Công ty Trung Quốc đang 'hớt váng' thị trường P2P Lending Việt Nam?
Một số công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang vào Việt Nam. Trên thị trường được cho là xuất hiện không ít hình thức biến tướng P2P Lending, lợi dụng tình trạng pháp lý, quy định chưa rõ ràng. Theo giới chuyên gia, thị trường cho vay ngang hàng Việt Nam có thể bị nhìn nhận tiêu cực nếu có tiền lệ xấu tạo ra bởi các công ty không minh bạch.
P2P Lending bùng nổ
Với sự phát triển của công nghệ, cho vay ngang hàng (P2P Lending) xuất hiện và trở thành một nhánh của fintech tại Việt Nam. Đây là mô hình kinh doanh mới kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hoá.
Trung Quốc là một trong những thị trường có giai đoạn bùng nổ các công ty cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, thị trường này sau đó đã nhanh chóng thoái trào. Theo Nikkei, trong năm 2018, số công ty cho vay ngang hàng tại Trung Quốc giảm 25%, xuống còn hơn 1.000. Thị trường cũng ghi nhận việc Goldman Sachs, Citigroup, JPMorgan và Credit Suisse đồng loạt huỷ bỏ thoả thuận làm bảo lãnh cho các công ty cho vay ngang của Trung Quốc do lo ngại về tương lai đầy bất ổn của loại hình này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ là do thiếu các chính sách và cơ chế giám sát đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng khiến các hình thức giả mạo xuất hiện, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Theo Bloomberg, nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có khoảng 50 triệu người đăng ký và có khoảng 192 tỷ USD nợ xấu với lãi suất trung bình 10,2% vào năm 2018.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ NHNN vào tháng 3, 40 công ty cho vay ngang hàng như Tima, Trustcircle, We Cash, Interloan, Lendbiz… hoạt động với 10 đơn vị có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia, Malaysia, Singapore…
Trong khi đó, số liệu được ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech công bố vào tháng 7 cho thấy có khoảng 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ P2P Lending của Trung Quốc tràn sang Việt Nam sau khi mô hình này đổ vỡ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang "hớt váng" tại thị trường P2P Lending Việt Nam. Ảnh: Yourstory. |
Rủi ro của công ty P2P Lending Trung Quốc
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Trần Việt Vĩnh, CEO CTCP Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin, một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng tại Việt Nam cho biết có không ít rủi ro khi các công ty P2P Trung Quốc hoạt động tràn lan tại Việt Nam.
Trước tiên, người vay sẽ phải chịu lãi suất rất cao bởi những công ty này đang “hớt váng" thị trường. Khi pháp lý chưa rõ ràng, các đơn vị này cho vay dễ dàng với lãi suất cao. Mặt khác, công ty này thực hiện việc thu hồi khoản vay khá phiền toái, ảnh hướng đến người xung quanh. "Những điều này tạo ra một hệ lụy là người dân của chúng ta sẽ có thói quen hành vi dễ dàng vay tiền, chấp nhận vay nhưng cũng tạo ra hành vi sẽ dễ 'bùng nợ', và sau đó là bị đòi nợ rất phiền toái", ông Vĩnh nhận định.
Chính những hành vi này, theo ông Vĩnh, sẽ khiến tâm lý người dùng bị hư hỏng, thị trường cũng bị nhìn nhận tiêu cực, "nếu không loại bỏ những công ty phi pháp thì đến một lúc cho vay online trở thành hình tượng xấu trong xã hội, từ đó ảnh hưởng đến các công ty cho vay ngang hàng minh bạch".
Trên góc nhìn chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận luật pháp Việt Nam hiện chưa có quy định về hình thức cho vay này và cũng không có một hành lang pháp lý điều chỉnh nên hoạt động cho vay ngang hàng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho những người tham gia.
Đồng quan điểm này, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, hình thức P2P Lending tiềm ẩn rủi ro do chưa có khung pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, đây là loại hình không nên và cũng không thể cấm. Vấn đề là cần có biện pháp quản lý để tránh biến tướng theo kiểu tín dụng đen, đa cấp trá hình.
Nói với Người Đồng Hành, ông Vĩnh cũng đề cập thực tế có những công ty làm biến tướng mô hình vay ngang hàng dưới một số hình thức như sử dụng trực tiếp vốn để cho vay, không kết nối nhà đầu tư với người có nhu cầu; hoặc lợi dụng để huy động vốn, chiếm dụng vốn và sử dụng sai mục đích dẫn đến đổ vỡ, tương tự như thị trường Trung Quốc. Khi sụp đổ thì toàn bộ hoặc một phần nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng và ngành dịch vụ cho vay ngang hàng sẽ chịu tác động khi chưa kịp lớn đã có nguy cơ bị ngăn chặn.
