Cú ngã quỵ đau đớn của "vua gỗ" một thời và thực tại sống nhờ Vingroup
Gỗ Trường Thành được biết đến là doanh nghiệp gỗ đầu ngành tại Việt Nam và tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng nhòm ngó thâu tóm để phát triển thành một công ty con phục vụ cho các công trình xây dựng của Vingroup.
Thương hiệu "Vua gỗ" Việt vang bóng một thời và cú ngã quỵ đau đớn
Năm 1993, doanh nhân tuổi Tuất - Võ Trường Thành đã thành lập nên doanh nghiệp Gỗ Trường Thành tại Đắk Lắk. Vào năm 2000, ông Võ Trường Thành đã tạo được dấu ấn lớn trong sự nghiệp của mình khi trở thành doanh nhân đầu tiên mua lại được một công ty nước ngoài ở Bình Dương, mở ra một thời kỳ huy hoàng của doanh nghiệp ngành gỗ.
Sau đó, từ năm 2005 - 2007, Gỗ Trường Thành liên tục đạt kết quả kinh doanh rực rỡ và trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.
Gỗ Trường Thành được thành lập năm 1993 tại Đắk Lắk bởi doanh nhân Võ Trường Thành
Tuy nhiên, đến năm 2008, việc dự trữ một lượng lớn gỗ Teak - loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu khiến Gỗ Trường Thành thiệt hại nặng khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến. Khách hàng không còn chuộng sản phẩm đắt đỏ, mà quay sang lựa chọn các dòng rẻ tiền hơn, khiến Gỗ Trường Thành bị chôn vốn, không có tiền để chuyển sang những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường, và sau đó phải bán lỗ số gỗ quý.
Ngoài ra, hàng trăm tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực bất động sản , y tế, thủy sản... khiến Gỗ Trường Thành rơi vào cảnh nợ bủa vây và mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn.
Bằng những việc làm chưa có tiền lệ, ông Võ Trường Thành đã xoay chuyển được tình thế: Gỗ Trường Thành là DN đầu tiên phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thuyết phục được DATC mua nợ. Năm 2014-2015 là giai đoạn trở lại hoàng kim của công ty khi đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất về lĩnh vực xuất khẩu gỗ.
Nhưng nổi tiếng nhất chính là vụ thuyết phục được ông Phạm Nhật Vượng đồng ý để Vingroup mua lại Gỗ Trường Thành thông qua Tân Liên Phát và được bao tiêu 30% doanh thu.
Tuy nhiên, sau những động thái rầm rộ của thương vụ, Tân Liên Phát đột ngột thông báo tạm dừng giải cứu khoản nợ 1.202 tỉ đồng của Trường Thành vì phát hiện “sai lệch nghiêm trọng” trong việc ghi nhận hàng tồn kho và nợ khó đòi.
Cụ thể, khi công bố Báo cáo tài chính quý 2/2016 của Gỗ Trường Thành, nhà đầu tư đã choáng váng với khoản lỗ bất ngờ lên đến cả nghìn tỷ đồng. Bên cạnh việc chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi thì việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho.
Từ cuối tháng 11/2016 đến 4/2017, Tân Liên Phát đã liên tục bán ra cổ phiếu TTF để giảm lượng sở hữu và rút chân khỏi đây, thay vào đó là CTCP Xây dựng U&I của doanh nhân Mai Hữu Tín. Vị trí cao nhất trong HĐQT doanh nghiệp sau đó cũng được chuyển giao cho ông Tín nắm giữ đến nay.
Hồi giữa năm 2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Võ Trường Thành và Võ Diệp Văn Tuấn (con ông Thành) về tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán".
Hai cha con "vua gỗ" Võ Trường Thành
Đến tháng 6/2020, TTF chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả
Trong câu chuyện với NDH, ông Thành kể, lúc đang khó khăn, ông từng nói với con trai của mình là Võ Diệp Văn Tuấn rằng, là nếu bây giờ ông bước ra khỏi công ty và giao lại hết cho ngân hàng thì gia đình ông vẫn sống bình thường, tài sản, nhà cửa đất đai cái gì cũng có hết. Nhưng về danh chánh, sự nghiệp sau này thì đó là một vết nhơ và ông không xứng đáng để nhìn lại chuyện sau này đối với cổ đông hay là dạy con dạy cháu cũng không nên lời. Do đó, ông đã quyết định là sẽ chiến đấu tới cùng.
Rất may là đã có người tiếp nối Vingroup để cứu Gỗ Trường Thành nhưng việc ra đi và để lại một hậu quả nặng nề của "vua gỗ" là nỗi buồn cho doanh nhân tên tuổi một thời.
