Surface và Windows 8: Ai được, ai mất?
Vậy ai được, ai mất từ sự kiện hôm 25/10 vừa qua?
Microsoft đã chính thức trình làng phiên bản mới nhất của hệ điều hành Windows cùng chiếc máy tính bảng Surface đình đám cách đây 2 ngày.
Người thắng
Microsoft: Gã khổng lồ phần mềm Mỹ rõ ràng là người chiến thắng. Windows 8 và máy tính bảng Surface là bước chân đầu tiên của Microsoft vào thị trường máy tính bảng. Với những gì mà Windows 8 và Surface đang thể hiện thì giới công nghệ có thể nhận thấy cơ hội thành công của Microsoft trong lĩnh vực mới này là điều hoàn toàn có thể. Trước mắt doanh số bán hàng của Microsoft sẽ thấp nhưng hãng sẽ được hưởng lợi bởi sẽ có rất nhiều nhà sản xuất PC muốn được cấp giấy phép sử dụng hệ điều hành này.
Surface đã lôi kéo được sự ủng hộ cần thiết từ giới chuyên gia phân tích, mặc dù không ít ý kiến cho rằng động thái trình làng chiếc máy tính bảng này của Microsoft có thể làm sứt mẻ doanh số bán hàng của các đối tác trên thị trường tablet.
Các nhân viên mang thiết bị riêng đi làm: Máy tính bảng Surface sử dụng chip Intel và phiên bản Surface RT dùng chip ARM dường như đều được thiết kế cho đối tượng nhân viên tự mang thiết bị riêng đi làm. Bản thân những chiếc máy tính bảng này không bị khóa hoàn toàn chế độ làm việc, chúng đồng thời cũng là những thiết bị "để làm việc tại nhà" và là những thiết bị "tại gia". Cho dù bạn đang ở đâu, làm gì, chiếc máy tính bảng này đều phù hợp với nhu cầu của bạn.
Tuy nhiên, thêm một điều cần lưu ý là những người dùng doanh nghiệp muốn đưa máy tính bảng Surface chạy Windows RT tới văn phòng phải mua một giấy phép sử dụng thương mại.
Dell, Lenovo: Cả Lenovo và Dell, hai nhà cung cấp máy tính hàng đầu thế giới đều hoàn toàn hài lòng với máy tính bảng Surface. Mặc dù Dell đã thất bại trong nỗ lực máy tính bảng Streak của mình nhưng công ty vẫn có đủ thời gian để hàn gắn vết thương này. Dell không hề bận tâm, đơn giản bởi vì họ tin rằng họ không có gì để lo lắng.
Tuy nhiên, Lenovo lại công khai chế nhạo Surface. Giám đốc điều hành Yang Yuanqing của Lenovo cho biết hãng sẽ tạo ra "phần cứng tốt hơn". Sự kiêu ngạo có thể khiến Lenovo phải trả giá nếu các mẫu máy tính bảng của họ gặp thất bại.
ARM: Nhà thiết kế chip ARM (Anh) sẽ được hưởng lợi lớn từ sự ra đời của những mẫu máy tính bảng sử dụng chip ARM. Hãng đã lên tiếng xác nhận rằng nhiều sản phẩm từ Asus, Dell, Lenovo, Samsung và Microsoft với chiếc máy tính bảng Surface RT đều sử dụng thiết kế chip của ARM.
Kẻ mất
HP, Acer: Mặc dù trên các bảng xếp hạng cung cấp PC, HP và Acer hiện đang lần lượt giữ các vị trí hàng đầu nhưng cả hai vẫn tiếp tục đánh mất thị phần của mình trên thị trường. Giám đốc điều hành JT Wang của Acer kêu gọi Microsoft phải "suy nghĩ" thấu đáo về việc phát hành chiếc máy tính bảng mang thương hiệu riêng của hãng này. Biên tập viên Larry Dignan của trang công nghệ ZDNet gọi động thái này là "nực cười" nhưng Acer thì vẫn mạnh miệng dọa rằng "đang tìm kiếm nền tảng khác". Chúng ta sẽ đợi xem Acer sẽ thể hiện thế nào nếu thiếu Windows 8?
Apple: Nhà sản xuất iPad đang phải chịu sức ép từ hai phía trong cuộc chiến máy tính bảng, đó là Android và Windows. Việc trình làng iPad mini chỉ là một động thái nhỏ mà Apple có thể làm hiện nay để chống chọi với sức ép này, Apple thừa hiểu họ còn một chặng đường quá dài phía trước để làm điều đó.
Apple đã phải đối mặt với cuộc chiến từ thị trường máy tính bảng cỡ lớn cũng như thị trường máy tính bảng 7 inch nhỏ hơn mà hãng mới đặt bước chân đầu tiên vào bằng sản phẩm iPad mini. Tuy nhiên, hiện tại, Apple đang đối mặt với sức ép đến từ thị trường doanh nghiệp, chủ yếu từ người dùng tập trung vào kinh doanh.
Apple có thể phải mất rất nhiều trong thời gian dài, mặc dù họ đang có vị trí thống trị trên thị trường máy tính bảng, do phải chịu sức ép từ hai phía trong cuộc chiến này.
Xu hướng doanh nghiệp ngày càng tăng sẽ khiến người dùng tìm đến Surface cũng như các thiết bị chạy trên hệ điều hành Windows 8 và Windows RT. Chỉ cần nhìn vào một phép so sánh nhanh giá cổ phiếu của Apple và Microsoft thì có thể thấy Apple đang giảm 1% và dần phục hồi trong khi Microsoft lại tăng gần 1% trước khi chững lại. Rõ ràng nhà đầu tư không cảm thấy quá an toàn trước sự xuất hiện một đối thủ mới của iPad là Surface.
Thêm một thông tin thú vị hơn, số lượng các nhà phát triển Windows hoàn toàn áp đảo so với số nhà phát triển iOS, đặc biệt là trong phân khúc doanh nghiệp. Vì vậy, các nhà phát triển Windows sẽ dễ dàng cập nhật các ứng dụng cho các thiết bị Windows RT chạy chip ARM cũng như máy tính bảng Intel X86, hơn là chuyển sang ứng dụng dành riêng cho iPad. Các doanh nghiệp muốn giữ lại những gì họ có thể có mà không phải bỏ ra thêm đồng nào.
Android dành cho khách hàng doanh nghiệp: Google vẫn chưa phát hành sản phẩm Android tập trung cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, Google chỉ thu lại nguồn lợi nhuận rất ít ỏi từ chiếc máy tính bảng Nexus 7 của hãng.
Surface là chiếc máy tính dành cho cả giải trí và làm việc còn Nexus của Google thì hướng đến mục đích giải trí. Có thể đó là lý do vì sao Google đặt tên cho cửa hàng ứng dụng của họ là "Google Play". Surface chắc chắn sẽ giành được vị trí cao trong cuộc đua hướng tới phân khúc thị trường với người dùng là công chức văn phòng, trong khi Android lại chú trọng quá nhiều vào thị trường tiêu dùng nói chung.
Intel: Gã khổng lồ vừa được vừa mất trong màn trình làng của Microsoft. Intel sẽ cung cấp loại chip X86 của mình cho những mẫu máy tính bảng cao cấp. Tuy nhiên, Windows 8 nhiều khả năng lại không ngăn được sự trì trệ của thị trường PC hiện nay, vốn là thị trường truyền thống của Intel. Thế giới hậu PC đang ngày càng phát triển và máy tính bảng đang trở thành một mặt hàng được yêu thích hơn.
Theo Võ Hiền
Dân trí
Surface và Windows 8: Ai được, ai mất?