Cụ ông chuyên xin tiền ở bến xe để về quê nhưng 7 năm vẫn chưa về đến nhà, nam blogger liền quay video gửi cho công an giúp đỡ thì phát hiện sự thật chấn động

12/03/2024 19:40 PM | Sống

Với dáng vẻ khắc khổ, đôi mắt ngấn lệ, cụ ông đeo trên mình chiếc balo khiến bất cứ ai cũng phải thương xót về câu chuyện không có tiền để đi xe về nhà.

Cụ ông xin tiền 7 năm vẫn chưa về đến nhà

Ngày 10/3, một blogger có tên Zhou Shisan đã đăng một đoạn video ngắn với nội dung truyền cảm hứng làm việc tốt đến mọi người: Ai cũng sẽ có khoảng thời gian đặc biệt khó khăn, đừng sợ hãi, mặt trời sẽ mọc khi bình minh lên.

Trong video, một cụ ông khoảng 60-70 tuổi vẫy tay nhờ anh chỉ đường đến ga xe lửa phía Bắc Thâm Quyến. Sau khi xem bản đồ, anh cho biết quãng đường dài tới hơn 14km và ông không thể đi bộ.

Cụ ông chuyên xin tiền ở bến xe để về quê nhưng 7 năm vẫn chưa về đến nhà, nam blogger liền quay video gửi cho công an giúp đỡ thì phát hiện sự thật chấn động - Ảnh 1.

Cụ ông trong video với đôi mắt ngấn lệ khiến bất cứ ai cũng dễ mủi lòng

Blogger nhìn thấy ông cụ mắt đỏ hoe, hình như sắp khóc bất cứ lúc nào. Ông nói chỉ có thể dùng chân để đi, bởi trong người chỉ còn 1 tệ 50 xu (khoảng vài nghìn đồng), trong đó cần 1 tệ để mua bánh bao cho anh trai.

Lắng nghe câu chuyện, chàng trai vô cùng cảm động nên lấy một phong bao màu đỏ từ trong xe, mở kiểm tra thì có khoảng 15 tệ (hơn 50 nghìn đồng; vé ga phía Bắc có giá 8 tệ).

Blogger vội nói: "Để cháu đi mua vé cho ông". Nhưng cụ ông nghe vậy lại muốn rời đi, ông nói phía trước còn có một người khác đang đợi ông, ông biết cách mua vé. Thấy vậy, anh chàng cũng không hỏi thêm, liền vội vàng đưa tiền cho ông.

Khi ông cụ rời đi, nam blogger đứng nhìn theo bóng lưng ông hồi lâu với nỗi buồn vô hạn. Anh cho rằng, ở độ tuổi như vậy ông nên được con cháu phụng dưỡng, nhưng hiện tại vẫn phải chạy đi khắp nơi kiếm tiền nên trong lòng chợt dâng lên cảm giác cay đắng.

Khi blogger này đăng video lên mạng xã hội, ngay lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng, một video tích cực như vậy đã được nền tảng này quảng bá một cách tự nhiên và nhanh chóng trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Tiêu đề người đàn ông muốn đi đến Bắc Thâm Quyến hiện hữu khắp nơi, bất cứ bài viết nào cũng nhận về rất nhiều bình luận.

Nhưng kỳ lạ rằng, ngày càng có nhiều người nói ra những lời lẽ gay gắt, họ cho biết, cụ ông này là "người quen" và video khiến họ "cười rớt nước mắt".

Người đầu tiên xuất hiện là một cư dân mạng đến từ Hồ Bắc, anh ta trực tiếp chỉ ra rằng tên WeChat của ông cụ là "Ngày mai sẽ tốt hơn", ông đã đi bộ suốt 7 năm mà vẫn chưa đến được ga xe lửa Bắc Thâm Quyến.

Một cư dân mạng khác nói mình ở Quảng Đông bình luận: "Tôi cũng đưa cho ông già này 100 tệ (hơn 300 nghìn), lúc đó tôi thấy ông ấy rưng rưng nước mắt, trông không giống như ông ấy đang nói dối, ai mà biết được kỹ năng diễn xuất của ông ấy có thể tốt đến thế. Bây giờ thậm chí còn hơn thế nữa. Khẳng định, lúc đó tôi quả thực đã bị lừa!"

Cụ ông chuyên xin tiền ở bến xe để về quê nhưng 7 năm vẫn chưa về đến nhà, nam blogger liền quay video gửi cho công an giúp đỡ thì phát hiện sự thật chấn động - Ảnh 2.

Chàng trai nhìn vào bóng lưng của cụ ông vô cùng thương xót mà không hề biết mình đã bị lừa

Sau khi blogger biết mình bị lừa, người này liền đăng một video phản hồi khác, trong video anh bày tỏ cũng rất sốc, không thể tin được rằng ông cụ thực chất là một kẻ lừa đảo. Ông ấy lừa dối anh không chỉ là tiền bạc mà còn cả lòng tốt và sự tin tưởng.

"Nếu bạn bị kẻ dối trá như vậy lừa một lần, bạn sẽ nghĩ rằng mình kém may mắn, nhưng nếu là hai hoặc ba lần thì sao? Gặp người thực sự cần giúp đỡ, bạn có giúp một tay không? Tôi tin rằng câu trả lời cho nhiều người là không", nam blogger nói.

Để phòng tránh nhiều người bị mất tiền oan như mình, nam thanh niên liền giao nộp đoạn video cho công an để điều tra rõ nguyên nhân sự việc.

Thực hư về "đại gia ăn xin" mua nhiều bất động sản

Tối 11/3, Văn phòng Công an thành phố Thâm Quyến đưa ra phản hồi như sau:

Người đàn ông trong video không có tiền đi Bắc Thâm Quyến tên là Vương, 58 tuổi, hiện không có nghề nghiệp cố định. Sau khi điều tra và xác minh, Vương khai nhận đã lừa những người qua đường bằng cách tiếp cận hỏi đường và kêu gọi những khoản quyên góp nhỏ từ người khác với lý do không có tiền đi lại hoặc ăn uống. 

Tuy nhiên, Công an Thâm Quyến bác bỏ tin đồn trên mạng rằng, ông Vương đã mua được nhiều bất động sản nhờ vào tiền ăn xin từ mọi người suốt 20 năm qua. Căn nhà mà ông Vương đang ở là thuê cùng người thân từ năm 2020.

Hiện, công an đang tạm giam giữ ông Vương để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Nhìn chung, vụ việc này cũng làm dấy lên suy nghĩ của xã hội về cách giúp đỡ những người thực sự khó khăn. Người dân cần luôn cảnh giác để không trở thành nạn nhân của tội phạm. Đồng thời, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện hệ thống trợ giúp xã hội cũng là những biện pháp quan trọng để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra lần nữa.

Theo Sohu

Nguyễn Phượng

Từ khóa:  lừa đảo
Cùng chuyên mục
XEM