Một trong những điểm khác biệt giữa công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng thực chất với các đơn vị Trung Quốc là tính kiểm soát và cơ chế thu hồi nợ. Các công ty hoạt động đúng theo mô hình sẽ đánh giá năng lực, khả năng tài chính của bên đi vay và cho vay, trước khi kết nối dịch vụ, điều này nhằm giảm thiểu rủi ro cho 2 phía. Trong trường hợp bên đi vay thực sự không thể trả được nợ, ông Vĩnh cho biết, các công ty theo mô hình chuẩn sẽ tạo cơ chế hỗ trợ kéo dài thời gian trả nợ, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, người cho vay.
Trong khi đó, bà Đào Trang, CEO Vaymuon.vn, đơn vị thuộc Nexttech cho biết, một điểm quan trọng trong quy trình của vay ngang hàng là tiền của nhà đầu tư phải chuyển đến người vay thông qua tài khoản trung gian thanh toán hoặc các tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép. Các công ty Trung Quốc hoặc không đúng mô hình P2P Lending không thực hiện đúng quy trình này.
Chờ pháp lý
Trước thực trạng thị trường cho vay ngang hàng như hiện nay, bà Trang kỳ vọng hành lang pháp lý đối với loại hình này sớm được ban hành, để các công ty cung cấp dịch vụ có đường lối hoạt động thông suốt. Bên cạnh đó, sau khi có hành lang pháp lý, các doanh nghiệp P2P Lending cũng sẽ được phân loại rõ ràng, và từng bước củng cố, xây dựng niềm tin của người dân với loại hình này.
Trong khi đó, CEO Trần Việt Vĩnh của Fiin, nói các cơ quan quản lý cần tham khảo mô hình cho vay ngang hàng tại các nước trên thế giới. Thế giới có những bài học thành công và thất bại, đổ vỡ như Trung Quốc. Cơ quan chức năng có thể xây dựng mô hình quản lý và thí điểm trong từng khuôn khổ, lĩnh vực nhất định, phạm vi nhất định để kiểm soát dòng tiền từ người đầu tư, người cho vay đến người vay tiền và mục đích sử dụng tiền vay. Qua đó, thị trường có thể giảm thiểu rủi ro, lừa đảo, nợ xấu phát sinh.
Về vấn đề "lọc" các công ty biến tướng của Trung Quốc ở Việt Nam, ông Vĩnh cho biết điều này không khó. Bản chất là các đơn vị này lợi dụng tình trạng pháp lý chưa rõ ràng để cho vay lãi suất cao thông qua môi trường trực tuyến, tương đương cho vay nặng lãi, "chỉ cần thử 1, 2 giao dịch sẽ phát hiện ngay". Khi truy xuất các dữ liệu về doanh nghiệp, thông tin của các đơn vị này và pháp nhân liên quan cũng sẽ lộ diện, "nếu thêm một bước kỹ thuật có thể biết được nền tảng công nghệ sử dụng được phát triển bởi Việt Nam hay nước ngoài. Ông Vĩnh cũng đề xuất Việt Nam nên sớm có thể triển khai định danh và xác thực điện tử, đồng thời tiến hành "sandbox" lĩnh vực P2P Lending.
Thực tế, NHNN đã chủ trì xây dựng khung pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng và sẽ trình Chính phủ cho thí điểm hoạt động này trong thời gian tới. Chia sẻ với Người Đồng Hành bên lề một sự kiện Fintech tại Hà Nội, ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán NHNN, cho biết ngân hàng đang phối hợp với các bộ ban ngành để xây dựng. NHNN sẽ đóng vai trò đầu mối, kết nối.
Sandbox là thuật ngữ về “khung điều chỉnh thử nghiệm”, môi trường để các cơ quan quản lý dễ dàng giám sát và bớt thời gian nghiên cứu thực nghiệm đưa ra các luật mới, khung pháp lý mới. Sandbox cho phép và khuyến khích tất cả các doanh nghiệp hoặc những dự án nằm trong box đó, đồng thời theo dõi, quan sát khả năng phát triển và những chuyển biến của các ứng dụng công nghệ như thế nào. |