Công Vinh: "Kẻ to gan" dám làm cầu thủ tử tế trong nền bóng đá chưa tử tế
Khi tiếng Quốc ca vang lên trong lễ chào cờ trước trận bán kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia ngày 7/12, người ta đã nhìn thấy những giọt nước mắt của Công Vinh.
1. Như đã biết, đây sẽ là giải đấu quốc tế cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của anh. Và có lẽ Công Vinh , luôn biết mình, biết người, đã linh cảm đây là trận đấu cuối cùng. Ước gì anh đã sai.
Đây là lúc để chúng ta nhìn nhận một thực tế, nếu nói về cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam xuất sắc nhất cho đến thời điểm hiện nay, chỉ có Công Vinh.
Lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, từ thời còn mang tên "bán chuyên", đã hơn một con giáp, gần như không mùa nào tên Công Vinh không được nhắc đến.
Xuất thân từ lò SLNA, khởi đầu không hề thuận lợi khi bị đánh giá "kém gần nhất" trong lứa bạn bè, không chen được chân vào đội hình U16 đình đám năm 2000 với Văn Quyến, Ánh Cường, nhưng 1 năm sau Công Vinh vẫn được gọi vào đội tuyển U20 quốc gia.
Và đến năm 2003 thì Vinh chính thức thi đấu tại V.League khi mới 18 tuổi. Bây giờ đấy như là kỳ tích, nhưng thời đó thì "cũng thường thôi". Văn Quyến, Thanh Bình còn đình đám hơn nhiều.
Bước ngoặt đầu tiên cho Công Vinh là JVC Cup 2003. Như người ta nói, trong cái rủi có cái may, khi hầu hết đội hình chính của SLNA được triệu tập vào U23, Công Vinh mới được đá vị trí của Văn Quyến ở CLB. Đội U23 Việt Nam trong giải đấu ấy, giờ vẫn thi thoảng được nhắc đến với nghi án bán độ của Như Thành. Còn CV9 đã cùng SLNA vô địch, ngay tại Mỹ Đình.
Cũng từ đó tiền đạo này thường xuyên được gọi lên đội tuyển, bất kể với ông thầy nào, cho dù không hẳn thư mời đã kèm lời bảo đảm cho suất đá chính.
Năm tiếp theo - 2004, Vinh là cầu thủ xuất sắc nhất V.League, cũng chỉ 19 tuổi, không hề than phiền về khó khăn "bị đàn anh hội đồng" như một vài thần đồng khác sau này. Nhưng danh hiệu ấy vẫn đến sau Văn Quyến 1 năm, và cũng vì thế Công Vinh chỉ là lựa chọn thứ 2 sau Văn Quyến ở cả CLB lẫn trên đội tuyển.
Rồi sự kiện Bacolod kinh hoàng của bóng đá Việt Nam ập đến, khi già nửa đội hình chính của ĐTQG chuyển sang "thi đấu cho T16", vô tình tạo điều kiện cho cầu thủ gốc Quỳnh Lưu này trở thành tiền đạo số 1 Việt Nam, và giữ vững vị trí đó cho đến tận hôm nay. Đúng hơn là hôm kia.
2. Sau tất cả, liệu bóng đá với Công Vinh có chăng toàn là vinh quang?
Công Vinh, top 10 cầu thủ thế giới ghi bàn nhiều nhất cho ĐTQG hiện còn thi đấu.
Công Vinh, cầu thủ nội từng có giá chuyển nhượng cao nhất Việt Nam.
Công Vinh, cầu thủ Việt Nam duy nhất thi đấu tại giải VĐQG châu Âu, ghi bàn tại Cúp QG châu Âu.
Công Vinh, cầu thủ Việt Nam duy nhất ghi bàn trong trận đấu chính thức tại 1 giải Nhật Bản (và cả nhận thẻ đỏ).
Công Vinh, cầu thủ Viêt có thu nhập từ quảng cáo, đóng phim, đóng MV... cao nhất Việt Nam.
Cũng có thể kể thêm, Công Vinh tự thi đỗ đại học Luật, tự học và tự sử dụng tiếng Anh mà không cần "các chú" sắp xếp. Tự mua nhà, lấy vợ cho mình. Tích cực giúp đỡ cộng đồng trọng các hoạt động thiện nguyện thầm lặng.
Nhưng oái ăm thay, cầu thủ được đóng đinh với hình ảnh bóng đá Việt Nam lần duy nhất đạt được danh hiệu chính thức ở vùng trũng Đông Nam Á lại bị ghét!
Hồi đầu năm nay, cả cộng đồng mạng hào hứng chia sẻ câu trích từ 1 chương trình hài "Giàu thì chúng nó ghét...". Với Công Vinh, phải chăng chỉ đơn giản là "Tử tế thì chúng nó ghét"?
