Công ty mẹ Viettel Global kinh doanh ra sao?
Tỷ giá, lạm phát tại Myanmar tăng mạnh đã làm tăng chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của Mytel.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 27/4 tại Hà Nội.
Tăng trưởng trên hầu hết các thị trường
Viettel Global cho biết, năm qua công ty có thêm 2,38 triệu thuê bao viễn thông, hoàn thành 95% kế hoạch. Việc không hoàn thành kế hoạch là do Halotel giảm 125 nghìn thuê bao bởi ảnh hưởng chính sách của cơ quan quản lý nước sở tại chặn cắt thuê bao thiếu thông tin, cắt giảm khuyến mại free. Bên cạnh đó, Unitel giảm 113 nghìn thuê bao do đối thủ bán phá giá, công ty nắm bắt và điều chỉnh chính sách chưa kịp thời.
Thuê bao số của Viettel năm qua tăng 8,6 triệu vượt 43% kế hoạch đề ra.
Năm 2022, hầu hết các thị trường Viettel Global đầu tư có mức tăng trưởng doanh thu cao như Movitel tại Mozambique tăng 30%, Mytel tại Myanmar tăng 23%, Lumitel tại Burundi tăng 18%, Telemor tại Đông Timor tăng 17%, Halotel tại Tanzania tăng 14%, Metfone tại Campuchia tăng 6%.
Riêng Natcom tại Haiti và Unitel tại Lào do ảnh hưởng bởi tỷ giá quy đổi biến động nhiều nên không tăng trưởng, nhưng nếu đánh giá theo đồng bản tệ thì Natcom tăng 40% và Unitel tăng 19%.
Kết quả, báo cáo tài chính của Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 23.630 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 3.000 tỷ đồng tỷ đồng. So với năm trước, doanh thu Viettel Global tăng 22,8% và lợi nhuận tăng 242%.
Công ty mẹ bất ngờ lỗ lớn do trích lập dự phòng tại Myanmar
Tuy nhiên, trên báo cáo công ty mẹ, Viettel Global bất ngờ ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4.020 tỷ đồng và lỗ sau thuế 4.413 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán Deloitte đã ngoại trừ 2 vấn đề trên báo cáo tài chính.
Thứ nhất là khoản phải thu khách hàng, phải thu về cho vay, phải thu ngắn hạn khác với Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR) với tổng số tiền 8.437 tỷ đồng. Trong đó công ty đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu VCR với số tiền 6.772 tỷ đồng.
Giải trình ý kiến này, Viettel Global cho biết, công ty đã thận trọng áp dụng theo hướng dẫn tại Điểm b Điều 10 Thông tư 202/2014/TT/BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất chuyển khoản đầu tư vào Công ty VCR từ khoản đầu tư vào công ty con sang khoản đầu tư dài hạn khác do đến ngày phát hành báo cáo kiểm toán, Công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính trên 12 tháng.
Ngoài ra, Công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính và thư xác nhận nợ nên kiểm toán viên chưa có đủ cơ sở đánh giá Viettel Global có thể thu hồi tất cả các khoản nợ phải thu đối với Công ty VCR.
Thứ hai là ý kiến ngoại trừ đối với việc trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào công ty Mytel trên báo cáo tài chính riêng lẻ với tổng số tiền 3.369 tỷ đồng (tổng số tiền đầu tư vào Mytel là 3.878 tỷ đồng).
Ngày 21/10/2022, Myanmar bị tổ chức lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF đưa vào tăng cường kiểm soát. Tỷ giá, lạm phát do đó tăng mạnh làm tăng chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của Mytel. Bên cạnh đó, việc khan hiếm ngoại tệ khiến Mytel khó khăn trong việc chuyển đổi tiền bản tệ sang USD để trả nợ cho Viettel Global.
Kế hoạch 2023: M&A ít nhất 1 thị trường, đem về 1.200 tỷ đồng doanh thu
Sang năm 2023, Viettel Global đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 28.000 tỷ đồng tăng trưởng 2% so với năm 2022. Kế hoạch lợi nhuận không có con số cụ thể, mà Viettel Global đặt mục tiêu tối thiểu đạt dương và kỳ vọng tương đương lợi nhuận 2022.
Số lượng thuê bao trong năm tới dự kiến tăng thêm 2 triệu và số lượng thuê bao số tăng thêm 6 triệu.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là M&A thành công ít nhất tại 1 thị trường, mang lại nguồn doanh thu bổ sung khoảng 55 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi vốn tại các thị trường đang đầu tư.