Google thách thức “lệnh bịt miệng” của chính quyền Mỹ
Google yêu cầu Tòa án giám sát tình báo nước ngoài của Mỹ (FISC) nới lỏng bớt các "lệnh bịt miệng" của tòa này liên quan tới vụ thu thập thông tin bí mật quy mô lớn của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA).
Báo Mỹ Washington Post nói Google ngày 18-6 viện dẫn quyền hiến định cho phép họ cung cấp thông tin về những gì họ đã gửi cho chính quyền.
Đơn của Google, viện dẫn tu chính án thứ nhất của hiến pháp Hoa Kỳ đảm bảo quyền tự do ngôn luận, là động thái mới nhất của công ty có trụ sở tại California nhằm bảo vệ uy tín và thương hiệu của hãng sau các tin tức về việc Google hợp tác với NSA để giám sát thông tin trên Internet, chương trình PRISM.
Washington Post nói nỗ lực này giúp Google tự mô tả họ như một tổ chức chống lại sự giám sát của chính phủ. Đơn của Google được nộp lên FISC ngày 18-6 sau nhiều ngày trao đổi căng thẳng giữa các quan chức liên bang Mỹ và một số công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm Google, về những thông tin có thể tiết lộ liên quan tới PRISM. Điều đáng lo ngại với nhà chức trách Mỹ là hiện có vẻ đang có một cuộc chạy đua giữa các hãng công nghệ nhằm công khai thông tin, qua đó bảo vệ hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng.
Trong đơn kiến nghị, Google muốn được công bố các thông tin về số lần mà FISC ra lệnh họ cung cấp thông tin cũng như số lượng các tài khoản bị ảnh hưởng. Facebook, Microsoft và Yahoo những ngày vừa qua cũng đã được phép của chính quyền liên bang cung cấp một phần thông tin về PRISM.
“Những người dùng Google quan ngại về các cáo buộc này. Google phải đáp lại cụ thể hơn thay vì những tuyên bố chung chung”, lá đơn viết. Trong một tuyên bố khác cũng vào ngày 18-6, hãng công nghệ này nói: “Trộn lẫn những yêu cầu trên cơ sở an ninh quốc gia với những yêu cầu trên cơ sở tìm kiếm tội phạm hình sự, như một số công ty được phép làm, sẽ là một bước lùi với những người dùng của chúng tôi”.
Washington Post nói họ liên lạc với Bộ Tư pháp Mỹ nhưng không nhận được bình luận nào trong ngày 18-6. FISC có trụ sở ở trung tâm Washington và bao gồm 11 thẩm phán liên bang được Chánh án tòa tối cao Mỹ John G. Roberts Jr. bổ nhiệm. Tòa này hiếm khi từ chối các yêu cầu xin lệnh cung cấp thông tin của chính phủ. Trong 1.789 lần xin lệnh cung cấp thông tin của bên hành pháp trong năm 2012, FISC chấp thuận tất cả, trừ một lần duy nhất do phía chính quyền rút lại.
Năm 2008, tòa này cũng bác đơn của một công ty công nghệ cho rằng yêu cầu của phía chính quyền về thông tin liên quan tới những người dùng của công ty này ở nước ngoài là ở ngoài phạm vi điều chỉnh của tư pháp và hiến pháp Mỹ. Rất ít phán quyết của FISC được công khai cho dư luận. Thủ tục kháng cáo ở tòa này là đưa lên một tòa thượng thẩm bí mật, nhưng cũng có thể đưa lên Tòa tối cao.
Theo Hải Minh
Theo Tuổi trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!