Phượng không quá đẹp trai, nếu xét theo tiêu chí hotboy hoặc soái ca. Nhưng anh có một gương mặt cá tính, và cá tính nhất trên gương mặt ấy là cái bặm môi.
Đấy là cái nét “di truyền” từ người mẹ. Một người mẹ tảo tần, vất vả, cả đời chưa bao giờ biết sung sướng là gì. Nhiều người cứ nghĩ bà Hoa hạnh phúc vì là “mẹ Công Phượng”, kỳ thực, Công Phượng hầu như sống với thiên hạ là nhiều, còn với bà Hoa, những giây phút ôm con của bà vô cùng ít ỏi. Khi thiên hạ ca ngợi Phượng, bà chỉ thở hắt ra như trút được gánh nặng trong lòng. Khi thiên hạ xỉa xói, đơm đặt Phượng, bà lại ôm nỗi buồn tủi cô đơn. Và bà cắn môi cam chịu.
Đôi môi của Phượng giống hệt bà Hoa, ít nói ít cười và thường mím chặt cùng với ánh mắt đăm chiêu. Nó khép vào trong đó thật nhiều tâm tư, uẩn ức. Đôi khi, Phượng ghi những bàn thắng mà vẻ mặt anh vẫn kém vui. Chỉ có những khoảnh khắc bùng nổ như cú sút tung nóc lưới Olympic Bahrain đêm qua, Phượng mới thực sự sống với những cảm xúc trào dâng của chính mình.
Có những cầu thủ tài năng nhưng số phận như trêu ngươi họ, luôn bắt họ phải minh chứng phẩm chất của mình từ những gì cay nghiệt nhất. Công Vinh chẳng hạn. Và cả Công Phượng nữa.
Phượng khác Vinh ở chỗ anh được công nhận ngay từ khi còn là một đứa trẻ chân đất ở lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng công nhận là một chuyện, để sống yên lành với sự công nhận ấy lại là một câu chuyện khác.
Cùng lứa cầu thủ trẻ triển vọng của nhà bầu Đức, Công Phượng vừa chớm bước chân vào lãnh địa của những niềm hy vọng mới cho bóng đá nước nhà - thì đã phải chịu cú sốc có lẽ là quá lớn so với độ dày dạn của anh. Nghi án gian lận tuổi nhắm vào Công Phượng, có lẽ không phải vì sự công bằng hay minh bạch, mà chỉ đơn giản vì Phượng lúc ấy là “mỏ vàng” của truyền thông.
Phượng có điêu đứng không? Chẳng ai dám chắc điều gì, khi anh bặm môi lại và chọn cách im lặng vượt qua giông bão. Phượng đã làm được, nhưng anh già đi nhiều tuổi. Và ở quê nhà, ông Bảy, bà Hoa tóc bạc mắt thâm, từ chỗ xởi lởi, chân tình với các anh chị phóng viên đã phải khoá cửa không tiếp khách, và run lên vì sợ, vì giận khi nghe tiếng máy ảnh xoạch xoạch từ nhà báo.
Đến lúc này, chuyện Phượng sinh năm 1993 hay 1995 không còn quá quan trọng với người hâm mộ Việt Nam. Cái mà họ cần là một ngôi sao đủ năng lượng để sáng lên ngay cả trong những đêm thời tiết xấu.
Chưa dừng ở đó, bất cứ thứ gì liên quan đến Công Phượng đều là những đề tài nóng hổi và ăn khách, nên chuyện tình cảm của cầu thủ này đương nhiên cũng trở thành áp lực với anh. Hoà Minzy đã có thời điểm là cái tên “đính kèm” Công Phượng. Nhất cử nhất động của anh chàng đá bóng đều dính dáng đến cô ca sĩ. Và người ta buông lời ca thán, Phượng xao nhãng sự nghiệp vì dính đến tình yêu sớm.
Anh chọn cách trả lời bằng những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp, trong số đó có cú sút như trái phá trên sân Thống Nhất vào lưới U19 Hàn Quốc năm 2015 – một siêu phẩm trong mưa. Nhưng mối quan hệ với Hoà Minzy, ít nhất đến thời điểm này, đã là dang dở.
Phàm ở đời, lắm kẻ yêu thì cũng nhiều người ghét. Công Phượng có thể là thần tượng của những ai trót mê đắm lứa trẻ nhà bầu Đức, nhưng cũng có thể là cái gai trong mắt phần đối nghịch. Có một bộ phận “anti bầu Đức” và ác cảm luôn với HAGL, như thể chúng mãi là những đứa trẻ trong tủ kính để hưởng đặc ân. Họ chỉ trích, chê bai HAGL trong những bước chân chật vật ở V.League, và xoáy vào Công Phượng với những biểu hiện nóng giận của anh trong một vài trận đấu khó khăn gần đây. Những mũi tên này bắn vào Công Phượng ngay trước đợt tập trung đi Asiad 18.
Đổi lại, Phượng chọn cách tập luyện thật chăm và giữ vẻ mặt thật “tỉnh”. Anh đã từng trải qua những thử thách còn nghiệt ngã hơn nhiều nên đã… miễn dịch rồi. Hai quả phạt đền đá hỏng trong một trận ngay tại vòng bảng Asiad cũng không làm Phượng chùn bước. Và kết quả là một Công Phượng bước ra từ băng ghế dự bị đã viết thêm một dấu son nữa cho lịch sử bóng đá Việt Nam.
Nói Phượng hồi sinh thì không hẳn đúng, mà cũng chẳng sai. Trước khi ông Park đến, Phượng vẫn luôn là người được chọn, dù HLV có là Miura hay Hữu Thắng. Nhưng hiếm khi đó là một Công Phượng đĩnh đạc, tự tin và hoà đồng trong tư thế của một cầu thủ lớn.
Phượng vẫn chỉ là một cầu thủ trẻ với cái gì đó “dị dị” trong cách chơi chẳng giống ai. Miura chưa khai thác hết tiềm năng của Công Phượng, dù anh đã có một kỳ SEA Games 2015 chẳng đến nỗi nào. Hữu Thắng dùng Công Phượng có uốn nắn hơn một chút, nhưng cũng không giúp anh lớn thêm được bao nhiêu. Thất bại của hai triều đại ấy cũng có thể coi là thất bại của cá nhân Công Phượng, khi anh cứ loay hoay mãi mà không thoát ra khỏi tấm áo từng được thầy Giôm mặc cho ở Gia Lai.
Đấy là tấm áo đặc ân, nơi mà lối chơi của cả tập thể xuất sắc và ăn ý xoay quanh Công Phượng. Ở đó, Phượng là một cánh chim tự do, đá tuỳ hứng và được phục vụ. Lên tuyển lớn hay U23 Việt Nam, dù có những thời điểm quân Gia Lai là nòng cốt, Phượng không thể cứ duy trì mãi lối chơi ấy và quyền lợi ấy. Anh mờ dần đi trong sự đấu tranh với bản thân (thay đổi hay không thay đổi) và trong ánh nhìn nghi hoặc từ dư luận (Phượng tài năng thật hay chỉ là ăn mày dĩ vãng).
Nhưng thật may, Park Hang-seo đến và một Công Phượng khác được sinh ra.
Không phải bằng sự nuông chiều, đấy là điều rõ nhất. “Ngài ngủ gật”, với một sự công bằng và nghiêm khắc, với những đòi hỏi cụ thể, lượng hoá thông qua khối lượng tập hay sự tiếp thu giáo án… đã thúc vào cái Tôi của Phượng những nỗ lực, những trải nghiệm tự thân. Phượng phải thay đổi, nếu không muốn số lần ra sân cứ giảm dần đều…
Ông Park không chơi một thứ bóng đá cơ bắp và khổ hạnh như Miura. Ông cũng không chơi thứ chiến thuật cứng nhắc và kém thích nghi như Hữu Thắng. Ông đặt Công Phượng vào một hệ thống tấn công (đôi khi là phản công) mềm mại nhưng đơn giản. Cái mềm mại thì đúng chất của Phượng rồi, nhưng đơn giản thì đòi hỏi Phượng phải trăn trở đêm hôm.
Phượng sẽ không còn là Phượng nữa, nếu cứ bóng đến chân là ban vội. Nhưng Phượng phải tiết chế những pha xử lý cá nhân và đặc biệt là nhạy cảm hơn, quyết đoán hơn khi phân tích những tình huống nên giữ bóng, đi bóng hay chuyền bóng. Ông Park đủ “mưa dầm” để thấm vào Công Phượng những gì hợp lý và hiệu quả.
Với ông Park Hang-seo, không có cầu thủ nào nghiễm nhiên là suất chính. Công Phượng càng phải cạnh tranh khốc liệt khi bên cạnh anh đang là những cái tên xuất chúng như Văn Quyết, Anh Đức, Đức Chinh, Văn Toàn… Thậm chí Phượng gần như đã bị lãng quên ở Thường Châu, nơi cầu vồng tuyết định danh vào Quang Hải. Nhưng với cách tư duy của nhà cầm quân Hàn Quốc, cầu thủ nào cũng có niềm tin mình sẽ được đặt đúng chỗ, khi cần.
Và chỗ của Công Phượng là ở đó, trong vòng cấm của Bahrain, khi trái bóng bật ra từ chân hậu vệ đối phương. Không một động tác thừa. Kiểu xử lý không thường thấy ở Công Phượng ngày xưa, nhưng cả hai bàn thắng của anh tại Asiad lần này đều như vậy.
Đưa Olympic Việt Nam vào tứ kết Asiad, Công Phượng vụt sáng lên như một người hùng trong chiến tích tầm châu lục. Nhưng trong lúc đồng đội ăn mừng thì Phượng lặng lẽ lùi ra một góc, giống như cách anh thường ngồi ở hàng ghế cuối cùng trên những chuyến xe bus ở Thường Châu.
Phải chăng, ngay cả trong những thời khắc huy hoàng nhất, Phượng vẫn cứ là cậu bé Đô Lương với đôi môi mím chặt và chờ đợi xem rồi đây, số phận sẽ mang đến những gì…
Trí Thức Trẻ