Trung Quốc sẽ “cấm cửa” Netflix?
CEO Netflix cho rằng số phận của Netflix tại Trung Quốc sẽ như Apple hoặc Google, nghĩa là Trung Quốc sẽ mang lại nhiều tiền bạc rủng rỉnh cho Netflix như trường hợp của Apple, hoặc Netflix sẽ bị “cấm cửa” như Google.
Dịch vụ stream Netflix với tham vọng vươn ra toàn cầu đã tuyên bố mở rộng thị trường ra 130 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc…. Tuy nhiên, liệu Netflix có làm ăn suôn sẻ tại các thị trường mới này, và có gặp khó khăn gì với các chính sách của từng địa phương.
Như ICTnews đã đưa tin, việc NetFlix cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, thu phí bằng tiền Việt Nam khi chưa đăng ký kinh doanh và tuân thủ các quy định về quản lý là vi phạm pháp luật về quản lý nội dung truyền hình, quản lý nội dung thông tin trên Internet của Việt Nam. Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản, Thanh tra Bộ TT&TT cho hay, tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vào Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, cũng như chưa được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trong khi đó tại Trung Quốc, thị trường khiến không ít đại gia công nghệ Mỹ như Facebook, Google, Microsoft… phải lao đao, CEO Reed Hastings của Netfilix trong một bài phỏng vấn mới đây với trang Re/code đã cho biết số phận của dịch vụ streaming này sẽ tương tự như Apple hoặc Google.
Hastings cho biết một phần lý do sự vắng mặt của Netflix tại Trung Quốc là do chính phủ chưa chấp nhận dịch vụ streaming và nội dung của họ. Ông giải thích những công ty như Netflix thực sự chỉ có 2 kết quả khi gia nhập thị trường Trung Quốc.
“Netflix có thể sẽ giống như Apple, nghĩa là Trung Quốc trở thành một trong những thị trường, lớn nhất, phát triển nhanh nhất và thu lợi nhuận nhiều nhất trên thế giới; hoặc sẽ như Google, bị cấm trong nhiều năm”, ông nói. Goolge, cùng với YouTube, đã bị chặn tại Trung Quốc, từ cuối năm 2012. Trái lại, Apple lại tăng gấp đôi lợi nhuận trên thị trường này từ năm 2014.
Cơ quan quản lý Báo chí, Xuất bản, Radio, Phim và Truyền hình (SARFT) tại Trung Quốc quản lý tất cả các nội dung media trên Internet tại nước này. Và Hastings cho biết Netflix đang dành thời gian xây dựng mối quan hệ với SARFT để là “đối tác lâu năm tại Trung Quốc”.
Theo trang Business Insider, sự kiên nhẫn của Netflit có thể đã bắt đầu suy yếu, vì Netflix đã cố gắng gia nhập vào thị trường Trung Quốc trên quy mô nhỏ từ tháng 5/2015, và Hastings nói giờ đây họ mới chỉ có “một khoản đầu tư rất khiêm tốn” vào đây. Khoản đầu tư này chỉ đến sau khi Netflix tuyên bố sẽ có mặt tại 130 quốc gia tại sự kiện CES 2016.
Thư viện nội dung phong phú của Netflix dường như cũng đang gặp nhiều vướng mắc tại Trung Quốc. Hồi tháng 9/2014, SARFT đã ban hành quy định yêu cầu tất cả các chương trình truyền hình sản xuất ngoài lãnh thổ Trung Quốc phải được kiểm duyệt trước khi được stream trên các website Trung Quốc.
Tháng 7/2015, SARFT đưa chương trình The Big Bang Theory là chương trình TV nước ngoài đầu tiên được phê duyệt và stream trên các website Trung Quốc, hơn 1 năm sau khi từ chối nó và 3 chương trình khác, ra lệnh cấm đưa lên trang streaming nổi tiếng tại Trung Quốc là Sohu. Nhưng quyết định đồng ý chỉ dành cho phần thứ 8 của chương trình. Nếu The Big Bang Theory mất từ 10 tháng đến 1 năm mới nhận được sự đồng ý stream trong 1 phần, thì thư viện với hàng triệu giờ nội dung của Netflix có thể mất tới hàng năm mới được phép.
Tuy vậy, việc Trung Quốc chưa phê duyệt để Netflix được cung cấp dịch vụ streaming tại Trung Quốc không có nghĩa nội dung của Netflix không thể được tiếp cận tại đây. 1 tháng trước khi SARFT ra quy định, phần thứ 3 của bộ phim House of Cards của Netflix đã được tải bất hợp pháp gần 700.000 lượt tại Trung Quốc trong vòng 24 giờ đầu tiên.
Có vẻ như, con đường chinh phục thị trường Trung Quốc của Netflix sẽ không mấy suôn sẻ. Liệu Netflix có bị Trung Quốc “cấm cửa” đúng như số phận của Google và YouTube hay không?