Cứ nghĩ chỉ nghỉ việc khi về hưu, những kỹ sư này được hưởng phúc lợi không ngờ giữa bão “sa thải có tâm” của Nokia
Sự sa sút của Nokia đã khuyến khích cả một thế hệ kỹ sư Phần Lan dấn thân vào khởi nghiệp.
Sự suy tàn của nhà sản xuất điện thoại di động Phần Lan Nokia đã khuyến khích cả một thế hệ kỹ sư địa phương dấn thân vào một con đường mới và mạo hiểm hơn: Khởi nghiệp.
Nằm trên tầng cao nhất của một tòa nhà nằm trên đại lộ chính của thành phố phía nam Tampere, văn phòng của công ty khởi nghiệp địa phương TreLab dường như tràn đầy nhiệt huyết, tham vọng và sự lạc quan.
“Chúng tôi vừa gửi biên lai trị giá 5 con số đầu tiên. Cảm giác thật tuyệt!” Giám đốc điều hành 44 tuổi tên Kimmo Saarrela cho biết.
Vào tháng 12/2011, cựu nhân viên Nokia này đã cùng với bốn đồng nghiệp thành lập một công ty khởi nghiệp chuyên về các thiết bị đo lường không dây có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, hậu cần, chăm sóc sức khỏe cá nhân và đào tạo.
“Mặc dù tôi nhớ cái cảm giác thoải mái với mức lương ổn định cùng công việc được Nokia đảm bảo, tôi vẫn cảm thấy ở đây tự do hơn. Mọi người có thể đưa ra quyết định nhanh chóng mà không cần thông qua tất cả các bộ máy cồng kềnh nữa,” ông nói.
Vào đầu những năm 2000, khi Nokia thống trị thị trường điện thoại di động toàn cầu và đóng góp 4% vào tổng sản phẩm quốc nội của Phần Lan, mức độ đảm bảo việc làm mà công ty mang lại là không có đối thủ.
“Khi còn là một kỹ sư Phần Lan bắt đầu làm việc tại Nokia, bạn tin rằng mình sẽ chỉ rời khỏi nơi đó khi nghỉ hưu mà thôi. Tương lai của bạn rất rõ ràng,” Tommi Uhari nhớ lại. Ông đã rời vị trí quản lý của mình để thành lập Uros - nhà cung cấp Internet không dây di động cho khách du lịch quốc tế.
Mọi thứ thay đổi khi cuộc khủng hoảng tài chính ập đến và Nokia tụt lại phía sau trong cuộc đua điện thoại thông minh sau khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007.
Bị mắc kẹt trong vòng xoáy thất bại, Nokia bắt đầu sa thải nhân viên văn phòng và cuối cùng đồng ý bán bộ phận điện thoại di động của mình cho 'gã khổng lồ' Microsoft của Mỹ với giá 5,44 tỷ euro (7,5 tỷ USD). Truyền thông gọi đó là “sự kết thúc của một kỷ nguyên cho Phần Lan.”
Khi Nokia bắt đầu thu hẹp quy mô, công ty đã đưa ra một sáng kiến khác thường có tên là Nokia Bridge. Chương trình này giúp các nhân viên cũ thành lập công ty của riêng họ.
TreLab chính là một trong những công ty khởi nghiệp được hưởng phúc lợi từ chương trình này khi các nhân viên cũ rời Nokia nhận được số tiền lên tới 20.000 euro (27.573 USD) mỗi người.
Một số kỹ sư, trong đó có những người sáng lập TreLab, thậm chí còn có quyền sử dụng một số công nghệ mà họ đã phát triển tại Nokia mà không phải mua bất kỳ bằng sáng chế đắt tiền nào.
“Nếu không có sự hỗ trợ này, có lẽ chúng tôi đã không thể thành lập công ty của mình. Mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm những gì khiến họ hào hứng,” Saarela nói.
Theo Nokia, hơn 1.000 công ty khởi nghiệp đã tiếp cận chương trình Nokia Bridge, 400 trong số đó ở Phần Lan. Nổi tiếng nhất trong số đó là Jolla đã tiếp quản hệ điều hành di động miễn phí bị Nokia bỏ rơi có tên Meego.
Tuy nhiên, mô hình khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người.
“Chắc chắn rồi, có rất nhiều kỹ sư bước ra từ Nokia đã từng có sự nghiệp lâu dài và xán lạn. Thế nhưng, rất ít người biết cách bán sản phẩm trong khi đây là kỹ năng cần thiết khi bạn khởi nghiệp,” Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư của Oulu là Tiina-Maria Siipola cho biết.
Oulu là một thành phố ở phía Phần Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cắt giảm việc làm của Nokia. Ở thành phố này, hơn 1/3 số công ty mới thành lập năm 2011 đã không tồn tại được trong năm đầu tiên.
Tuy không dễ dàng, thế nhưng có những người hoài cổ ở Phần Lan vẫn mơ về sự xuất hiện của một “Nokia mới”, một công ty đẳng cấp thế giới hàng đầu sẽ lại nâng cao niềm tự hào của người Phần Lan.
Tham khảo Rappler