Cú "quay xe bỏ chạy" khỏi đất vàng Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh đặt TP HCM vào thế khó

12/01/2022 17:04 PM | Xã hội

Nhiều khả năng TP HCM sẽ tổ chức đấu giá lại lô đất có ký hiệu 3-12 sau khi Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá với trị giá 24.500 tỷ đồng nhưng "quay xe bỏ chạy".

Số phận lô đất tỷ đô sẽ thế nào?

Gần 1 tuần sau khi ngành thuế TP HCM gửi thông báo thu tiền sử dụng đất và thuế trước bạ lô đất 3-12 có diện tích 10.059,7m2 mà Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá ngày 10/12/2021, với số tiền phải đóng là 24.500 tỷ đồng và 500 triệu đồng thuế cho diện tích sử dụng thương mại dịch vụ, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch doanh nghiệp này đã viết "tâm thư" xin chạy khỏi lô đất mà chính ông quyết trả giá cao để sở hữu cho bằng được.

Trước đó, doanh nghiệp này đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng của TP HCM đúng theo thời hạn quy định 5 ngày sau khi trúng đấu giá.

Hiện Tân Hoàng Minh đã xác nhận chính thức việc "bỏ cọc", chấm dứt hợp đồng mua lô đất đấu giá trên. Theo quy định, khi doanh nghiệp gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng mua bán đến UBND thành phố, thì thành phố sẽ giao cho các cơ quan liên quan xử lý vụ việc.

"Số phận" lô đất gây xôn xao thị trường một tháng qua sẽ thế nào là điều nhiều người quan tâm thời điểm này. Một số người nhận định, đơn vị trả giá cao thứ 2, là Công ty cổ phần Capital One Financial (Capital One Financial), với mức giá đưa ra lên đến 23.800 tỷ đồng, sẽ nghiễm nhiên trúng đấu giá khi Tân Hoàng Minh "lật kèo". Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng theo tình huống này không thể thực hiện.

Theo điều 51 Luật đấu giá, " Nếu trong buổi dấu giá người tham gia đấu giá cao nhất từ chối kết quả đấu giá, thì người đưa ra mức giá cao thứ 2 được xem là người trúng đấu giá. Với điều kiện giá của người cao thứ 2 đã đưa ra, cộng với khoản tiền đặt cọc để đấu giá ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá của người ra giá cao nhất". Điều này để tránh thông đồng, người thứ nhất đưa giá thật cao rồi bỏ chạy, để cho người thứ 2 liền kề đưa giá thấp nhưng vẫn trúng.

Nhưng theo phân tích của một chuyên gia pháp lý, quy định này chỉ áp dụng khi phiên đấu giá chưa kết thúc. Tức doanh nghiệp trả giá cao thứ hai sẽ được mua tài sản đấu giá khi đơn vị trúng đấu giá từ chối mua ngay khi trúng đấu giá kèm theo các điều kiện quy định trên.

Ở đây, phiên đấu giá đã kết thúc một tháng, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá, và UBND TP HCM cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá tài sản nhưng không trúng đấu giá đã được nhận lại 20% tiền đặt trước.

Như vậy lúc này, khi Tân Hoàng Minh hủy hợp đồng mua lô đất 3-12, thì lô đất vẫn là đất công, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Công ty Capital One Financial không có cơ hội được mời mua tài sản đấu giá là lô đất trên. Ngoài ra, giá mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá cao hơn lần trả giá trước đó của Capital One Financial đến 700 tỷ đồng, trong khi số tiền đặt cọc 20% để đấu giá quyền sử dụng lô đất này chỉ 588 tỷ đồng, cũng không đúng quy định.

Doanh nghiệp mất cọc nhưng vẫn phải xem xét trách nhiệm bổ sung

Luật sư Nguyễn Đức – Trưởng văn phòng Luật sư Kinh Luân – TP HCM, cho rằng dù Tân Hoàng Minh có mất 588 tỷ đồng do hủy đấu giá thì doanh nghiệp này cũng phải cần xem xét trách nhiệm. Tân Hoàng Minh đã 2 lần gây tai tiếng ở các phiên đấu giá đất vàng tại TP HCM. Không thể chấp nhận một doanh nghiệp mất uy tín như thế tham gia các buổi đấu giá tài sản tiếp theo.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, cú "quay xe" của Tân Hoàng Minh đã đặt TP HCM vào tình thế rất khó. Bởi lô đất kim cương này nhiều khả năng sẽ phải đấu giá lại. Khi đó, việc xác định giá sẽ như thế nào là điều không hề dễ dàng. Thành phố không thể sử dụng mức giá khởi điểm cũ làm giá khởi điểm, nhưng cũng khó sử dụng mức giá mà Tân Hoàng Minh trả giá vừa rồi, khi giá này cao hơn giá khởi điểm đưa ra đấu giá đến 8,3 lần, và cũng là mức giá khiến thị trường xôn xao.

Ông Đức cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của Tân Hoàng Minh chứ không chỉ đơn giản là bỏ cọc, gây rối loạn thị trường.

Lô đất trải qua 70 lần trả giá và cú chốt bước giá 700 tỷ của Tân Hoàng Minh

Trong giai đoạn đầu của phiên đấu giá lô đât 3-12 chiều 10/12/2021, có 8 nhà đầu tư tham gia trả giá, với giá đầu tiên là 3.000 tỷ đồng. Đến lần trả giá thứ 5, với mức giá 8.800 tỷ đồng thì đã có 4 nhà đầu tư dừng lại, còn lại 4 nhà đầu tư tiếp tục trả giá.

Đến lần trả giá thứ 30 với mức giá 13.200 tỷ đồng, thì thêm một nhà đầu tư dừng, chỉ còn lại 3 nhà đầu tư, là nhà đầu tư số 4, số 12 và số 13 tiếp tục trả giá.

Đến lần trả giá thứ 49 với mức giá 18.050 tỷ đồng, thì nhà đầu tư số 4 dừng, còn lại đại diện của Capital One Financial và ông Đỗ Anh Dũng, đại diện Tân Hoàng Minh. Hai bên tiếp tục trả giá thêm 21 lần nữa. Trong đó, lần trả giá thứ 69, Capital One Financial đưa ra mức giá 23.800 tỷ đồng, ngay lập tức ông Đỗ Anh Dũng đứng lên "chốt giá" 24.500 tỷ đồng, bước giá cách mức giá mà Capital One Financial đến 700 tỷ đồng.

Như vậy, lô đất này trải qua 70 lần trả giá mới xác định được nhà đầu tư trúng đấu giá.

Lô 3-12 có diện tích 10.060 m2, là lô đất có diện tích lớn nhất trong 4 lô đưa ra đấu giá ngày 10/12/2021. Đây cũng là lô đất có hệ số sử dụng đất cao nhất cao nhất, lên đến 8.95; được xây cao tầng nhất (29 tầng) và có nhiều căn hộ nhất (570 căn).

Theo M.Hằng

Từ khóa:  Tân Hoàng Minh
Cùng chuyên mục
XEM