoài khác, chúng tôi cũng chủ động, tranh thủ gặp đối tác. Ví dụ chuyến thăm của Thủ tướng tại Nhật Bản, chúng tôi đã gặp được đối tác cho thuê tàu bay là JLPS và Clover và đàm phán hoãn nợ.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 8.

Trương Thu Hường: Có phải Chính phủ - cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines – mới là "át chủ bài" giúp các ông đàm phán giãn, hoãn nợ thành công?

CEO Lê Hồng Hà: Mọi thứ luôn có hai mặt. Không thể phủ nhận, lợi thế của chúng tôi là hãng hàng không quốc gia nên chắc chắn sẽ có sự ủng hộ từ cổ đông của mình là Nhà nước.

Nhưng mặt khác, cũng có người sẽ hỏi: Nếu chắc chắn các ông không phá sản, tại sao tôi phải giảm tiền cho các ông?

Tôi đã nói với họ theo cách rất thẳng thắn: Ông nói đúng! Dịch bệnh rồi sẽ qua và chắc chắn chúng tôi sẽ phục hồi. Nhưng trước mắt đang là giai đoạn khó khăn nhất. Hẳn là các ông cũng không muốn Vietnam Airlines tiếp tục gặp khó khăn. Vì rõ ràng, chỉ khi nào chúng tôi kinh doanh tốt trở lại thì mới có tiền để trả nợ. Hiện nay, chúng tôi đang cần sự hỗ trợ của tất cả các bên. Chính phủ đang hỗ trợ, nhưng các ông là đối tác lớn thì cũng phải đồng hành cùng chúng tôi. Có như vậy, Vietnam Airlines mới sớm hồi phục.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 9.
Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 10.

Trương Thu Hường: Ngoài chuyện đàm phán giãn hoãn nợ, có những cách xoay sở nào đáng nói nhất của Vietnam Airlines?

CEO Lê Hồng Hà: Có lẽ là việc ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên đã luôn linh hoạt tìm ra những cơ hội nào đấy cho Vietnam Airlines được bay.

Thời gian này, ban giám đốc Vietnam Airlines ngày nào cũng họp, kể cả thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ, Tết... Các cuộc họp 45 phút mỗi ngày chủ yếu cập nhật tình hình và bàn quyết sách ứng phó với những diễn biến thay đổi nhanh chóng mặt.

Ví dụ, có lúc tối hôm trước Chính phủ cho phép mở đường bay, chúng tôi phải lập tức lên được lịch để hôm sau đón khách. Biết rằng gấp gáp như thế, hiệu quả bán vé đôi khi không nhiều, nhưng chúng tôi vẫn phải triển khai các phương án, có lịch bay, giá vé công khai để khách hàng còn nhìn thấy, như vậy mới có cơ hội kiếm được doanh thu.

Trong cái khó, chúng tôi cũng tìm ra cơ hội kinh doanh mới là thương mại điện tử. Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Nhiều hãng hàng không khác đã thành công với thương mại điện tử. Cũng không loại trừ khả năng sẽ có những dự án của chúng tôi không được như kỳ vọng. Điều quan trọng là Vietnam Airlines luôn bước đi không ngừng nghỉ để bắt kịp xu thế và tìm những cơ hội mới.

Năm 2020, Vietnam Airlines là một trong những hãng bay tiên phong trên thế giới tháo ghế chở khách để chở hàng. Đến nay, chúng tôi lại phải quyết định có nên tiếp tục tháo hay không? Làm thế nào tổ chức các đường bay quốc tế trong tình hình dịch bệnh như thế…?

Cuối cùng Vietnam Airlines vẫn thiết lập được đường bay thường lệ như đi Úc, Nhật, Hàn Quốc... Mặc dù chỉ có thể chở hành khách chiều đi, chiều về là chở hàng, nhưng chúng tôi vẫn tìm được cơ hội để máy bay cất cánh.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 11.

Một việc khó nhất, không thể không nhắc tới là bay thẳng thương mại thường lệ Việt - Mỹ. Tất cả thế hệ lãnh đạo đi trước đều nói, bay Mỹ là cách khẳng định vị thế hãng hàng không quốc gia, vị thế của ngành hàng không Việt Nam.

Để bay đến đó, các bước chuẩn bị điều kiện vô cùng khó. Ngành hàng không Việt Nam đến tận năm 2019 mới được Mỹ cấp chứng chỉ CAT 1 - cơ sở để các hãng hàng không trong nước đăng ký bay thẳng Mỹ.

Phía Mỹ yêu cầu rất chặt chẽ. Họ có tới 9 cơ quan như: Cục An ninh Vận tải (TSA), Cục Hàng không Liên bang (FAA), Bộ GTVT… để đánh giá vấn đề an ninh, an toàn. Hiện nay, trên thế giới có 3 cơ quan đánh giá an toàn hàng không khắt khe nhất và FAA của Mỹ là một trong số đó.

