Công ty nào bỏ 255 tỷ mua lại "nồi cơm" lớn nhất của "đại gia phố núi" Đức Long Gia Lai?

04/10/2024 08:46 AM | Bất động sản

DL1 từng là công ty con của DLG khi mới thành lập. Đến ngày 30/06/2017, DLG đã thoái toàn bộ vốn tại DL1.

Công ty nào bỏ 255 tỷ mua lại "nồi cơm" lớn nhất của "đại gia phố núi" Đức Long Gia Lai?- Ảnh 1.

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) cho biết ngày 31/07, DLG đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited cho CTCP Tập đoàn Alpha Seven (mã: DL1) với giá trị 255 tỷ đồng. Đến nay, DLG đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để thoái vốn theo quy định.

Đơn vị mua lại phần vốn góp tại Mass Noble của DLG - DL1 tiền thân là chi nhánh Bến xe Liên tỉnh Đức Long Gia Lai thuộc xí nghiệp tư doanh Đức Long Gia Lai. Sau khi cổ phần hóa vào năm 2007, Công ty có tên CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai. Năm 2020, Công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Năng lượng Tái tạo Việt Nam. Đến năm 2021, Công ty lại đổi tên thành CTCP Tập đoàn Alpha Seven như hiện nay.

DL1 hiện có trụ sở  chính tại TP. Thủ Đức (TPHCM). Vốn điều lệ hơn 1.062 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực: Điện tử công nghệ cao, Năng lượng tái tạo, Cơ sở hạ tầng - BOT, Bến xe - Bãi đỗ, Bất động sản, Thương mại dịch vụ, Đầu tư tài chính.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, DL1 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 166 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng trưởng liên tục từ năm 2019 tới nay.

Công ty nào bỏ 255 tỷ mua lại "nồi cơm" lớn nhất của "đại gia phố núi" Đức Long Gia Lai?- Ảnh 2.

Năm 2024, DL1 đặt mục tiêu doanh thu thuần 450 tỷ đồng và lợi nhuận 76 tỷ đồng.

Mối quan hệ thân thiết với DLG

DL1 từng là công ty con của DLG khi mới thành lập. Theo đó, tại thời điểm thành lập công ty năm 2007, DL1 có vốn điều lệ 9,5 tỷ đồng, DLG góp 8,2 tỷ đồng, nắm 86,3% vốn điều lệ, bằng giá trị tài sản thuộc bến xe Đức Long Gia Lai.

Đến ngày 1/4/2016, DL1 tăng vốn từ 31,42 tỷ lên 152,19 tỷ nhưng DLG không tham gia góp vốn bổ sung nên tỷ lệ sở hữu giảm từ 54,67% xuống 11,29% không còn nắm quyền kiểm soát DL1. Đến ngày 30/06/2017, DLG đã thoái toàn bộ vốn tại DL1.

Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất của DL1, sở hữu 24,01% vốn điều lệ là ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT của DLG. Công ty TNHH Global Capital do ông Bùi Pháp làm chủ sở hữu cũng sở hữu 4,48% vốn điều lệ của DL1.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT DL1 Nguyễn Văn Quý từng đảm nhiệm chức vụ Phó ban đầu tư tại DLG trong thời gian từ tháng 9/2009-8/2010. Từ tháng 8/2010, ông Quý là Phó Giám đốc Công ty BOT và BT Đức Long Đắk Nông – công ty con của DLG.

Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DL1 - ông Nguyễn Đình Trạc cũng từng có thời gian dài làm việc tại DLG. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của DLG, ông Trạc giữ chức vụ quan trọng ở các công ty con của DLG như: Giám đốc của Mass Noble, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Công ty BOT và BT Đức Long Đắk Nông, Thành viên HĐQT Công ty BOT và BT Đức Long Gia Lai và CTCP Đầu tư và Phát triển Điện năng Đức Long Gia Lai.

Mass Noble là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ, nhà máy đặt tại Tp.Đông Quảng (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 40,000m2 (5 tầng), tập trung sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp dùng cho nội thất, xe ô tô, đường phố và đường cao tốc; màn hình LCD… Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Từ năm 2016 - sau khi mua lại Mass Noble thì linh kiện điện tử là mảng đem lại doanh thu chính cho Đức Long Gia Lai cho đến nay. Tuy nhiên, doanh thu mảng này đã đạt đỉnh vào năm 2019 và suy giảm liên tục. Năm 2023, doanh thu từ mảng linh kiện điện tử là 573 tỷ, cùng với doanh thu 449 tỷ từ BOT 'gồng gánh' cho đại gia phố núi.

Theo Ngọc Điệp

Cùng chuyên mục
XEM