Công nghiệp mỹ phẩm - ngôi sao mới của nền kinh tế Hàn Quốc
Đã qua rồi thời đóng tàu và công nghiệp nặng là ngôi sao sáng "gánh" tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.
Chủ tịch của quỹ Daishin Asset Management - Seo Jae Hyeong năm nay 51 tuổi. Anh đã bắt đầu sử dụng kem nền và mặt nạ dưỡng da vào buổi tối từ mấy năm gần đây không phải để trông trẻ hơn, mà lý chính là muốn thâm nhập vào một trong những ngành nóng nhất của Hàn Quốc : Ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Dẫn đầu bởi hai tập đoàn AmorePacific và LG Household & Health Care, ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, khiến giới đầu tư (chủ yếu là nam giới) của quốc gia này phải xem xét lại cách thức thâm nhập vào ngành vốn không phải là ưu thế của họ.
Cụ thể, công ty đầu tư Shinhan thuộc tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc (dựa trên giá thị trường) đã chuyển 2 nhân viên phân tích ngành công nghiệp để tập trung nghiên cứu làm đẹp. Công ty chứng khoán Daiwa Securities cũng đã bắt đầu tuyển dụng phụ nữ để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Từ tháng 3, công ty quản lý quỹ Daishin Asset đã thành lập quỹ đầu tư "thời đại phụ nữ" nhằm tận dụng triển vọng tăng trưởng hấp dẫn của ngành làm đẹp.
"Khi tôi đề xuất mua vào cổ phiếu của công ty Amorepacific vài năm trước, có người đã cười nhạo tôi", ông Seo - giám đốc quỹ Daishin hiện đang quản lý hươn 4 tỷ USD chia sẻ. "Hiện nay cổ phiếu này đã tăng gần 10 lần và hãy nhìn xem những gì đã xảy ra với các ngành công nghiệp truyền thống".
Đà tăng trưởng sức tiêu dùng ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc cùng với ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng phim Hàn Quốc và thần tượng Hàn Quốc đã kích hoạt ngành mỹ phẩm Hàn Quốc bùng nổ. Nhờ đó, quốc gia này mới có thể vượt qua cơn suy sụp đến từ ngành sản xuất và đóng tàu đã từng là nguồn tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế 1.400 tỷ USD.
Trong khi chỉ số Kospi tăng 2,9% thì cổ phiếu 9 công ty mỹ phẩm thuộc rổ chỉ số này tăng trung bình đến 311%.
Sức nóng của ngành làm đẹp đã quyến rũ nhà đầu tư, chuyên gia phân tích quay lưng với các ngành truyền thống như công nghiệp nặng.
Yang Ki In - chủ nhiệm phòng nghiên cứu tại Shinhan Investment tại Seoul nhận định: "Chúng tôi phải thay đổi hướng nghiên cứu của mình theo thời gian để phù hợp với thời đại. Trước đây, nghiên cứu về ngành công nghiệp nặng là phổ biến nhất và được trả giá cao, nhưng giờ đây những ngành này đều bị thất bại trước đối thủ Trung Quốc. Tuy nhiên. chúng tôi đang nhìn thấy triển vọng tăng trưởng ở một số ngành như mỹ phẩm có thể thực sự thu được lợi ích từ Trung Quốc.
Từ những năm 1970, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đã đẩy mạnh và đưa ngành đóng tàu trở thành trọng tâm của nền kinh tế. Tuy nhiên kể từ năm 2013, ngành đóng tàu bắt đầu suy sụp do số lượng đơn hàng giảm dần. Đây cũng là nhóm cổ phiếu yếu ớt nhất trong rổ Kospi. Ở thời điểm hưng thịnh vào năm 2011, Hyundai Heavy Industries là công ty có vốn hóa lớn thứ 4 Hàn Quốc nhưng đến năm 2014 đã tụt xuống vị trí 24 sau khi mất đi 30 tỷ USD. Ngược lại, Amorepacific đi từ vị trí thứ 48 lên vị trí thứ 12.
Thấu hiểu những sản phẩm làm đẹp của phụ nữ có thể là một thách thức đối với các nhà đầu tư. Tài chính là ngành có tình trạng bất bình đẳng giới tính lớn nhất ở Hàn Quốc. Theo báo cáo bất bình đẳng giới toàn cầu năm 2014 được Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, Hàn Quốc xếp thứ 117 trong tổng số 142 quốc gia có bình đẳng giới.
Đối với chủ tịch của quỹ Daishin Asset Management - Seo Jae Hyeong, nỗ lực đó là xứng đáng.
"Thấu hiểu phụ nữ và thừa nhận quyền lực của họ là chìa khóa thành công trong ngành đầu tư hiện nay", ông Seo chia sẻ.