Năm ngoái, khi chúng tôi thực hiện các chuyến bay đưa công dân hồi hương, phía Mỹ mới cấp phép cho Vietnam Airlines 12 chuyến bay dạng thuê chuyến đặc biệt. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tính toán việc bay Mỹ có thể giúp Vietnam Airlines giải quyết phần nào bài toán dư thừa tàu bay hiện nay, chúng tôi đã đẩy nhanh hết sức tốc độ xin cấp phép bay thương mại.

Với sự hỗ trợ hết mức từ Bộ ngoại giao, Bộ GTVT Việt Nam.., chúng tôi đã gần như chắc chắn có thể hoàn tất mọi thủ tục vào 15/12/2020. Tuy nhiên, sau đó phía Mỹ lại yêu cầu thêm một loạt thủ tục nên gần một năm sau, chuyến bay đầu tiên mới cất cánh.

Chỉ tính trong vòng 1,5 năm vừa qua, chúng tôi đã có rất nhiều cuộc họp nội bộ chỉ để tính lên xuống từng nghìn lẻ trong giá vé. Số lượng giấy tờ xin cấp phép cộng dồn đã lên tới vài trăm cân. Các cuộc gặp mặt giữa các bộ phận chuyên môn của Vietnam Airlines và phía Mỹ nhiều vô kể…

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 12.

Vì thế, khi nhận được đoạn clip gửi về từ sân bay San Francisco ghi hình ảnh máy bay Vietnam Airlines vừa hạ cánh, tất cả ban giám đốc ở Việt Nam khi ấy đang ngồi trong phòng họp đều vô cùng sung sướng. Giấc mơ ấp ủ 20 năm qua của Vietnam Airlines cuối cùng đã thành thật.

Trương Thu Hường: Dù rất mừng cho Vietnam Airlines vì các ông đã thực hiện được một việc khó nhất trong lịch sử hơn 20 năm qua. Nhưng một số chuyên gia kinh tế cho hay, đường bay dài nhất thế giới Việt – Mỹ có thể khiến Vietnam Airlines thua lỗ hàng chục triệu USD mỗi năm. Xin ông cho biết sự thật về điều đó?

CEO Lê Hồng Hà: Con số chính xác không thể nói được vì thị trường hàng không chưa ổn định. Nhưng nếu quay lại bức tranh ngành hàng không phát triển như năm 2019 hoặc trước đó thì mức lỗ có thể từ 30-50 triệu USD/năm.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 13.

Trương Thu Hường: Nếu đã là như vậy, vì sao Vietnam Airlines nhất định phải bay Mỹ?

CEO Lê Hồng Hà: Nếu không bay Mỹ, với tình hình Covid-19 vẫn tiếp tục thế này, Vietnam Airlines thậm chí còn khó khăn hơn. Máy bay "đắp chiếu" trong khi chúng tôi vẫn đang phải trả tiền thuê, bảo trì, kỹ thuật và bao nhiêu khoản chi phí khác…

Bay Mỹ giúp chúng tôi tận dụng được thêm một số máy bay thân rộng. Mặc dù không phải là toàn bộ đội bay nhưng đó cũng là một hướng để Vietnam Airlines khắc phục phần nào khó khăn.

2 năm qua, dịch bệnh khiến thị trường hàng không thay đổi rất nhiều. Nhật Bản - thị trường quan trọng nhất của Vietnam Airlines mà trước đây không có dịch bệnh, chúng tôi vẫn bay 12 chuyến/ngày - đã đóng chặt. Trong lần cùng Thủ tướng sang Nhật Bản vừa qua, tôi đã rất sung sướng vì Chính phủ Nhật tuyên bố sẽ mở cửa hàng không quốc tế. Nhưng chỉ vài ngày sau, biến thể Omicron đã phá hỏng tất cả. Chúng tôi lại phải tiếp tục chuyển hướng, đi tìm cơ hội mới.

Bay tới Úc thì bị giới hạn mỗi chuyến chỉ có 20-25 khách. Bay đi châu Âu, hoặc các nơi khác cũng đâu dễ… Thế thì chỉ còn thị trường Mỹ là rộng cửa nhất.

Nếu nói bay Mỹ chắc chắn lãi thì hoàn toàn không đúng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây vẫn là cách tốt nhất để tối ưu hóa nguồn lực của Vietnam Airlines lúc này. Phải có đường bay thì máy bay mới sải cánh, cán bộ nhân viên mới có việc làm, thu nhập.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 14.

Thêm nữa, việc nhảy vào đường bay Mỹ cũng là nước đi đã được tính toán kỹ, nằm trong kế hoạch để Vietnam Airlines thống lĩnh thị trường này về lâu dài. Tức là chúng tôi chấp nhận lỗ từ 3-5 năm, đạt được quy mô chiếm lĩnh thị trường, sau đấy mới tính đến việc khai thác có lãi.

Nói thật, ban đầu chúng tôi còn dự đoán bay Mỹ rất khó có khách. Phương án đưa ra là chỉ lắp 29 ghế hạng thương gia, khoảng trống còn lại trên máy bay để chở hàng chứ làm sao bán được hơn số vé đó (cười).

Mừng là sau đó Chính phủ đã có loạt chính sách mới mở cửa hơn, cho phép người Việt Nam ở nước ngoài, rồi người nước ngoài có người thân ở Việt Nam về nước. Vậy là Vietnam Airlines tìm ngay một phương án khác: tổ chức 2 chuyến bay thẳng Mỹ/tuần, trong đó chở khách đủ 1 chuyến.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 15.
Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 16.

