Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc

06/06/2021 10:39 AM | Xã hội

Năm nay, vì dịch bệnh, khi Việt Nam mời 190 thương gia Trung Quốc sang Bắc Giang, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đồng ý. Nông dân nhìn vải chín phập phồng thở ra. Lãnh đạo tỉnh lo ngay ngáy, nhất quyết tìm cách để vải thiều Lục Ngạn không rơi vào tình cảnh phải giải cứu, đổ bỏ.

Gần 12 giờ đêm, anh Đinh Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo nhận cuộc gọi trong trạng thái mệt mỏi: "Mấy ngày nữa chú cân vải? Có khó khăn vướng mắc gì không? Bất kỳ vướng mắc nào kể cả cần thiết, anh đề xuất người đến trực tiếp tại chỗ chú đang cân vải. Chú cân ở đâu, người của Sở đến tận đó giải quyết cho chú, cho bà con..."

Người đang nói rất tha thiết ấy là ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang.

Ngay từ những ngày giữa tháng 2 nắng xuân chớm hửng, hoa vải thiều bừng sắc trắng tinh khôi, ông Thành cùng những người nông dân ở thủ phủ vải thiều đã cùng ngồi lại với anh Hùng – người được gọi là ông vua thu mua vải Lục Ngạn. Tất cả các bên trao đổi cặn kẽ cho mọi kịch bản để mùa vải 2021 có thể giữ được vị ngọt đậm đà cho người Bắc Giang.

Oái oăm, khi từng đồi vải bắt đầu ửng đỏ màu quả chín, dịch bệnh tràn đến, quét những mảng màu đỏ phong tỏa căng thẳng lên đất vải. Người dân ở đây lúc này không tính nữa, họ cùng nhau làm mọi việc bằng ba bằng mười để có thể bán được thật nhiều, thật nhanh.

Cuộc gọi với ông PGĐ Sở kết thúc cũng là lúc bước sang ngày mới, anh Hùng soạn tin nhắn cho đối tác của mình ở bên kia biên giới: "Tôi cam kết vải vụ này không quả thối, không quả hư, đủ cân, không lá, một tấn như nghìn tấn. Anh muốn bao nhiêu, tôi có bấy nhiêu!"

Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc - Ảnh 1.

Mùa vải thiều năm 2021 - lần đầu tiên anh Đinh Văn Hùng định không làm cái việc mà suốt gần 20 năm qua anh và gia đình mình đã coi như là sự nghiệp.

"Đây là năm đầu tiên tôi không dám ký thời gian dài và số lượng nhiều như mọi năm. Thậm chí, tôi còn không mặn mà gì chuyện thu vải nữa luôn. Chỉ sợ nhất là ký hợp đồng xong dịch lại bùng lên không thu mua nổi, không chuyên chở lên cửa khẩu đúng hẹn thì vô cùng mạo hiểm...".

Năm ngoái, anh Hùng bán gần 5.000 tấn vải cho Trung Quốc. Nhu cầu của đối tác vẫn tăng lên chứ không bớt 1kg nào hết. Tuy nhiên, nếu như mọi năm, đối tác đều cử kỹ thuật viên sang giám sát lúc lựa hàng, cân vải, đóng công thì riêng năm nay, vì dịch bệnh, khi Việt Nam mời 190 thương gia Trung Quốc sang Bắc Giang, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đồng ý. Nông dân nhìn vải chín phập phồng thở ra. Lãnh đạo tỉnh lo ngay ngáy, nhất quyết tìm cách để vải thiều Lục Ngạn không rơi vào tình cảnh phải giải cứu, đổ bỏ.

Nhưng làm sao đưa vải thiều khỏi thế khó, khi mà những thông tin "phong tỏa", "giãn cách xã hội" cứ ngày một nhiều hơn trong toàn tỉnh Bắc Giang?

Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc - Ảnh 2.

"Không có người của đối tác Trung Quốc ở đây, mình cam kết mua cho họ như mua cho chính mình. Tôi lấy uy tín 18 năm trời buôn bán với họ ra để cam kết, nếu quả vải Bắc Giang năm nay đến tay khách không tươi, không ngon, 10 quả như 10 thì tôi chấp nhận chịu phạt. Khách ở xa phải yên tâm thì người ta mới lấy hàng của mình". Đó là quyết tâm của người thương lái đất vải khi chọn đứng vào vai của những người khao khát bán quả vải ngon với giá cao nhất, để không có chuyện "giải cứu" hay "đổ bỏ".

Từ quyết tâm đó, nhân viên trong công ty chưa thấy năm nào như năm này, ông chủ gọi điện cho từng người công nhân tuyển hàng, vừa điều phối mối hàng nóng cả điện thoại vừa phải liên tục kiểm tra camera các khu vực cân hàng.

Vải Lục Ngạn đẹp mê hồn! Nhưng cũng không có loại hoa quả nào nhanh hư, dễ hỏng như trái vải! Do vậy, anh Hùng phải mời bằng được những công nhân "ruột" bao nhiêu năm làm cùng, tận tâm và nhiều kinh nghiệm. Nhân sự như vậy mới lựa hàng chuẩn. Lên cửa khẩu, hàng tránh được chuyện quả nứt, quả vỡ, quả thối...

Xử lý xong vấn đề kỹ thuật, tiêu chuẩn cho quả vải, bàn đến chuyện giá: "Tôi đảm bảo một điều chắc chắn, hàng tôi đang mua ở Lục Ngạn có giá cao nhất. Kể cả xuất sang thị trường nào cũng không thể mua lại với giá cao như tôi đang làm", ông chủ công ty TNHH Thương mại và Xuất khẩu Hùng Thảo khẳng định chắc nịch.

Ngày 30/5, công ty Hùng Thảo chính thức tổ chức các điểm thu mua vải thiều Thanh Hà chất lượng cao với giá đột phá so với thị trường: 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, doanh nghiệp này mua với số lượng không hạn chế chỉ với điều kiện: chất lượng màu mã đồng nhất, bó vải ngắn dưới 10cm cành, tuyệt đối không bó lá!

Theo ông Tăng Văn Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn: "giá thu mua đó thực sự giúp người nông dân mừng rơi nước mắt!"

Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc - Ảnh 3.

"Giữa tâm dịch nên làm cái gì mình cũng phải cẩn thận hơn, tập trung cao độ hơn. Từ bố trí địa điểm cân, thuê nhân công, rồi tiền vốn, kho lạnh, xe cộ... cái gì cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với mọi năm", anh Hùng chia sẻ.

Theo đó, khi khách yêu cầu 1 thùng đóng 10kg thì bên anh Hùng phải đóng dư ra ít nhất 3 - 5 lạng. Bởi vì bất kể loại hoa quả nào cũng thế, càng chín, đường càng lên men và bị hao nhẹ đi.

Cẩn trọng từ khâu sơ chế, phân loại, cân đong đóng hộp là chưa đủ. Năm nay, Hùng Thảo ra quyết tâm đưa quả vải đến biên giới với tốc độ tối ưu nhất, sao cho từ lúc cân vải cho đến khi xe hàng của Hùng Thảo có mặt tại cửa khẩu quốc tế và thông quan chỉ được phép mất thời gian nhiều nhất là 1 ngày rưỡi.

Thông thường, hàng từ Bắc Giang lên đến cửa khẩu, thông quan xong phải mất 1 ngày. Từ cửa khẩu chạy khoảng 2.000km nữa, nghĩa là phải mất ít nhất 3 ngày để vào nội địa Trung Quốc. Nếu không làm khẩn trương, khi hàng về đến tổng kho của siêu thị bên kia sẽ bị xuống màu và hư nhiều.

Đây chính là điều khiến Hùng Thảo và tất cả các doanh nghiệp, HTX thu mua vải Bắc Giang đang lo lắng nhất.

"Nhỡ thấy xe từ Bắc Giang đến, cả người lẫn hàng đi qua các chốt kiểm dịch của tỉnh khác bị giữ lại quay về không xong, đi tiếp không được thì chết!", ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân chia sẻ nỗi lo thường trực của người đất vải.

Anh Hùng, ông Dũng và rất nhiều chủ HTX thu mua vải ở Lục Ngạn đã sớm chủ động lên kế hoạch xây dựng những "đội xe vô trùng với Covid" từ đầu mùa vải 2021.

"Bảo vệ lái xe bây giờ còn hơn cả bảo vệ bản thân mình"Các ông "thương lái" khẳng định.

Cứ 3 ngày 1 lần, đội lái xe lại được cho đi xét nghiệm Covid, có kết quả âm tính thì mới được nhận hàng, lên xe. Từ lúc lên xe, lái xe phải đi ngay đến kho hoặc lên thẳng cửa khẩu rồi quay về, không tiếp xúc với người lạ

"Cơm của lái xe mùa dịch này mình cho nấu từ nhà mang đi để đến bữa đói thì ăn luôn trên xe. Tuyệt đối không ăn hàng dọc đường. Nước hay cafe đều phải mang từ nhà đi hết. Tất cả cách ly với bên ngoài tuyệt đối" – anh Hùng cho biết.

Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc - Ảnh 4.

Ngày 31/5, xe chở vải của Hùng Thảo bắt đầu lăn bánh hướng về các cửa khẩu quốc tế lớn như Kim Thành (Lào Cai) hay Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn). Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này sẽ có từ 10 - 15 xe với trọng tải từ 15 - 18 tấn vải xuất phát.

Dự kiến vào những ngày giữa vụ vải, Hùng Thảo cần thông quan mỗi ngày từ 50 - 80 xe chở vải thiều. Có những ngày cao điểm tắc cửa khẩu, Hùng Thảo cũng phải có đến cả trăm xe ở đó. Do đó, nếu các cấp, các ngành các địa phương có phương án phối hợp tốt thì mỗi ngày trung bình, riêng Hùng Thảo đã bán từ 200 - 300 tấn vải thiều Bắc Giang ra khỏi biên giới.