Các đại gia "chung tay" cứu vua gỗ
Sau khi cổ đông lớn Tân Liên Phát tháo chạy, giữa năm 2019, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín vào và vực lại nhưng doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành
Bên cạnh ông Mai Hữu Tín, một doanh nghiệp là Công ty Sứ Thiên Thanh, công ty thuộc CTCP Đồng Tâm do ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) làm Chủ tịch HĐQT cũng tham gia mua cổ phần của Gỗ Trường Thành. Tỷ lệ sở hữu của Đồng Tâm Group tại Gỗ Trường Thành đạt gần 14,6% và trở thành cổ đông lớn nhất, xếp thứ hai là U&I với tỷ lệ nắm giữ 9,32%.
Với sự tham gia của Sứ Thiên Thanh, Ban quản trị công ty cũng có sự thay đổi khi ông Mai Hữu Tín được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và ông Võ Quốc Lợi (con trai Bầu Thắng) được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT công ty.
Người quan tâm cũng chứng kiến nhiều nỗ lực cải tổ doanh nghiệp, tuy nhiên cho đến nay câu hỏi "Gỗ Trường Thành đang sống bằng gì?" vẫn có nguyên một đáp án là Vingroup.
Điều này thể hiện đúng cam kết của Vingroup khi đứng ra giúp đỡ Gỗ Trường Thành vào năm 2017. Vào ngày 15/5/2017, 2 bên đã ký kết Thỏa thuận nguyên tắc chỉ định Nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm đồ gỗ, với tổng trị giá lên đến 16.000 tỷ đồng.
Theo đó, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký, Tập đoàn Vingroup sẽ đặt hàng Gỗ Trường Thành sản xuất các mặt hàng đồ gỗ, bao gồm một số đồ ngoại thất, nội thất, ván sàn và các thành phẩm bằng gỗ khác, nhằm trang bị cho các dự án bất động sản nhà ở của Vingroup trên toàn quốc.
Tại thời điểm cuối năm 2020, số dư Người mua trả tiền trước ngắn hạn của nhóm Vinhomes, Vingroup, Vinpearl là 1.121 tỷ đồng. Cuối năm 2019, số dư này là 1.210 tỷ đồng.
Gỗ Trường Thành đã có lợi nhuận và tránh khỏi việc bị hủy niêm yết nếu thua lỗ tiếp trong năm 2020.
Các chuyên gia tài chính đánh giá, các khoản nợ xấu được định danh rõ ràng, khoanh lại và nếu việc thu hồi nợ hoặc xoá sổ được thực hiện, báo cáo tài chính sẽ trở nên đẹp hơn, và có thể mang lại những khoản lợi bất ngờ trong tương lai?
Vấn đề lớn nhất của Gỗ Trường Thành là giải quyết nợ vay đã quá hạn. Tính đến thời điểm 31/12/2020, công ty đang có khoản nợ quá hạn tại DongABank (chi nhánh Bình Dương) hơn 123 tỷ đồng, được đảm bảo bằng 12.859m2 gỗ nguyên liệu các loại và thành phẩm của nhóm Công ty - số hàng mà ông Tín từng cho biết là giá trị thực tế khi kiểm tra lại thấp hơn giá trị thế chấp.
"Thực tế, chúng ta bị ngăn cản ở việc không thể đi vay và cũng không thể nào xóa nợ xấu cũ tại ngân hàng DongA Bank. Đây cũng là khoản vay duy nhất còn lại ở ngân hàng. Nếu xóa sạch khoản này, chúng ta hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng và thực tế chỉ còn nợ Vingroup", Ông Tín từng nói.
Cuối tháng 4.2021, tại Đại hội cổ đông thường niên, Công ty sẽ chào bán gần 59,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, cổ tức cố định hàng năm là 12%. Nếu thành công, công ty dự thu gần 595 tỷ đồng. Trong đó, 160 tỷ sẽ được dùng để trả nợ gốc và lãi cho DongABank. Song song, Công ty cũng phát hành riêng lẻ 40,5 triệu cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ưu đãi hoán đổi nợ liên quan đến Tập đoàn Vingroup. Báo cáo với cổ đông, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết đã thuyết phục được phía Vingroup chuyển khoản nợ này thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm.
Ông Mai Hữu Tín vẫn khẳng định: sau khi xoá được nợ xấu, ông kỳ vọng Gỗ Trường Thành sẽ bước sang cuộc chơi mới, cuộc chơi mà mốc "1 tỷ USD" là con số thấp nhất. Trong đó, tham vọng của ông Tín trong 10 năm tới đây sẽ là thập kỷ nhảy vọt, đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu Asean cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.