“Rất tiếc, chúng tôi chưa cung cấp dịch vụ đến Việt Nam”
Nhiều người nói nghe nhạc thông qua Apple Music không ăn ở Việt Nam vì có nhiều website cung cấp nhạc trực tuyến miễn phí. Biết đâu mô hình kinh doanh của Apple lại tạo ra một sự thay đổi cho môi trường kinh doanh nhạc ở Việt Nam thì sao?
1. Trước đây có lẽ thói quen nghe nhạc của nhiều người là đi lùng sục các album của ca sĩ mình mê đem về nghe. Một người mê nhạc lắm cũng có vài trăm album là hết cỡ. Với nhiều người, tủ thì đầy đĩa CD mà nghe thì chỉ nghe đi nghe lại vài đĩa quen thuộc.
Vì thế, những người thế hệ trước hầu như chẳng biết gì về các ca sĩ nổi danh thời sau, ai thích nhạc thập niên nào thì cứ nghe miết thập niên đó, quẩn quanh chỉ vài ca sĩ quen mặt thuộc tên.
Nay giới trẻ không còn nghe nhạc theo kiểu đó. Họ nghe theo “mood” (tức tâm trạng) hay theo “chart” (danh sách xếp hạng các loại). Vào các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến phổ biến nhất hiện nay như Spotify, Tidal, Deezer... nổi bật nhất vẫn là việc họ chọn nhạc giùm người nghe theo tâm trạng. Nào là “thư giãn buổi sáng”, “náo nức buổi tối”, “lãng mạn bên bàn ăn”... nghe như “mì ăn liền” không chuyên nghiệp chút nào.
Thế mà đây là cách thưởng thức nhạc dễ chịu nhất. Khỏi mất công nhớ tên ca sĩ, tên bài hát hay album, cứ chọn thể loại mình thích, dạng nhạc mình thích, nêu tên một vài ca sĩ mình thường nghe, còn lại máy móc sẽ chọn cho mình.
Apple Music mới ra mắt cũng làm theo cách này. Đầu tiên nó cho người ta vài ba chọn lựa thể loại nhạc muốn nghe, rồi vài ba tên tuổi ca sĩ họ hay nghe. Dựa vào các thông tin sơ khởi như thế, Apple Music tạo ra một kênh với những bài hát, những ca sĩ mà máy cho là phù hợp nhất với sở thích của bạn.
Thế nên đừng ngạc nhiên khi Spotify, nơi Apple Music phải cạnh tranh để lôi kéo người nghe, phân loại bên cạnh nhạc jazz lại là nhạc nghe khi có tiệc, bên cạnh nhạc soul lại là nhạc nghe khi tập thể hình! Thậm chí, nơi khác như Google Music tạo ra các kênh radio của các ca sĩ quen thuộc. Ví dụ chọn Adele bạn sẽ nghe không chỉ Adele mà còn các ca sĩ khác có giọng như cô hay hát loại nhạc như cô.
Ở góc độ này, Spotify đã đi trước Apple Music khá xa với những playlist có hàng trăm ngàn người chia sẻ. Lười tìm kiếm ca sĩ hay album lắm thì chỉ cần vài thao tác Spotify cũng giúp người nghe tiếp cận loại nhạc “nghe được” phù hợp với họ vào từng thời điểm.
2. Loại hình nghe nhạc trực tuyến như Apple Music hay Spotify như thể một buổi tiệc buffet, người không quen mà lòng còn ham hố sẽ hầu như không ăn được món gì ra hồn vì cứ nhảy từ món này sang món khác. Cả hai đều khoe một kho nhạc đến 30 triệu bài, nghe cả đời không hết.
Với người đã cưỡng được sự ham muốn ban đầu, một điểm thú vị là không ngại ngùng nghe thử những ca sĩ họ từng xếp vào loại không hợp gu.
Cũng như ebook kín đáo đã giúp cuốn Fifty shades of grey bán chạy như tôm tươi, nhạc số nghe trên điện thoại thông minh riêng biệt giúp một số người ra khỏi các vòng ràng buộc quen thuộc để thử nghiệm các loại họ từng tuyên bố là “dị ứng”.
Nếu có cơ hội nhìn vào danh sách các bài mà bạn bè nghe, rất có thể một ông từng tuyên bố không chơi với nhạc sến lại chọn toàn các bản sến lừng danh, một ông đạo mạo nghe rap, một ông thích êm dịu lại nghe đi nghe lại một bản rock ầm ào... Ngày trước đố mà thấy mấy ông này ra tiệm mua đĩa CD lạ theo kiểu đó.
3. Dân nghe nhạc ở Việt Nam sẽ rất bực mình khi tìm cách đăng ký các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của nước ngoài. Phần lớn, từ Spotify đến Pandora, thậm chí quen thuộc nhất là Google Play Music - đều nói rất tiếc, chúng tôi chưa cung cấp dịch vụ đến Việt Nam.
Không biết lý do thật là gì nhưng nghe thiên hạ nói đó là tại dân Việt Nam có một danh tiếng không lấy gì tốt đẹp lắm trên không gian mạng: xài thẻ tín dụng giả nhiều. Đúng là có dạo trên mạng cứ rao bán mã để vào lấy “chùa” nhạc của iTunes hay thẻ tín dụng giả để thanh toán cho nhiều dịch vụ trên mạng.
Dịch vụ nhấp chuột để ăn tiền quảng cáo cũng khá phổ biến. Đây là điều đáng tiếc vì dần dần các trang như Amazon trước đây bán cho dân Việt Nam một cách bình thường, nay cũng có nhiều loại hàng từ chối vận chuyển về Việt Nam.
Đáng tiếc hơn nữa là cuộc chiến cạnh tranh giữa các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đang hồi sôi nổi, nhiều nơi chuyển qua cho nghe miễn phí, nhiều nơi giảm giá. Vậy mà vẫn từ chối người nghe từ Việt Nam. Giả dụ như Google Play Music mà có ở Việt Nam, thử tưởng tượng chúng ta được quyền tải lên “mây” của Google đến 50.000 bài nhạc của mình rồi nghe ở bất kỳ máy nào thì quá tuyệt vời.
May mà Apple Music vừa ra mắt đã không bỏ qua thị trường Việt Nam, thậm chí còn giảm giá xuống còn 2,99 đôla/tháng. Tuy nhiên đây không phải là giá rẻ nhất thế giới. Giá Apple Music ở Ấn Độ chỉ là 1,89 đôla, ở Nga hay Philippines chỉ 3 đôla, ở Nam Phi thì 1,65 đôla và Indonesia rẻ nhất, chỉ 0,01 đôla (theo số liệu của tờ Wall Street Journal).
Thế nhưng nhiều người nói Apple vẫn tính tiền nên không ăn ở Việt Nam đâu. Vẫn có rất nhiều website cung cấp nhạc trực tuyến miễn phí.
Biết đâu mô hình kinh doanh của Apple lại tạo ra một sự thay đổi cho môi trường kinh doanh nhạc ở Việt Nam thì sao? Hiện nay album nào ra là nhạc sao chép sẽ có mặt ngay trên mạng, thậm chí chất lượng lossless hay nguyên cả đĩa ở dạng ISO nữa.
Giả thử các ca sĩ hay hãng băng đĩa ký hợp đồng độc quyền với Apple để đưa nhạc của họ, duy nhất hiện diện trên Apple Music. Dù không là gì với dân chuyên nghiệp, cách mã hóa của Apple cũng làm khó rất nhiều người muốn nghe nhạc “chùa” nghiệp dư - thế là họ phải trả tiền vào nghe cho đàng hoàng.
Nếu chuyện này xảy ra (nên nhớ Apple từng thay đổi thói quen nghe nhạc nhờ vào iPod và iTunes) thì khá mỉa mai khi việc kinh doanh ở trên đất Việt Nam phải nhờ vào một nơi trung gian nằm ở nước ngoài.