3. Cầu thủ Việt , theo mặc định của báo chí và người hâm mộ, phải là bọn quần đùi áo số chỉ biết ăn rồi chạy, ngày đá cho hay để được khen đấy, nhưng tối phải rượu chè gái gú, có tiền rồi thì phải hút hít cờ bạc, ngoài 30 là phải bệ rạc từ đá phủi đến bán độ, vào tù rồi gia đình ly tán.
Có thế mới là chủ đề cho câu chuyện bên ấm trà hay vại bia mà người bàn chốt lại bằng cái chép miệng. Dường như cả bàn tiệc ai cũng sẽ sang trọng hơn.
Mà "thằng" Công Vinh này lại không thế!
Năm 2014, khán đài sân Mỹ Đình. Trong trận cầu mà Việt Nam đột nhiên thua, trong khi không chỉ 40 ngàn khán giả trên sân, mà cả triệu người xem TV tin là thắng. Những phút cuối, tất cả những người tự gọi mình là cổ động viên, nếu không im bặt rầu rĩ thì quay ra chửi bới đội nhà.
Mình Công Vinh chạy dưới sân từ thúc ép đến nài nỉ cổ động viên hãy ủng hộ cầu thủ. Sự tuyệt vọng đong đầy trong mắt anh!
AFF Cup 2016, cũng lại hình ảnh đấy trên sân Yagon. Trước khi các cả nước có dịp hồ hởi về những "quân bài trong tay áo" của HLV Hữu Thắng, những đường chuyền ma mị của Xuân Trường, hay những "điểm yếu nhỏ cần điều chỉnh" nơi hàng thủ. Và đương nhiên, những giọt nước mắt trên sân Mỹ Đình tối 7/12.
Chính vì thế mà Công Vinh bị ghét?
Và có lẽ Công Vinh bị ghét ngay từ chính sự kiện Bacolod 2005, dám ghi bàn vào lưới Myanmar khi đồng đội quyết thua. Hay khi cả đội ra về nhưng vẫn nán lại tập luyện. Ghét bởi đồng nghiệp, bởi báo chí, bởi cả người hâm mộ.
Ghét đến mức, khi một người cũng bị ghét ở bóng đá Việt Nam, một HLV lão làng tuyên bố chả cần biết Công Vinh là ai, lãnh đạo mua thì kệ, chưa chắc tôi đã cho đá, thì được "giới mộ điệu" hả hê chia sẻ.
Ghét đến mức, khi CV trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài bằng tiếng Anh, điều không chỉ hiếm trong giới bóng đá, mà trong cả nhiều lĩnh vực "IQ cao" hơn nhiều của người Việt, dư luận cũng săm soi đàm tiếu.
Ghét đến mức, khi trận trước anh vừa ghi bàn cứu rỗi cả giải đấu, đến trận sau, vì sơ đồ thi đấu phải lùi về sau Văn Quyết, trên mạng lập tức tràn ngập các bình luận như "Công Vinh tàu ngầm", "tàng hình rồi, sao không thay ra".
Và ngay cả những HLV "dám" dùng anh trong đội hình xuất phát cho trận cầu mà anh không ghi bàn, cũng có thể bị chỉ trích là thiên vị, không cho 1 cái tên hi vọng hay triển vọng nào đó vào sân. Cho dù cái tên đó được ra sân cũng chỉ gặt hái sự thất vọng.
4. Người viết đã thử làm cuộc khảo sát nhỏ, ngay trước thềm AFF Cup, và kết quả là từ "fan ruột" đến "fan phong trào", 90% không dấu giếm cái sự ghét Công Vinh. Và kỳ lạ thay, 100% không giải thích được chính xác tại sao ghét. Nào là tại đọc báo, nào là tại hội bạn nói... không có gì liên quan đến bóng đá!
Nếu ở một nền bóng đá khác, một nền văn hóa khác, Công Vinh - với những gì đã nhắc ở trên, hoàn toàn có thể là hình ảnh đại diện cho giới cầu thủ, một nghề nghiệp tử tế như mọi nghề khác. Kiểu Beckham chẳng hạn.
Mà thật ra thì Công Vinh cũng từng được ví với Beckham. Nhưng với thông điệp khác hẳn và cảm nhận khác hẳn, đầy dè bỉu chê bai. Đến mức vì thế mà anh mất cái hợp đồng 10 tỷ. May mà vẫn ký được hợp khác. Nhưng cũng có thể là không may chưa biết chừng!
Vậy thì, "đã đến lúc nói câu giã từ", như lời một bài hát. Bóng đá là nghề, thì Công Vinh đã phấn đấu và cống hiến hết mình cho nghề, và nghề cũng đã cho Công Vinh nhiều đấy. Tiền tài, danh hiệu. Nhưng không hơn.
Chữ Vinh trong tên anh dường như không trọn vẹn. Không rõ sẽ có trận đấu chia tay Công Vinh hay không, nếu không thì thật đáng tiếc. Vì, như vậy lỗi của Công Vinh là dám làm cầu thủ tử tế của nền bóng đá chưa tử tế, trong nền văn hóa không tử tế.