Công thức '5 rõ' của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung

04/06/2016 17:33 PM | Xã hội

“Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố sẽ quyết tâm đổi mới bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại Hội nghị Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển ngày 4/6.

Hà Nội - Thành phố khởi nghiệp

Ông Chung cho biết, Chính quyền Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Cụ thể, Thành phố Hà Nội sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp. Ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển các hoạt động phi chính thức sang chính thức trên diện rộng bằng các việc làm cụ thể như: hỗ trợ, làm thủ tục từ hộ kinh doanh cá thể sang DN; hỗ trợ đào tạo để từ chủ hộ kinh doanh thành chủ các DN; hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai...

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội phấn đấu có thêm 200 nghìn DN được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả.

Ông Chung khẳng định, Hà Nội xác định DN là động lực của sự phát triển. Trong đó, DN dân doanh, đầu tư nước ngoài và của các DN nhỏ và vừa giữ vai trò quyết định.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, Hà Nội sẽ thực hiện mô hình “liên thông” tập trung giải quyết thủ tục đầu tư tại một địa điểm. Tăng cường đối thoại chính quyền - DN. Công khai minh bạch các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất...

Đặc biệt, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, chấm dứt việc thanh tra chồng chéo.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký DN qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.

Hà Nội duy trì tỷ lệ thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%.Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch. Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với Quy định.

Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố sẽ quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Hà Nội quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và hiện thực hóa các cơ hội trong hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thành phố cũng sẽ khuyến khích các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng khung: giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông…

Trong hội nghị này, Hà Nội kêu gọi vào 3 lĩnh vực chính: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung; đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ; đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế..

Từ đầu năm đến 31/5/2016, Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước (68 dự án) với số vốn tăng 2,44 lần (70.421 tỷ đồng).

Số vốn thu hút theo hình thức PPP tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011-2015. Số vốn của doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,63 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 9.367 doanh nghiệp, tăng 23%.Thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng đầu năm đã đạt hơn 50% dự toán.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%.GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD. Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.

Theo Duy Anh

Cùng chuyên mục
XEM