"Thành phố hacker" Ramnicu Valcea - Thủ đô thế giới về trộm cắp trên internet
Ramnicu Valcea, với khu Ostroveni là một thành phố nổi tiếng trên báo chí Mỹ với biệt danh “hacker thành” - thủ đô thế giới về trộm cắp trên internet.
Đối với du khách vội vã, Ramnicu Valcea là một thành phố yên ả và xanh. Nằm bên chân dãy núi Carpates, ngay giữa lòng Romania, chẳng có gì để đoán ra được bí mặt nằm ẩn trong xóm thợ thuyền Ostroveni. Phải rời bỏ cái đại lộ xuyên ngang thành phố và đi vào trong những con đường nhỏ mà hai bên là những khu chung cư tồi tàn cho thuê giá bao cấp từ thời toàn trị mới có thể biết được điều gì đó không ổn của một đô thị chỉ vài trăm ngàn dân.
Dưới chân các chung cư xây lấy có là những chiếc xe sang trọng. Sau tay lái, những người trẻ tuổi từ 20-30, kiêu hãnh phô trương sự giàu có ngược ngạo với nhà phố tồi tàn. Đó là hang ổ của hacker. Những người trẻ này đã tìm thấy trên internet những cơ hội mà thực cảnh Romania chẳng bao giờ đem lại. Ramnicu Valcea, với khu Ostroveni là một thành phố nổi tiếng trên báo chí Mỹ với biệt danh “hacker thành”.
Hacker thành là thủ đô thế giới về trộm cắp trên internet. Người Pháp, Anh, Đức, Ý, nhưng chủ yếu là người Mỹ mua sắm trên internet đều bị rơi vào tay các mạng hacker Romania. Theo cảnh sát xứ này, khoảng 80% nạn nhân của chúng là người Mỹ. “Năm ngoái, các hacker Romania đã ăn cắp một tỉ USD ở Hoa Kỳ”, Mark Gitenstein, đại sứ Mỹ tại Bucarest, khẳng định.
Làm ăn có “phường”
Ở Ostroveni, mọi người đều biết, nhưng luật im lặng bao trùm khu phố này. Tuy nhiên, một trong những hacker chấp nhận kể lại “thương nghiệp” của mình, với điều kiện dấu tên. “Bọn Mỹ ăn cắp dễ hơn, anh ta giải thích. Mấy trự đó, ngay cả mua bánh mì cũng nhắp chuột, họ có thói quen chuyện gì cũng giải quyết trên web.” Anh ta khẳng định, mỗi tuần lừa được chừng bốn năm trự, “lấy của họ những khoản tiền từ vài trăm đến hàng chục ngàn đô”.
Thế giới rộng lớn và đầy những thằng ngố sẵn sàng mua bất kỳ thứ gì trên internet, anh ta kể tiếp. Tha hồ bán những sản phẩm “ảo”, nhân bản các địa chỉ và cướp các thẻ tín dụng. Ở châu Âu, để lấy được tiền, phải phóng các “mũi tên”, những người mua hàng không có cách nào rút tiền gửi trong một tài khoản. Họ phải giữ lại 30% trong số tiền gốc và số còn lại họ chuyển cho bọn tôi qua ngã Western Union. Chỉ cần nhìn con số các biển hiệu Western Union mọc ra như nấm ở trung tâm thành phố Ramicu Valcea là biết chuyện làm ăn khá như thế nào.
Nhưng rút tiền ở Mỹ phức tạp hơn. “Bọn tôi đã tìm ra một giải pháp hợp lệ, anh chàng hacker cho biết. Tôi mua một chiếc ô tô 120.000 USD bằng tiền mặt. Không có gì hợp lệ hơn. Tôi cho chuyển chiếc xe đến Romania để bán với giá 80.000. Vẫn hợp lệ. Chịu thiệt 40.000, nhưng có được 80.000 tiền sạch. Người mua xe hài lòng, vì anh ta kiệm được 40.000. Giờ đây, các tay cần xe đến gặp trực tiếp chúng tôi để đặt hàng kiểu xe mà họ ưng ý.
Những tay hacker Romania hiểu được lợi ích của làm ăn có “phường”. Điều đó làm nên sự khác biệt và sức mạnh của họ. Các “mũi tên” dễ lộ nhất, nên giấy tờ chứng mình của họ thường là giả. Chúng được làm quen với những lắt léo của internet. “Bọn tôi thức suốt đêm, dán mũi vào màn hình máy tính. Nhờ các đứa trẻ từ 14 tuổi giúp đỡ. Bọn tôi tìm đến cả những trẻ viện mồ côi và dạy chúng các mánh lới để chúng làm việc cho bọn tôi.”
Tôi phạm tin học xuyên biên giới
Nhiều chuyên gia vệ tội phạm thông tin của FBI đặt trụ sở tại Bucarest, đã huấn luyện 600 cảnh sát Romania để ngăn chận thảm hoạ. Một biệt đội điều tra chuyên về ăn cắp trên internet triển khai 200 cảnh sát khắp 41 tỉnh cả nước.
“Tôi phạm tin học là xuyên biên giới, Virgil Spiridon, xếp của biệt đội nói trên, cho biết. Chúng tôi đã có nhiều tiến bộ trong các năm qua. Romania hợp tác với một chương trình chống tôi phạm tin học ở cấp độ EU với Europol và EC.
Việc theo dõi và các vụ bắt giữ hacker đang tăng lên. Năm 2011, biệt đội Romania đẽ mở một ngàn cuộc điều tra, bắt giữa 500 vụ và nộp hồ sơ lên toà án 150 bộ.
Cánh FBI hoạt động rất kín. Họ rút vào trong một toà nhà bí mật nằm trên những đại lộ lớn của Bucarest, họ “cày xới” thế giới ảo để tìm dấu vết các hacker Romania. Họ mô phỏng phương pháp của hacker, tạo ra những địa chỉ bán hàng rao bán hàng ngắn gọn với giá hời.
Victor Faur, tên mã là SirVic, rất am hiểu hệ thống. Anh ta đứng đầu một trong những hệ thống hoạt động hữu hiệu nhất Romania. “Nhưng tôi luôn luôn là một hacker trắng, tôi không muốn bị lẫn lộn với bọn ăn cắp trên internet, anh thanh minh. Chuyện đó ai cũng có thể làm. Chính vì lý do này mà FBI sờ được gáy bọn chúng, vì chúng không biết xó a dấu vết.”
Bất chấp sự dũng cảm của anh ta, SirVic bị bắt và nhận án tù treo sáu tháng và đóng 240.000 USD tiền phạt. Anh ta đã tấn công các máy chủ của NASA, để chứng minh với những người Mỹ rằng có những lỗ hổng trong hệ thống an ninh của họ. “Tôi đã báo trước cho họ đề họ khắc phục vấn đề, nhưng tôi ngu ngốc khi khoe chiến công mình trên một địa chỉ mà họ truy cập được.
Bán tất tần tật, thẻ tín dụng có code, thẻ tín dụng trắng
Trước sự truy lùng ráo riết của cảnh sát, các hacker hoạt động rất kín và họ luôn tin vào sao bổn mạng của họ. Học hack có khó không? Đối với Ice Man, “ông hoàng đen” của các hacker Romania, ăn cắp trên mạng thậm đơn giản. Bằng tên thật Robert Butyka, 26 tuổi, anh ta thanh minh bằng một giọng phẩn nộ rằng không được lẫn lộn giữa hacker và ăn cắp. Hacker chỉ quan tâm đến những thách thức thật sự của internet.
“Vâng, ăn cắp trên internet là chuyện đơn giản,” anh ta nhấn mạnh. “Có hàng trăm chỉ dẫn sử dụng internet để học trở thành hacker”, anh ta giải thích. Rồi anh ta nhắp chuột vài cái: “Đây, tôi đã tìm thấy nhưng tay đề nghị bán thẻ tín dụng có code Ý, Pháp, Mỹ, Anh và Tây Ban Nha.” Trên màn hình máy tính chạy qua những dòng rao nhỏ. Tất cả đều có bán, thẻ có code, thẻ trắng, danh sách email trích xuất từ các tin nhắn của các hãng lớn và cả một bộ chương trình truy cập vào các máy chủ.
“Dầu vậy cũng phải chú ý, anh ta dặn. Một phần của các rao vặt này do FBI hoặc CIA soạn ra để làm mồi nhử. Nếu không biết tránh chúng thì có thể bị tóm.” Đó là chuyện xảy ra với anh chàng Iulian Dolan cùng với ba người bạn đã nắm được 80.000 thẻ tín dụng Mỹ và đã đánh cắp nhiều triệu USD.
Một nữ nhân viên CIA đóng vai cô gái tìm mối quan hệ trên internet đã gây được sự chú ý của chàng trai trẻ tội phạm người Romania. Cô đề nghị trả tiền vé máy bay cho anh ta đến một sòng bạc ở Hawaii. Mang theo một hộp bao cao su thật to, chàng Iulian Dolan đã tra tay vào còng ngay khi vừa bước xuống phi trường Logan ở Boston.
Chiếc đĩa quay
Khoảng 10.000 chuyên viên tin học tốt nghiệp các đại học Romania mỗi năm, và một phần lớn trong số họ làm việc trong các công ty đa quốc gia đóng ở Romania. “Khối lượng tin học viên rất quan trọng và nguy cơ tội phạm tin học cũng đáng kể, Florin Talpes, tin học viên và sáng lập viên công ty Bitdefender khẳng định. Những người trẻ là những người dễ bị sa vào vòng tội lỗi nhất.”
“Khi tôi khởi nghiệp vào những năm 1990, tội phạm tin học là một môn thể thao cá nhân, ông nói. Ngày nay, những con người ấy hoạt động theo nhóm và được tổ chức như một công ty thương mại. Sự tiến bộ công nghệ như ta thấy trong những năm gần đây cũng đem lại lợi ích cho những kẻ bên kia tấm gương, cái thế giới tối tăm mà ăn cắp trên internet trở thành một công việc kinh doanh thật sự.”
Ramnicu Valcea là một cái đĩa quay tội phạm tin học với các nhánh trải rộng trên nhiều lục địa. Hiện tượng bắt đấu từ năm 1996, và thành công của một nhúm người trẻ đã là hòn tuyết lăn thành cấp độ thành phố. Chỉ mãi đến năm 2003, dưới áp lực của Mỹ, Romania đã thông qua một luật cho phép chống loại tôi phạm mới này.
Từ lan can trên cao nhìn xuống khu kẻ cắp của Ramnicu Valcea, anh chàng hacker ở Ostroveni không dấu những nghi ngờ của mình. “Những bộ não, những con cá lớn đã rời Hacker thành, anh ta mỉm cười kết luận. Họ tụ lại chỗ khác và đâu đó ở Mỹ, Anh, Pháp hoặc Thuỵ Sĩ. Đó là những bóng ma cực giàu và thậm kín. Tôi không nghĩ là sẽ tóm được họ.”
Theo Cách Mai
SGTT/LE POINT