Một chiếc xe ô tô điện với nguyên lí hoạt động y chang ô tô, có thể che mưa nắng nhưng giá chỉ tương đương một chiếc xe tay ga là sáng chế của một sinh viên ham khám phá.
Một vài thông số của ô tô điện do Việt tự chế Chiếc ô tô điện có trọng lượng 400kg, dài 2m, rộng 1,2m và cao 1,4m. Phần khung ô tô được làm bằng sắt và lớp vỏ được bọc bằng nhựa alu. Xe có công suất tối đa Pmax: 2400W, chịu được tải trọng tối đa 200 kg, chạy với vận tốc 40km/h. Nguồn điện để duy trì xe chạy được truyền từ 4 bình điện 100 Ampe loại 12V/bình. Phanh được cấu tạo từ 2 hệ thống phanh cơ và phanh điện an toàn cho xe khi di chuyển tốc độ cao. Xe có thể chạy được quãng đường dài 100km sau khi đã được nạp điện đầy 4 bình sạc với chi phí bỏ ra chưa tới 10 ngàn đồng. |
Sinh viên đó là Nguyễn Thanh Việt, đang học năm 4, chuyên ngành Quang học - Quang phổ, khoa Vật Lý, trường Đại học Khoa học Huế. Vốn thích mày mò, tháo lắp các đồ điện trong nhà từ nhỏ, Việt đã tự chế tạo được rất nhiều vật dụng cho mình như quạt, đèn học, máy điều hòa chạy bằng nước…
Lớn lên, mặc dù theo học chuyên ngành không liên quan gì đến động cơ điện nhưng tính thích táy máy, lòng đam mê tháo – lắp lại thôi thúc Việt mày mò suốt 10 tháng trời để làm cho ra chiếc ô tô điện tự chế với các thiết bị và nguyên vật liệu là đồ phế thải.
Ban đầu Việt chỉ tưởng tượng đến 1 chiếc ô tô điện nhỏ gọn, tránh được nắng, di chuyển dễ dàng, tiết kiệm nhiên liệu, đặc biệt là giá phải rẻ. Nhưng khi bắt tay vào làm, Việt gặp nhiều trở ngại.
Thế nên bây giờ, “chiếc ô tô đã thành hình hơi to hơn so với dự tính và cũng chưa đúng theo thiết kế ban đầu”, Việt cho hay. Tuy nhiên, điều quan trọng là chiếc ô tô đã vận hành ngon lành, có thể chạy êm ru với vận tốc đạt 40km/h.
Đang còn là sinh viên, Việt muốn chiếc ô tô của mình thiết kế phải đảm bảo vận hành được trong điều kiện chi phí bỏ ra tối thiểu. Việt bắt đầu sưu tầm các đồ vật cũ từ các tiệm sửa xe như vô lăng cũ từ các xe ô tô bỏ, gương trước từ kính trước chịu lực đã bị bể gần đi bỏ sọt rác , lốp xe từ xe Spacy, phuộc sau từ phuộc của xe Sirius, phuộc trước của xe Attila, bộ khung sườn chính từ thép ống có độ bền cơ học cao, chân đạp phanh và ga lấy từ chân phanh và số của xe máy… Thế mà số tiền bỏ ra mua lại đồ cũ cũng lên tới 15 triệu đồng.
Do chạy bằng điện sạc từ 4 bình ắc-quy nên việc vận hàng xe khá an toàn. Theo Việt, loại xe này phù hợp để sử dụng trong các khu du lịch hay bệnh viện. Để sạc đầy 4 bình ắc-quy thì cần khoảng 5Kwh điện, tính ra chưa đến 10 ngàn đồng mà có thể chạy được quãng đường 100 km, rẻ hơn nhiều so với chạy bằng xăng.
Tuổi thọ của ô tô điện cũng ngang tầm tuổi thọ của một chiếc xe máy bởi phần cơ khí thì không bị hư hỏng, chỉ phụ thuộc vào tuổi thọ của bình sạc. Trong vòng khoảng 5 năm, khi bình sạc hư, chỉ cần thay bình sạc mới là xe lại có thể hoạt động tốt. Với loại xe này, nếu thương mại hóa với trang thiết bị mới hoàn toàn thì theo Việt có giả khoảng 30 triệu đồng, tương đương một chiếc xe tay ga và Việt có thể một mình hoàn thiện trong vòng 1 tháng.
Ông Phùng Minh Lai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá sáng chế của Việt.
Ngày 11-12.5 vừa rồi, tại triển lãm sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ 2013 được tổ chức tại Huế, chiếc ô tô điện của Việt đã được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ Phùng Minh Lai chạy thử và rất thích thú với sáng chế này.
kyanh