Cư dân đô thị mẫu Hà Nội lo ngại ô 'đất vàng' hạ tầng cuối cùng biến thành cao ốc

05/06/2020 16:58 PM | Bất động sản

Việc các lô đất, ô đất vốn quy hoạch để làm bãi đỗ xe, công trình công cộng phục vụ dân sinh trong khu đô thị đã biến thành những tòa cao ốc, khu chung cư cao tầng để bán làm cho cư dân ở Khu đô thị mới Trung Hòa -Nhân Chính (Hà Nội) càng lo ngại trước thông tin ô đất dịch vụ cuối cùng tại đây (ký hiệu C2) cũng đang được đề xuất xin điều chỉnh thành công trình cao ốc.

Dân lo ô "đất vàng" dịch vụ sót lại thành cao ốc 

Được đưa vào hoạt động từ năm 2006, Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính từng được coi là khu đô thị kiểu mẫu một thời của Thủ đô. Tuy nhiên, sự gia tăng các tòa chung cư cao tầng thi nhau "mọc" lên đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, bí bách; nhiều lô đất vốn được quy hoạch bãi đỗ xe, dịch vụ công cộng phục vụ cư dân nơi đây đều biến thành cao ốc, chung cư cao tầng để bán và cho thuê.

"Tại đây các ô đất ký hiệu C1, C3... vốn quy hoạch làm bãi xe, dịch vụ công cộng để phục vụ khu tái định cư thuộc Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính nhưng các ô đất này đều bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành các khu chung cư chọc tầng để bán. Vì thế, cư dân ở đây rất lo ngại ô đất dịch vụ sót lại ký hiệu C2 vốn bỏ hoang gần 20 năm nay nhưng nay lại rục rịch xin chuyển đổi thành cao ốc hỗn hợp", bà Lê Lan sống ở tòa nhà N5 khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính lo lắng.  

Cư dân đô thị mẫu Hà Nội lo ngại ô đất vàng hạ tầng cuối cùng biến thành cao ốc - Ảnh 1.
Khu đất ký hiệu C2 trên đường Nguyễn Thị Thập được TP Hà Nội giao cho Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội thực hiện dự án Y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ dân cư nhưng bỏ hoang gần 20 năm qua.

Theo tìm hiểu của PV, việc lo ngại của cư dân ở đây là có cơ sở khi ô "đất vàng" cuối cùng tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính có ký hiệu ô C2 trên đường Nguyễn Thị Thập (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) được UBND TP Hà Nội giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) thực hiện Dự án công trình Y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ cư dân theo hình thức xã hội hóa được quây tôn bỏ hoang gần 20 năm nay không triển khai.

Được biết, theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã phê duyệt tại Quyết định số 24 này 9/3/2000 và Quyết định số 43 ngày 27/6/2001 của UBND TP Hà Nội, ô đất ký hiệu C2 có diện tích 2.054m2 với chức năng công trình công cộng đơn vị ở, tầng cao tối đa là 3 tầng, hệ số sử dụng đất là 0,96 lần, mật độ xây dựng 48%...

Sau đó, ngày 14/6/2002, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 90 việc điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng các ô đất thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính. Theo đó, diện tích và chức năng sử dụng đất của ô C2 vẫn giữ nguyên theo quy hoạch đã phê duyệt. Tuy nhiên, chiều cao công trình được điều chỉnh tối đa lên 5 tầng, hệ số sử dụng đất là 1,98 lần.

Đến tháng 7/2018, Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội tiếp tục có văn bản chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc Dự án "Xây dựng công trình Y tế, nhà văn hóa và chỗ đỗ xe phục vụ dân cư khu vực tại ô đất ký hiệu C2" Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính do Handico 6 làm chủ đầu tư.

Cư dân đô thị mẫu Hà Nội lo ngại ô đất vàng hạ tầng cuối cùng biến thành cao ốc - Ảnh 2.
Việc ô "đất vàng" ký hiệu C2 liên tục được chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng, tăng mật độ khiến nhiều cư dân trong khu vực lo ngại cuộc sống vốn chật chội, bí bách sẽ ngày càng trở lên ngột ngạt hơn.

Theo đó, tổng diện tích khu đất lập tổng mặt bằng khoảng 2.054m2. Diện tích xây dựng khoảng 822m2, mật độ xây dựng 40%. Dự án có quy mô 5 tầng nổi + tum thang + 2 tầng hầm. Trong đó, 2 tầng hầm bố trí chỗ đỗ xe và khu kỹ thuật; tầng 1 bố trí sảnh, y tế và văn hóa; tầng 2 bố trí chức năng văn hóa; tầng 3 bố trí chức năng văn hóa, y tế; tầng 4,5 bố trí chức năng y tế… Chiều cao công trình từ cốt hè đường đến tầng mái tum thang kỹ thuật thang máy là 24,95m.

 "Cả khu đô thị này chỉ còn sót lại duy nhất khu đất C2 này với chức năng công trình công cộng phục vụ cư dân. Việc vừa qua thành phố Hà Nội báo cáo lô đất C3 vốn quy hoạch bãi xe thành chung cư khó xử lý vì đã lỡ càng làm cho cư dân ở đây lo lắng trước nguy cơ ô đất dịch vụ còn lại cũng sẽ thành nhà chung cư hay công trình hỗn hợp cao tầng cho nhà đầu tư", Ông Minh, một cư dân tòa N6A Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính bức xúc.

Cư dân đô thị mẫu Hà Nội lo ngại ô đất vàng hạ tầng cuối cùng biến thành cao ốc - Ảnh 3.
Cọ dại mọc um tùm bên trong khu đất C2 Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính bỏ hoang gần 20 năm nay.
Cư dân đô thị mẫu Hà Nội lo ngại ô đất vàng hạ tầng cuối cùng biến thành cao ốc - Ảnh 4.
Khu chợ tạm vây quanh khu đất C2 tạo nên cảnh nhếch nhác cho một khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu.

Theo ghi nhận của PV, lô đất C2 Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính hiện đang quây tôn kín mít, bên trong cỏ dại mọc um tùm, xung quanh khu đất dự án đang được trưng dụng làm khu chợ tạm khiến khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu trở lên nhếch nhác.

Trước đó, đầu năm 2019, cư dân tại đây cũng kịch liệt phản đối việc chủ đầu tư Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Tổng công ty Vinaconex) đề xuất “nhồi” thêm cao ốc 18 tầng vào Khu đô thị mới Trung Hòa- Nhân Chính.

Theo đó, Tổng công ty Vinaconex đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất ký hiệu CN (có diện tích khoảng hơn 4.300m2) thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính để xây dựng Tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 18 tầng nổi và 3 tầng hầm. Chính quyền địa phương đã phải tổ chức nhiều cuộc họp với cư dân để lấy ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, qua các buổi họp, hầu hết cư dân đều phản đối Vinaconex xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng dự án tại ô đất trên.

Được biết, theo Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án được duyệt năm 1998, Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88%, với 8 tòa nhà, cao trung bình 6 - 7 tầng. Ba năm sau, quy hoạch bị điều chỉnh tăng từ 8 lên 16 tòa nhà cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng gấp đôi, từ 9 đến 21 tầng. Đến nay, sau gần 20 năm, với hàng loạt lần điều chỉnh quy hoạch, mật độ xây dựng Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50%, với 16 tòa nhà cao tầng, có chiều cao từ 17 đến 34 tầng.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng khẳng định "Việc thay đổi quy hoạch các ô đất trong khu đô thị phải xin ý kiến của cư dân. Nếu cư dân phản đối, Hà Nội không duyệt cho thay đổi quy hoạch..."



ĐÌNH PHONG-LÂM VỸ

Cùng chuyên mục
XEM