Trương Thu Hường: Thường khi người ta bước lên vị trí cao hơn, thu nhập của họ cũng tăng tương xứng với trách nhiệm. Nhưng ở Vietnam Airlines, hai năm qua thu nhập của ông như thế nào?

CEO Lê Hồng Hà: 2 năm qua, ban lãnh đạo Vietnam Airlines có nhiều thời gian không nhận lương và giảm lương. Bây giờ đội ngũ lãnh đạo Vietnam Airlines đang nhận mức lương tối thiểu, rất thấp so với trước đây.

Trương Thu Hường: Xin hỏi thật, với mức thu nhập thấp như thế, có khi nào ông gặp áp lực về tiền bạc và ở nhà ông, ai mới là trụ cột về kinh tế?

CEO Lê Hồng Hà: : Không đến nỗi áp lực. Còn nếu nói về chữ "đủ" thì biết bao nhiêu cho đủ, đúng không?

Các con tôi cũng đã lớn, một cháu đã đi làm. Tôi không đặt nặng chuyện tiền bạc. Nhưng ở nhà bây giờ vợ tôi mới là "sếp lớn" (cười). Thu nhập của cô ấy cũng cao hơn hẳn nếu so với tôi.

Tôi chỉ thấy mình là người có ít thời gian cho gia đình. Chăm sóc, dạy bảo con cái cũng nhờ vợ làm nhiều hơn. Một ngày của tôi bắt đầu từ 5h45 với công việc và có khi kết thúc lúc 10-11h đêm. Nếu hôm nào về sớm, tôi còn phải báo cáo vợ mới được về ăn tối (cười lớn).

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 17.

Trương Thu Hường: Thế ông có hài lòng với chuyện đó?

CEO Lê Hồng Hà: Đương nhiên không hài lòng (cười), phải tìm cách vượt lên chứ!

Thực ra không hài lòng ở đây là không hài lòng với mức thu nhập chung của tất cả cán bộ nhân viên Vietnam Airlines. So với trước đại dịch thì bây giờ thu nhập của anh chị em chỉ còn khoảng 50%. Đó là điều khiến tôi không hài lòng nhất.

Chuyện này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý mọi người. Có thể họ yêu ngành, yêu nghề, chịu hy sinh vì Vietnam Airlines, nhưng nếu phải hy sinh mãi thì bao nhiêu người sẽ chịu được(?).

Trương Thu Hường: Đã có nhiều người rời Vietnam Airlines vì thu nhập sụt giảm?

CEO Lê Hồng Hà: Thật buồn là cũng có những người đã đi rồi. Dù rất cố gắng, chúng tôi không thể nào giữ 100% được.

Nó giống như chảy máu chất xám vậy. Hàng không là ngành rất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn cao, muốn có nhân sự tốt phải mất nhiều năm đào tạo, huấn luyện, trải nghiệm làm việc thực tế. Vì thế đây là điều rất đáng tiếc khiến chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn.

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 18.

Tôi hiểu, đây là tình huống không thể thay đổi ngay lập tức. Nó là vấn đề của cả hệ thống. Quan trọng là cái gốc của mình có những gì, và quan trọng là liệu mình có đủ sức để giữ được người ta trong bao lâu.

Trương Thu Hường: Nhưng sự thật là dù họ không rời đi, rất nhiều nhân sự ở Vietnam Airlines vẫn đang phải nghỉ không lương. Ông sẽ nói điều gì với những người như thế?

CEO Lê Hồng Hà: Đó là những quyết định khó khăn nhất với tôi. Có những giai đoạn ban lãnh đạo của Vietnam Airlines rất căng thẳng vì việc buộc phải ra quyết định bao nhiêu người phải nghỉ, nghỉ bao lâu, ai nghỉ…

Tôi thường băn khoăn, khi nói ra điều này, liệu người ta có nói mình sáo rỗng, giả vờ đóng kịch như thế thôi? Nhưng thực sự, khi đã bước vào vị trí phải lo cho cuộc sống một đội ngũ gắn bó với Vietnam Airlines, cảm xúc khi buộc phải ra quyết định dứt khoát như thế... rất đau đớn.

Tôi cũng chỉ biết hy vọng, khó khăn này chỉ mang tính thời điểm. Đại dịch rồi sẽ qua, hàng không rồi sẽ cất cánh trở lại và mọi người sẽ lại được gặp nhau.

Trương Thu Hường: Tôi cũng rất hy vọng, Vietnam Airlines sẽ thực sự trỗi dậy một cách sớm và nhanh nhất. Xin cảm ơn ông vì tất cả những chia sẻ!

Cú sốc lớn của tỷ phú Mỹ khi tới Nội Bài và cuộc chiến hoãn nợ của TGĐ Vietnam Airlines - Ảnh 19.
Trương Thu Hường
Việt Hùng, Vietnam Airlines
Tuệ Nhật
Theo Trí Thức Trẻ

Trí Thức Trẻ