Cú 'đổi hướng' ngoạn mục của Mark Zuckerberg về phía ông Donald Trump: Đặt cược cả đế chế kinh doanh 1.500 tỷ USD, được ăn cả hoặc 'ngã sẽ về không'

09/01/2025 14:19 PM | Quốc tế

Mark Zuckerberg đang đánh cược với một canh bạc mới, có tác động sống còn tới tương lai của Meta.

Cú 'đổi hướng' ngoạn mục của Mark Zuckerberg về phía ông Donald Trump: Đặt cược cả đế chế kinh doanh 1.500 tỷ USD, được ăn cả hoặc 'ngã sẽ về không'- Ảnh 1.

Bốn năm trước, CEO Mark Zuckerberg đã cấm ông Donald Trump sử dụng Facebook và Instagram. Lý do được đưa ra là bởi rủi ro từ việc cho phép ông Trump tiếp tục hoạt động trên các nền tảng này là “quá lớn” sau khi ông liên tục lan truyền những thông tin sai lệch về bầu cử và cổ vũ đám đông trong vụ bạo loạn ngày 6/1.

Nhưng hiện tại, tình hình đã thay đổi đáng kể.

Giờ đây, Zuckerberg đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng Meta và phong trào MAGA (Make America Great Again) có thể “hòa hợp”.

Cụ thể, mới đây gã khổng lồ mạng xã hội này đã cho ngừng hoạt động các chương trình kiểm tra thông tin và định hình các nền tảng của mình theo hướng giống với X (trước đây là Twitter) – trang mạng xã hội thuộc quyền sở hữu của Elon Musk.

Đồng thời, Meta vừa bổ nhiệm Dana White – một đồng minh của ong Trump vào ban giám đốc, chỉ vài ngày sau khi đưa Joel Kaplan, nhà vận động hành lang nổi bật nhất của Đảng Cộng hòa trong công ty, lên giữ vị trí lãnh đạo mảng quan hệ quốc tế.

Trước đây, Meta cũng nằm trong số các tập đoàn công nghệ lớn quyên góp 1 triệu USD cho quỹ lễ nhậm chức của ông Trump. Đáng chú ý, Zuckerberg – người từng bị ông Trump đe dọa sẽ phải ngồi tù chung thân – đã từng trực tiếp đến Mar-a-Lago để dự bữa tối cùng vị tổng thống đắc cử sau kỳ bầu cử.

Dù Zuckerberg rõ ràng đang cố gắng bảo vệ Meta trước nguy cơ bị trả đũa từ phía ông Trump trong tương lai, nhưng bản thân tập đoàn này cũng đối mặt với nguy cơ lớn nếu các nhà quảng cáo rời bỏ nền tảng này và người dùng bắt đầu gắn thương hiệu Meta – vốn đã bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm AI kém chất lượng và sự thiếu đổi mới suốt nhiều năm qua – với những nhân vật gây tranh cãi hiện đang thống trị trên X.

Sáng thứ ba, Mark Zuckerberg đã chọn kênh truyền hình yêu thích của tổng thống đắc cử Trump – Fox News – để tuyên bố rằng các nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới giờ đây, trên thực tế, đứng về phía ông Trump.

Zuckerberg cho biết Meta sẽ loại bỏ các bên thứ ba kiểm tra thông tin (fact-checkers) vì họ bị cho là “quá thiên vị chính trị”, mắc nhiều sai lầm và “phá hủy lòng tin nhiều hơn là tạo ra được lòng tin”.

Những phát biểu không thể kiểm chứng này phản ánh luận điệu lâu nay của phe cánh hữu rằng Facebook kiểm duyệt các quan điểm bảo thủ. Thay thế cho các fact-checkers, Meta sẽ áp dụng “ghi chú cộng đồng” (community notes) tương tự như tính năng trên X, cho phép người dùng thêm bình luận vào các bài đăng có thể chứa thông tin sai lệch.

Cú 'đổi hướng' ngoạn mục của Mark Zuckerberg về phía ông Donald Trump: Đặt cược cả đế chế kinh doanh 1.500 tỷ USD, được ăn cả hoặc 'ngã sẽ về không'- Ảnh 2.

Trong một quyết định gây tranh cãi khác được công bố hôm thứ ba, Zuckerberg thông báo Meta sẽ chuyển đội ngũ kiểm duyệt nội dung từ California sang Texas, với lý do quyết định này sẽ “loại bỏ mối lo ngại rằng các nhân viên thiên vị đang kiểm duyệt nội dung quá mức”.

Những diễn biến tiêu cực tiếp tục được ghi nhận vào thứ ba, khi nguồn tin nói rằng Meta âm thầm cập nhật hướng dẫn của mình, cho phép người dùng thoải mái dùng những từ ngữ không phù hợp, mang tính xúc phạm người đồng tính hoặc phụ nữ.

