COVID-19: Hàng loạt nước có ca nhiễm đầu tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản diễn biến phức tạp

29/02/2020 07:47 AM | Xã hội

Những diễn biến mới cho thấy cuộc chiến nhằm kiềm chế SARS-COV-2 vẫn còn đang trong giai đoạn đầu.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) tiếp tục lây lan nhanh chóng trong ngày 28/2 vừa qua, không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn gây gián đoạn nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng - từ các buổi hòa nhạc, các giải đấu thể thao lớn, cho đến các cuộc tập trận chung (của Mỹ và Hàn Quốc).

Trong ngày 28/2, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên hơn 2.800 và tại vùng Hạ Sahara của châu Phi đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới.

Mặc dù Trung Quốc - nơi dịch COVID-19 khởi phát - đã ghi nhận những tiến triển tích cực trong những ngày gần đây, nhưng tình hình tại những "điểm nóng" mới trên thế giới như Hàn Quốc, Italy và Iran - cùng với ca bệnh đầu tiên được xác nhận tại Nigeria - cho thấy cuộc chiến nhằm kiềm chế loại virus mới này vẫn còn đang trong giai đoạn đầu.

Nhiều chuyên gia và quan chức các nước đã bày tỏ lo ngại rằng dịch COVID-19 có thể bùng phát mạnh và lây lan trên diện rộng tại các quốc gia có hệ thống y tế công cộng yếu kém, đặc biệt là tại châu Phi và Mỹ-Latinh.

"Điểm nóng" Hàn Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp

Chỉ trong một thời gian ngắn, số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng chóng mặt, khiến nước này trở thành quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Trong ngày 28/2, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 571 ca nhiễm mới, tiếp tục vượt Trung Quốc về số ca nhiễm mới trong ngày.

Trước những diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, tính đến ngày 28/2 đã có 58 quốc gia trên thế giới quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã khuyến nghị người dân cân nhắc lại về các chuyến đi tới những quốc gia có lệnh hạn chế để tránh những tình huống bất tiện.

Thêm nhiều nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Italy, "tâm dịch" COVID-19 tại châu Âu, tiếp tục gây ra nhiều vấn đề cho các nước láng giềng trong ngày 28/2 vừa qua, khi Bắc Ireland và xứ Wales đều xác nhận có ca nhiễm COVID-19 và 2 trường hợp này đều có lịch sử đi lại liên quan đến Italy.

Một số quốc gia chỉ có vài ca nhiễm COVID-19 vào đầu tuần này tiếp tục chứng kiến số người nhiễm gia tăng trong ngày 28/2. Ví dụ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Đức trong ngày 28/2 đã tăng lên 38, gần gấp đôi so với đầu tuần.

Nước Pháp đã ghi nhận thêm 20 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 28/2, nâng tổng số ca nhiễm lên 38 người. Trong khi đó, nước Anh trong ngày 28/2 không chỉ có thêm 2 ca nhiễm COVID-19 trở về từ "điểm nóng" Iran, mà còn ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch bệnh này.

Một số quốc gia Đông Âu như Belarus, Estonia và Lithuania cũng đã có trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, những người này đều liên quan tới các "điểm nóng" ngoài châu Á như Iran hoặc Italy.

Điều khiến giới chuyên gia lo lắng là chính sách thị thực Khối Schengen của châu Âu có thể khiến diễn biến của dịch bệnh thêm phức tạp, tuy nhiên Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 28/2 vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ siết chặt các quy định nhập cảnh.

Một tỉnh của Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Chiều 28/2, Thống đốc Hokkaido Naomichi Suzuki đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh này trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ lan rộng tại Nhật Bản.

Ông Suzuki đã kêu gọi người dân tỉnh này hạn chế ra ngoài vào ngày cuối tuần, đồng thời, các trường học của tỉnh cũng tạm thời đóng cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bên cạnh hơn 700 ca nhiễm COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess, Nhật Bản đã xác nhận 200 ca nhiễm và 4 ca tử vong do dịch bệnh này.

Trường hợp tử vong được ghi nhận gần đây nhất là một cụ ông 80 tuổi ở tỉnh Hokkaido có tiền sử bệnh lý khác, theo Thống đốc Suzuki. Tỉnh Hokkaido cũng là nơi có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong lãnh thổ Nhật Bản.

Tổng thống Mông Cổ phải cách ly sau khi trở về từ Trung Quốc

Hôm 28/2, Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa và một số quan chức chính phủ khác đã bắt đầu thời gian cách ly 14 ngày sau khi trở về từ Trung Quốc, theo hãng thông tấn nhà nước Montsame.

Được biết, Tổng thống Battulga, Ngoại trưởng Mông Cổ và một số quan chức cấp cao của nước này đã gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 27/2.

Ông Battulga là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có chuyến thăm chính thức Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mông Cổ vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào, dù nước này nằm ngay sát Trung Quốc. Tuy nhiên, để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, Mông Cổ đã tạm thời áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các trường học của nước này phải tạm thời đóng cửa cho đến hết tháng 3, và việc xuất khẩu than sang Trung Quốc cũng phải tạm thời hoãn lại cho đến giữa tháng 3 tới.

WHO nâng cảnh báo lây nhiễm lên mức cao nhất ở phạm vi toàn cầu đối với COVID-19

Trong cuộc họp báo tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28/2 tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tình trạng số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng và ngày càng có thêm nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng cho thấy đây là điều "đáng lo ngại".

"Chúng tôi đã quyết định nâng mức cảnh báo về nguy cơ COVID-19 lây lan và ảnh hưởng của dịch bệnh này ở cấp độ toàn cầu lên mức rất cao", ông Ghebreyesus tuyên bố.

"Chúng ta vẫn chưa thấy bằng chứng về việc loại virus này có thể tự do phát tán trong cộng đồng. Do đó, chúng ta vẫn còn cơ hội kiềm chế nó", người đứng đầu WHO trấn an dư luận.

 COVID-19: Hàng loạt nước có ca nhiễm đầu tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM