Covid-19 liệu có làm cho toàn cầu hóa sụp đổ?

25/03/2020 20:00 PM | Xã hội

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm chậm quá trình toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng cúm corona năm 2020 sẽ khiến cho quá trình toàn cầu hóa đảo ngược.

Mỗi ngày trôi qua, sức tàn phá kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày một rõ ràng hơn. Khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã trở nên rõ ràng hơn, thương mại toàn cầu đang suy giảm nghiêm trọng, theo nội dung bài báo được Nikkei đăng tải mới đây.

Thật đáng buồn, phần lớn các nước châu Á xử lý dịch bệnh tốt nhất hiện tại nhiều khả năng sẽ chịu tác động nặng nề nhất: Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày một tách rời nhau, quá trình toàn cầu hóa phụ thuộc vào thương mại mà nhiều nước châu Á đang dựa vào để phát triển sẽ sụp đổ.

Đại dịch sẽ tạo ra cú sốc cung và cầu cho kinh tế thế giới. Ban đầu, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng khi mà hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc bị gián đoạn, tác động làm gián đoạn nguồn cung sản phẩm trên toàn cầu.

Thế nhưng khi mà khủng hoảng đang trở nên tồi tệ hơn, cú sốc nguồn cung sẽ ngày một tồi tệ hơn. Tình trạng nhu cầu chững lại tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay, một thuật ngữ mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dùng khi mà tăng trưởng toàn cầu xuống dưới 2,5%. Thậm chí còn không thể loại bỏ khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm.

Ngày 23/3/2020, các chuyên gia kinh tế thuộc Morgan Stanley đã hạ dự báo về sản lượng kinh tế toàn cầu, theo đó nhóm nền kinh tế công nghiệp phát triển chiếm khoảng nửa tổng GDP của toàn cầu tối đa sẽ chỉ tăng trưởng được 0,3% còn nếu trong trường hợp xấu nhất sẽ suy giảm 2,1%, mức giảm đáng kể ngay cả nếu so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Năm 2008 có nhiều tác động xấu đến kinh tế toàn cầu theo nhiều cách khác. Khi đó, nhu cầu tại Mỹ và châu Âu suy giảm và tác động xấu đến châu Á. Thương mại suy giảm nhanh chóng. Và khi mà tăng trưởng cuối cùng hồi phục lại, thương mại cũng chẳng bao giờ hồi phục lại mức trước khủng hoảng. Dòng chảy đầu tư cũng suy giảm vĩnh viễn.

Xu thế tương tự hoặc tồi tệ hơn nữa cũng có thể đang xảy ra. Tuy nhiên tác động tồi tệ hơn với toàn cầu hóa cũng có thể đến từ những nỗi lực muốn đẩy nhanh quá trình tách rời Mỹ và Trung Quốc.

Tư vấn thương mại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Peter Navarro, vào cuối tháng 2/2020 đã đổ lỗi cuộc khủng hoảng hiện tại có nguyên nhân từ việc chia tách chuỗi cung ứng và rằng chuỗi cung ứng nên được đưa quay lại Mỹ. Chính sách giải cứu dành cho các doanh nghiệp Mỹ đang khó khăn, từ các hãng hàng không cho đến các công ty sản xuất chắc chắn sẽ đi kèm điều kiện họ phải đưa hoạt động sản xuất về nước Mỹ.

Xu thế bảo hộ nhiều khả năng cũng sẽ dâng cao. Một số chính sách bảo hộ thực ra có nguyên nhân từ đại dịch lần này, ví như chính phủ nhiều nước hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế. Tuy nhiên sẽ có thêm nhiều biện pháp hạn chế khác khi mà suy thoái kinh tế ngày một tồi tệ hơn, ví như chính sách hạn chế xuất khẩu thực phẩm vào năm 2008 khiến cho giá thực phẩm toàn cầu tăng.

Quan trọng nhất, nhiều doanh nghiệp sẽ tính toán lại về những yếu tố dễ chịu tổn thương. Mô hình toàn cầu hóa sau năm 2008 được xây dựng bởi những doanh nghiệp như Apple và Boeing bởi họ tìm kiếm nguồn lao động và hàng hóa giá rẻ. Hệ thống đó hoạt động hiệu quả thế nhưng nó mỏng manh và không bền.

Điều đó không đồng nghĩa toàn cầu hóa sẽ sụp đổ. Cuộc khủng hoảng tới đây sẽ đẩy nhanh quá trình của nhiều thay đổi khác diễn ra, ví dụ giúp cho thương mại số phát triển nhanh hơn. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bớt phức tạp hơn, hiệu quả hơn, tốt cho môi trường và vững vàng hơn trước các cú sốc.

Điểm mấu chốt nhất, nó sẽ đảo chiều một hệ thống thương mại với trọng tâm Trung Quốc được xây dựng nên qua nhiều thập kỷ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm chậm quá trình toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng cúm corona năm 2020 sẽ khiến cho quá trình toàn cầu hóa đảo ngược.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM