Từ chuyện người Trung Quốc rủ nhau mua Xiaomi, ngẫm ‘thảm cảnh dìm hàng’ BPhone
Thay vì chỉ trích, chê bai, tại sao chúng ta không ủng hộ BPhone, ủng hộ một sản phẩm của người Việt.
Nội dung nổi bật:
- Nhiều thương hiệu thành công trên thế giới một phần lớn là nhờ niềm tự hào dân tộc của người dân bản địa. Ví dụ điển hình là Xiaomi, đa số người dân đều nói rằng, họ mua và dùng Xiaomi bởi nó là sản phẩm của người Trung Quốc.
- Trong khi đó, một sản phẩm hoàn toàn "made in Vietnam" là điện thoại thông minh BPhone của BKAV dù chưa ra mắt đã gặp không ít "gạch đá" từ cộng đồng mạng. Câu hỏi đặt ra là, thay vì chỉ trích, chê bai, tại sao chúng ta không ủng hộ BPhone, ủng hộ một sản phẩm của người Việt.
Xiaomi là thương hiệu điện thoại non trẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, tên tuổi của họ đã vươn ra tầm thế giới và đạt được thành công vang dội. Thậm chí, giữa tháng 4 vừa qua, hãng này tuyên bố đạt kỷ lục Guiness thế giới khi bán được 2,11 triệu chiếc điện thoại thông minh trong vòng 1 ngày duy nhất thông qua nền tảng mua hàng trực tuyến. Với số lượng điện thoại bán ra cao kỷ lục như vậy, Xiaomi đã thu về được 2,08 tỷ yuan (tương đương 335 triệu USD) doanh thu.
Năm ngoái, Xiaomi cũng đánh bại Lenovo và LG để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới về số lượng bán ra chỉ sau Samsung và Apple. Công ty đã bán được hơn 61 triệu chiếc điện thoại thông minh trong năm 2014, tăng lên từ 18,7 triệu chiếc trong năm 2013 và họ đang mong đợi có thể bán được 100 triệu chiếc vào năm nay.
"Tôi mua và dùng điện thoại Xiaomi vì nó là sản phẩm của người Trung Quốc".
Báo chí và truyền thông đã nhiều lần mổ xẻ thành công đáng kinh ngạc của Xiaomi. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal thì điểm mấu chốt có lẽ nằm ở tư duy của người dân Trung Quốc - đại bộ phận khách hàng của Xiaomi.
Cụ thể, người dân nước này luôn coi Xiaomi như một niềm tự hào quốc gia và hy vọng Xiaomi có thể trở thành thương hiệu Trung Quốc có tầm cỡ trên toàn cầu. Thậm chí, các fan của Xiaomi tại quê nhà đã gửi tới nhà sáng lập Lei Jun một món quà làm thủ công để khích lệ ông và hiện đang được trưng bày tại trụ sở chính của công ty ở Bắc Kinh.
Khi được hỏi, anh Wang Wenyong không ngần ngại chia sẻ rằng: “Tôi thích dùng Xiaomi bởi nó là sản phẩm của người Trung Quốc”.
Điều đáng nể ở đây là đại bộ phận người dân Trung Quốc vẫn hết lòng ủng hộ Xiaomi dù công ty này gặp phải không ít điều tiếng liên quan đến các vấn đề như đạo, nhái sản phẩm, copy công nghệ… Website Xiaomi trên trang mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc là Weibo hiện thu hút được tới 10,7 triệu lượt người theo dõi.
Có lẽ cũng chính bởi vậy mà hiện phần lớn doanh thu của Xiaomi đều đến từ thị trường Trung Quốc. Tại một số quốc gia khác như Malaysia và Philippines thị phần của Xiaomi chỉ khoảng 4,4% và mới chỉ xuất hiện tại đây được 1 năm.
Một ví dụ khác có thể kể đến là Iran. Đây là một trong số ít các quốc gia biết chế tạo xe hơi. IKCO là hãng xe lớn nhất tại nước này với sản lượng cả triệu chiếc/năm, sử dụng khoảng 54.000 người lao động và đạt giá trị 32 tỷ USD.
Xe hơi vốn luôn được xem là biểu tượng thịnh vượng của xã hội và Iran cũng không phải ngoại lệ. Bất kể người dân Iran nào cũng đều tự hào về năng lực sản xuất xe hơi của nước họ và dành sự ưu tiên đặc biệt cho các dòng xe nội. Thậm chí, dòng xe Samand của IKCO còn được coi là “quốc xe” (national car).
Trên đường phố Iran, số lượng xe mang thương hiệu của IKCO chiếm áp đảo bởi với bất kỳ người dân nào, nếu xe IKCO giá ngang bằng, tiện nghi chỉ 2/3 so với xe khác thì họ sẽ vẫn chọn IKCO bởi “nó là sản phẩm của người Iran”. Tại đây, việc dùng hàng nội địa là trách nhiệm bắt buộc của mỗi công dân, "phải dùng" chứ không phải "nên dùng", dù không có quy định nào cả.
Không chỉ với xe hơi mà bất kể đi mua một món hàng nào đó, người dân Iran hay hỏi người bán "cái này có phải 'made in Iran' không"? Vì với họ, mua một sản phẩm sản xuất trong nước, một người Iran sẽ có việc làm, 1 đồng ngoại tệ sẽ ở lại, đồng tiền đó sẽ được tái đầu tư, sản phẩm sẽ càng tốt hơn.
Trong khi đó, những ngày gần đây, báo chí trong nước cùng cộng đồng mạng xôn xao bàn tán chuyện một hãng công nghệ của Việt Nam là BKAV sắp cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh BPhone hoàn toàn “made in Vietnam”.
Dù chưa chính thức ra mắt và được trải nghiệm về chất lượng máy, nhưng đáng tiếc công ty này đã gặp phải không ít “gạch đá”. Cư dân mạng thậm chí không ngớt chế những hình ảnh hài hước để chê bai sản phẩm Bphone. Các thành viên tại nhiều diễn đàn công nghệ thì thẳng thắn nói rằng "việc 1 đơn vị phải đầu tư 4 năm trời để có 1 sản phẩm 'tương đương thế giới' cũng không phải là 1 kỳ tích hấp dẫn lắm".
Liệu có quá khắt khe?
Thực tế lâu nay cũng đã có nhiều đơn vị trong nước tuyên bố sẽ sản xuất một dòng điện thoại thông minh “thuần Việt Nam” nhưng cuối cùng vẫn chưa có bất kỳ hãng nào thành công. BKAV có lẽ là đơn vị duy nhất có thành phẩm hoàn chỉnh tính đến thời điểm này. Họ nhấn mạnh rằng, đây là sản phẩm “made in Vietnam”, được tạo ra từ trí óc của chính người Việt.
Câu hỏi đặt ra là thay vì chỉ trích, chê bai, tại sao chúng ta không ủng hộ họ, ủng hộ một sản phẩm của người Việt. Chưa bàn đến chất lượng, giá cả… nhưng ít nhất trên phương diện ý tưởng, mong muốn tạo ra một sản phẩm của người Việt cũng đã là một điều rất đáng được khích lệ.