Tất cả những thay đổi này dường như nhằm tạo “lá chắn” cho Meta khi bước vào kỷ nguyên Trump 2.0. Các lãnh đạo doanh nghiệp chắc hẳn còn nhớ rất rõ từ nhiệm kỳ trước, ông Trump đã tỏ ra không kiềm chế mỗi khi cảm thấy các công ty không đủ mức trung thành. Cổ phiếu Meta từng lao dốc vào tháng 3 sau khi ông Trump gọi điện trực tiếp đến CNBC và tuyên bố rằng Facebook là “kẻ thù của nhân dân”.

Nếu Meta áp dụng lập trường cứng rắn như đã từng làm bốn năm trước, công ty có thể sẽ trở thành mục tiêu chỉ trích của ông Trump trên mạng xã hội và bị loại khỏi các cuộc thảo luận chiến lược, nơi những đối thủ như Elon Musk đang đưa ra quyết định về tương lai của ngành công nghệ.

Tuy nhiên, việc Meta thay đổi chiến lược không phải là một kế hoạch kinh doanh đảm bảo thành công. Hãy nhìn vào X – nền tảng mà Musk mua lại vào năm 2022 khi còn mang tên Twitter. Musk đã định hình lại trang mạng này theo phong cách của mình, khôi phục tài khoản của các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và những tài khoản xúc phạm khác từng bị cấm bởi các quy định an toàn của Twitter.

Hệ quả là các nhà quảng cáo, lo ngại sản phẩm của mình xuất hiện bên cạnh các nội dung thù hận, đã đồng loạt rút lui. Hàng triệu người dùng đã chuyển sang các đối thủ cạnh tranh như Bluesky và Threads của chính Meta.

Theo ước tính từ tập đoàn đầu tư Fidelity, giá trị của X đã sụt giảm 80% kể từ khi Elon Musk mua lại nền tảng này.

Tuy nhiên, điều này không phải là vấn đề lớn đối với X và Musk, người về lý thuyết có thể tự tài trợ toàn bộ hoạt động của nền tảng.

Tình hình lại khác hoàn toàn với Meta, một trong những công ty đại chúng có giá trị lớn nhất thế giới, với vốn hóa thị trường lên tới 1,5 nghìn tỷ USD.

“An toàn thương hiệu vẫn là yếu tố then chốt quyết định nơi các nhà quảng cáo chi ngân sách”, Jasmine Enberg, nhà phân tích chính tại Emarketer cho biết. “Mạng xã hội vốn đã là một bãi mìn của các nội dung mà nhiều thương hiệu cho là không an toàn, và sự thay đổi của Meta có thể khiến vấn đề này trở nên trầm trọng hơn”.

“Ngay cả một sự sụt giảm nhỏ trong mức độ tương tác cũng có thể gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh”, Enberg cảnh báo.

Trên thực tế, lịch sử đã từng xảy ra điều tương tự.

Năm 2022, Meta mất gần 240 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong một ngày - cú sụt giảm lớn nhất về giá trị công ty trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ tại thời điểm đó - sau khi công ty báo cáo số người dùng hoạt động hàng ngày trên Facebook giảm nhẹ và lợi nhuận quý giảm 8%.

Cú 'đổi hướng' ngoạn mục của Mark Zuckerberg về phía ông Donald Trump: Đặt cược cả đế chế kinh doanh 1.500 tỷ USD, được ăn cả hoặc 'ngã sẽ về không'- Ảnh 3.

Điều này tác động trực tiếp đến Mark Zuckerberg, cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty. Nhưng quan trọng hơn, biến động cổ phiếu ảnh hưởng mạnh đến tầng lớp lãnh đạo Meta giàu có nhưng chưa đạt mức “siêu tỷ phú”.

“Zuckerberg được bảo vệ khỏi hậu quả của những quyết định sai lầm... cho đến khi không thể nữa - cho đến khi mọi thứ đạt đến điểm đột phá và khi đó, anh ta thường hoảng loạn”, Doctorow nói. “Trong ngành công nghệ, họ gọi những cơn hoảng loạn này là ‘đổi hướng chiến lược’ (pivot), nhưng thực chất đó chỉ là hậu quả của việc lãnh đạo một công ty tăng trưởng yếu hoặc thậm chí suy giảm, khiến phố Wall mất kiên nhẫn”.

Những lần “đổi hướng” trước đây bao gồm Metaverse, ý tưởng khoa học viễn tưởng mà Zuckerberg từng quảng bá là tương lai của công ty ba năm trước. Gần đây hơn, Meta đang thử nghiệm “người dùng” do AI tạo ra nhằm thúc đẩy mức độ tương tác.

“Họ (Meta) hiện đang ở cuối con đường với một chuỗi các quyết định cực kỳ tồi tệ”, Doctorow nhận định. Điều này không có nghĩa là Meta chắc chắn sẽ thất bại, nhưng ông cảnh báo: “Họ đang trên con đường trở thành một dạng ‘xác sống’ - giống như MySpace hiện nay. MySpace vẫn tồn tại, nhưng giờ đây chỉ toàn nội dung rác và spam do AI tạo ra”.

Theo: CNN

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM