Số phận hẩm hiu của 'điện thoại tỉ phú' Beeline

17/10/2012 10:08 AM | Công nghệ

Một năm sau khi trào lưu dùng điện thoại tỉ phú của Beeline nở rộ, không ít những chiếc điện thoại giá siêu rẻ này đã bị xếp xó hoặc hỏng từ lâu.


Tháng 9/2011, việc nhà mạng Beeline (nay đổi tên thành Gmobile) tung ra gói cước tỉ phú đi kèm chiếc điện thoại giá siêu rẻ 149.000 đồng đã tạo ra một cơn sốt thực sự.

Ở thời điểm đó, giá bán của dòng điện thoại tỉ phú Beeline đã bị đội lên khá cao, thậm chí gấp đôi so với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, một năm sau thời điểm ra mắt, phần lớn những chiếc điện thoại dành cho các “tỉ phú” đều đã gặp vấn đề về phần cứng hoặc nằm xó, do người dùng không có nhu cầu sử dụng.

Bạn Hồ Anh Dũng, sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, khi trào lưu sử dụng điện thoại Beeline giá rẻ rộ lên, bạn cũng đã sắm một cặp với giá hơn 200.000 đồng/chiếc để “tám chuyện với bạn gái cho tiết kiệm”.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nhược điểm của máy Beeline giá rẻ bắt đầu bộc lộ. Chưa kể đến việc sóng Beeline tại khu vực ngoại thành Hà Nội kém, những cuộc trò chuyện thường bị ngắt quãng rất khó chịu, tin nhắn thường xuyên bị gửi chậm, chiếc Beeline tỉ phú màu đen của Dũng đã “giở chứng” chỉ vài ngày sau khi mua về.

“Chiếc màu trắng của em dùng được vài ngày thì màn hình của máy bỗng xuất hiện một vạch trắng, che gần kín màn hình. Từ đó, máy không đọc được tin nhắn nữa và chỉ dùng để gọi. Chiếc màu đen của bạn em dùng khá hơn nhưng cũng chỉ hơn 3 tháng, máy không nhận SIM. Để thêm một thời gian, màn hình cũng tắt ngóm, bật không lên”, Dũng chia sẻ.

Dũng còn hóm hỉnh cho biết: “Hiện tại bọn em vẫn còn sở hữu mỗi người 900 triệu nữa (ám chỉ 2 thẻ SIM Beeline dùng gói cước tỉ phú), ai mua em chỉ bán rẻ 500 triệu thôi”.

Trên thực tế, gói cước tỉ phú đi kèm dòng điện thoại siêu rẻ của Beeline là một chiêu thức kinh doanh sáng tạo và không phải model điện thoại tỉ phú nào cũng gặp phải trục trặc như trường hợp của Dũng.

Ngoài ra, nếu người dùng thường xuyên sử dụng để liên lạc nội mạng trong điều kiện sóng ổn định (trong nội thành hoặc những nơi sóng khỏe), gói cước này sẽ giúp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, bởi phí duy trì tài khoản tỉ phú Beeline chỉ là 20.000 đồng/tháng.

Không mua điện thoại tỉ phú với mục đích “tám chuyện” như Dũng, anh Đặng Nhật Hòa, một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, anh mua một chiếc điện thoại Beeline vì hiếu kỳ là chính: "Mình thấy đồng nghiệp ở cơ quan, bạn bè đua nhau đi mua điện thoại tỉ phú, trông lại hay hay nên muốn mua một chiếc dùng thử".

Tuy nhiên, sau khi “hết vui” vì chiếc điện thoại này không mang lại nhiều lợi ích thiết thực, anh đã nhanh chóng từ bỏ việc sử dụng điện thoại Beeline. Chiếc SIM tỉ phú anh mua thời điểm đó cũng đã ngừng sử dụng từ lâu, vì bạn bè anh không dùng mạng Beeline để gọi nội mạng "miễn phí" (vẫn tính phí nhưng nằm trong số 1 tỉ khuyến mại), trong khi cước gọi ngoại mạng không thật sự rẻ.

Trên thực tế, chiếc điện thoại được Beeline bán kèm với gói cước tỉ phú là một thiết bị cực kỳ đơn giản, với thiết kế chỉ nhỏ như vỏ bao diêm, vỏ máy bằng nhựa, màn hình "siêu nhỏ" chỉ đủ để hiển thị số điện thoại gọi đi và gọi đến, với các chức năng cơ bản như gọi điện và gửi tin nhắn. Máy được bán với giá chỉ 149.000 đồng.

Tại thị trường Việt Nam, khi phần lớn người dùng vẫn chưa có thu nhập cao, các sản phẩm giá rẻ luôn nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu, với mục tiêu tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đôi khi khách hàng chỉ vì hiệu ứng đám đông hoặc tính hiếu kỳ mà chấp nhận chi tiền dùng thử, sau đó bỏ xó, thì vô hình trung lại là một sự lãng phí. Cân nhắc kỹ nhu cầu sử dụng thực tế của mình trước khi quyết định đầu tư, dù chỉ là một món tiền nhỏ, là một lời khuyên cũ nhưng vẫn hoàn toàn không thừa trong bất cứ trường hợp nào.

Theo THÀNH DUY
Zing/Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM