Covid-19: Tỷ lệ tử vong gấp đôi Mỹ, lý do Thụy Điển vẫn một mình một kiểu và thủ tướng được tín nhiệm chưa từng thấy

01/05/2020 09:20 AM | Xã hội

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-Cov-2), Thụy Điển một mình một đường.

Tại Thụy Điển, các tiệm ăn, các cửa hàng, nhà trẻ và trường học tiếp tục mở cửa. Các hoạt động tập trung dưới 50 người về cơ bản vẫn được phép tổ chức.

Claudia Hanson là người Đức sinh sống ở Thụy Điển. Bà bàn bạc với người chồng Thụy Điển về việc không để con gái tới trường. Cả hai người không muốn mạo hiểm với khả năng con gái có thể tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm dịch bệnh.

Từ năm 2010, Hanson là chuyên gia về y tế làm việc tại viện nghiên cứu Karolinska nổi tiếng ở Stockholm. Bà nghiên cứu về các lĩnh vực sức khỏe phụ nữ và các bệnh truyền nhiễm, gần đây nhất bà đã làm việc về vấn đề này ở Tanzania.

Cùng với 21 nhà nghiên cứu đồng nghiệp, Hanson kêu gọi các chính trị gia Thụy Điển cương quyết can thiệp để điều chỉnh chính sách ứng phó Covid-19 của chính phủ.

Các nước láng giềng của Thụy Điển cũng bày tỏ quan ngại.

Ông Espen Nakstad, phó lãnh đạo Tổng cục Y tế Na Uy (Helsedirektoratet) cho rằng chiến lược phòng chống dịch của người láng giềng Bắc Âu gây ra rủi ro lớn.

Những người Na Uy từ Thụy Điển trở về được yêu cầu cách ly 14 ngày bởi rủi ro lây lan virus corona.

Trong khi đó, Phần Lan đã đóng cửa hầu hết đường biên giới với Thụy Điển, điều chưa từng diễn ra.

Thụy Điển với chính sách khác biệt

Dù có nhiều quan điểm trái chiều, Thụy Điển vẫn kiên trì con đường riêng của mình. Không có hạn chế nghiêm ngặt về xuất cảnh, phần lớn các biện pháp hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của người dân.

Đánh giá các dữ liệu điện thoại cho thấy, người dân ở Thụy Điển về cơ bản tuân theo các khuyến nghị của chính phủ. Khi mùa trượt tuyết kết thúc sớm vào cuối tháng 3 vừa qua, nhiều cư dân ở Stockholm không thực hiện những chuyến đi tới các địa danh được yêu thích như đảo Gotland hay Öland vào dịp lễ Phục sinh (12/4). Theo nhật báo Dagens Nyheter, tỷ lệ sụt giảm tới 90% .

Thụy Điển được cho là ở trong trạng thái "phong tỏa nhẹ". Dữ liệu của Google thu thập - thể hiện lưu lượng người tới một địa điểm nhất định như các cửa hàng hay công viên - cho thấy sự hiện diện của người dân tại các nhà ga đường sắt và trạm dừng xe giảm 35%.

Mức giảm lưu lượng và mật độ người ở các địa điểm công cộng tại Đức đạt gần 50%, trong khi tại những nước áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm khắc như Italy và Tây Ban Nha giảm đến 85%. Chênh lệch số liệu này thể hiện rõ sự khác biệt giữa các chính sách hạn chế lớn đến mức nào.

Hashtag #StayAtHome (hãy ở nhà) cũng khá phổ biến ở Thụy Điển. Dữ liệu của Google đến giữa tháng 4 cho thấy số người ở nhà tại Thụy Điển vào các ngày trong tuần tăng 12%, trong khi ở Đức là 20%, và Italy, Tây Ban Nha, Pháp vào khoảng trên 30%.

 Covid-19: Tỷ lệ tử vong gấp đôi Mỹ, lý do Thụy Điển vẫn một mình một kiểu và thủ tướng được tín nhiệm chưa từng thấy - Ảnh 1.

Cư dân thủ đô Stockholm, Thụy Điển thoải mái dạo chơi trong công viên thành phố, ngày 22/4/2020 (Ảnh: Janerik Henriksson/TT News Agency/Reuters)

Những câu hỏi cho Thụy Điển

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là các biện pháp của Thụy Điển sẽ mang tới hệ quả ra sao về trung và dài hạn. Nước này có thành công và kiểm soát được SARS-Cov-2 một cách nhẹ nhàng? Liệu có nguy cơ về một thảm họa y tế? Công suất các bệnh viện có đáp ứng được không?

Theo thống kê của Đại học John Hopkins tính đến 18h ngày 30/4 (theo giờ Việt Nam), Thụy Điển đã ghi nhận 20.302 ca mắc Covid-19 và 2.462 trường hợp tử vong, chiếm tỷ lệ tới trên 12.12%.

Thụy Điển vượt xa cả 4 láng giềng Bắc Âu - gồm Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan - cả về số ca nhiễm lẫn tử vong. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nước này cũng gấp hơn 2 lần so với Mỹ, nước đang đứng đầu thế giới về thiệt hại với 1.040.488 ca mắc và 60.999 ca tử vong.

Thụy Điển là quốc gia có mật độ dân cư thưa thớt và chính sách phong tỏa cũng được triển khai rất khác nhau. Ở phía nam, trong tỉnh Kalmar thì sự hiện diện tại nơi làm việc chỉ giảm khoảng trên 20%.

Tại thủ đô Stockholm, nơi có nhiều điều kiện để làm việc tại nhà, thì sự hiện diện giảm gần 50% - tương đương với Berlin và Hamburg ở Đức.

Tại Đức, một thành phố giống như Stockholm sẽ bị coi là một điểm nóng về Covid-19 cần theo dõi đặc biệt. Số dân của Stockholm - khoảng 10.2 triệu - tương đương với Hamburg mở rộng, nhưng thủ đô Thụy Điển có đến hơn 800 ca tử vong trong khi Hamburg chỉ có khoảng 100 ca - theo thống kê đến giữa tháng 4.

 Covid-19: Tỷ lệ tử vong gấp đôi Mỹ, lý do Thụy Điển vẫn một mình một kiểu và thủ tướng được tín nhiệm chưa từng thấy - Ảnh 2.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven họp báo về tình hình dịch Covid-19 tại Stockholm, ngày 16/4/2020 (Ảnh: Ali Lorestani/TT/EPA)

Ở Thụy Điển quan điểm của các chuyên gia nhà nước rất có ý nghĩa

Những người có trách nhiệm ở Thụy Điển tin rằng, con đường mà họ đang đi là đúng.

Trung Quốc lần đầu tiên liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để thông báo về dịch bệnh bí ẩn tại Vũ Hán vào ngày 31/12/2019. Cho đến nay trên thế giới đã có trên 3.2 triệu ca nhiễm Covid-19 và tiếp tục gia tăng.

Cơ quan Y tế Công cộng (Folkhälsomyndigheten) có vai trò then chốt ở Thụy Điển. Tổng giám đốc cơ quan này, ông Johan Carlson phát biểu trên đài truyền hình Thụy Điển: "Giữ chân người dân bốn, năm tháng trời là một thử nghiệm rất khó khăn."

Ông Carlson giải thích, nước này muốn thành công với phương pháp cho phép duy trì lâu dài mà không gây bức xúc trong người dân. Bằng cách này có thể hạn chế sự lây lan bệnh "một cách tốt nhất".

Quan điểm của chuyên gia nhà nước như Carlson ở Thụy Điển rất có trọng lượng. Vào đầu tháng 4, chính phủ của thủ tướng Stefan Löfven đã được Quốc hội Thụy Điển ủy quyền, cho phép thi hành các biện pháp hạn chế mà không cần trình Quốc hội.

Thủ tướng Löfven vẫn chưa phải kích hoạt quyền hạn này. Theo quan điểm của nhiều người Thụy Điển thì điều đó cũng không cần thiết. Tuy giải pháp hiện nay bị các nhà khoa học như bà Claudia Hanson chỉ trích, song người dân dường như hài long với cách làm của nhà chức trách.

Theo một cuộc khảo sát mới nhất trong gần 6 năm ở cương vị thủ tướng, chưa bao giờ sự tín nhiệm của người dân dành cho ông Löfven cao như hiện nay.

Trả lời phỏng vấn đài NPR của Mỹ hôm 26/4, đại sứ Thụy Điển tại Washington, bà Karin Ulrika Olofsdotter, khẳng định các giải pháp chống dịch của nước này đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở Stockholm.

Bà Olofsdotter nói "khoảng 30% dân số Stockholm" đã được miễn dịch với Covid-19 và thành phố này có thể đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng sớm nhất vào tháng 5.

Theo Xuân Hoài

Cùng chuyên mục
XEM