"Tôi đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng như Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp mình nên sớm trao đổi với hải quan nước bạn để làm sao tạo mọi điều kiện tiến hành thủ tục thông quan nhanh nhất cho xe hàng. Chẳng hạn như mình đề xuất họ tăng thời gian làm việc trong ngày lên. Bình thường cửa khẩu đang làm việc 8 tiếng/ngày thì mình đề xuất họ tăng thành 10 - 12 tiếng/ngày. Tại vì 1 xe hàng ngày xưa được thông quan mất từng này thời gian thì bây giờ vì Covid cho nên phải kiểm hàng tại cửa khẩu rồi lại phải kiểm tra Covid dẫn đến thời gian bị kéo dài hơn rất nhiều. Chỉ mong các cơ quan hữu quan hai nước sẽ thống nhất điểm này càng sớm càng tốt", anh Hùng nói.

Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc - Ảnh 5.

Trên thực tế, Sở Công thương Bắc Giang đã thành lập 2 "đội đặc nhiệm" lên thường trực ở các cửa khẩu tại Lào Cai và Lạng Sơn để nắm bắt tình hình, giải quyết vướng mắc trong quá trình vận chuyển và xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc.

Bắc Giang đang quyết tâm có thể thực hiện kế hoạch xuất khẩu khoảng 85.000 tấn vải thiều sang Trung Quốc nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong trường hợp xấu nhất - dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh vẫn phối hợp tối đa với các doanh nghiệp như Hùng Thảo và các thương nhân Trung Quốc cố gắng xuất khẩu 45.000 tấn vải sang thị trường truyền thống này.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang (thành viên trong Tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu Lạng Sơn) thông tin: "Vải thiều hiện được xuất khẩu ưu tiên qua luồng xanh đi trước. Sau khi vải thông quan hết mới đến các hàng hoá khác làm thủ tục thông quan". Ban quản lý cửa khẩu cũng chỉ đạo cán bộ làm trước giờ hành chính để giải quyết sớm các thủ tục thông quan cho quả vải thiều. Do đó, thời điểm này vải thiều được xuất khẩu sang Trung Quốc tương đối thuận lợi.

"Hiện tại chưa có thống kê lượng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc của từng địa phương. Nhưng theo số liệu chung thì mỗi ngày có khoảng 400 tấn vải thiều Việt Nam được xuất sang thị trường này", ông Thọ cho hay.

Trung Quốc - một thị trường gần gũi với những thành phố có quy mô dân số khổng lồ như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến, Vũ Hán... "Những thành phố đó có đến hàng triệu siêu thị muốn mua vải của Lục Ngạn", người bán vải gần 20 năm cho biết.

Mặc dù vải thiều Việt Nam đã đến Nhật Bản, Úc, Châu Âu... nhưng một thực tế không thể phủ nhận được rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng và chủ chốt. Không chỉ riêng quả vải mà tất cả hàng nông sản của Việt Nam và đặc biệt là hoa quả đều vậy.

Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc - Ảnh 6.

Bởi vì đó là thị trường rất dễ tính. Cái gì cũng có thể bán không có chuyện đổ đi. Hàng chất lượng cao bán được giá cao, chất lượng thấp thì phải bán giá rẻ. Số lượng họ mua lại quá khủng. Một ngày bao nhiêu xe cũng hết. Xuất hàng sang thị trường này không có chuyện hàng bị trả lại.

"Buôn bán với Trung Quốc chỉ cần là người nông dân thôi cũng đã thấy vui rồi chứ không nói đến thương nhân". Anh Hùng đã phân tích: "Bởi vì, ăn lãi ít nhưng số lượng hàng bán được là khổng lồ. Bán cho Trung Quốc, bạn có thể chỉ lời 2.000 đồng/kg thôi, nhưng 1 ngày bán được 150 - 200 tấn là đã có 300 - 400 triệu. Cả 40 ngày như thế suốt vụ vải bạn lời bao nhiêu tỷ?"

Tuy nhiên, dù bán ở đâu, làm ăn với quốc gia nào thì câu chuyện làm thương mại bền vững là điều mà các thương nhân Việt Nam luôn dặn lòng: "Bất kể bán đi đâu hay bán cho ai cũng vậy, đều phải thiện chí, trung thực và không được tham. Đôi bên xác định đảm bảo được lợi ích của tất cả các phía để từ đó chia sẻ cơ hội hợp tác mới bền vững được"./.

Cú điện thoại nửa đêm của lãnh đạo Bắc Giang, “ông” lái xe được bảo vệ hơn đại gia và cam kết của “vua vải” với thương nhân Trung Quốc - Ảnh 7.

Vải thiều Lục Ngạn – Đừng giải cứu, hãy hỗ trợ!

Thanh An

Cùng chuyên mục
XEM