Flappy Bird tái xuất: 3 câu hỏi xoáy
Cộng đồng mạng lại bắt đầu râm ran về sự việc kỹ sư Nguyễn Hà Đông “tái sinh” trò chơi Falppy Bird trên kho ứng dụng Amazon Appstore kể từ ngày 1/8/2014.
Cộng đồng mạng lại bắt đầu râm ran về sự việc kỹ sư Nguyễn Hà Đông “tái sinh” trò chơi Falppy Bird trên kho ứng dụng Amazon Appstore kể từ ngày 1/8/2014. Trong đó, những thắc mắc về trách nhiệm cộng đồng xã hội đặt ra với tác giả này đáng được quan tâm hơn cả.
Dĩ nhiên dư luận tán đồng việc “phục sinh” những chú Chim Điên chiếu ưu thế trên những ý kiến xoay quanh Flappy Bird. Song dù khen hay chê, đánh giá tốt hay xấu, thì cộng đồng vẫn đang mong muốn Nguyễn Hà Đông tỏ ra trách nhiệm thực sự với 3 vấn đề nổi cộm.
“Trốn thuế hay không trốn thuế”
Câu hỏi này từng được đặt ra ngay khi Flappy Bird được người chơi đua nhau tải về, hứa hẹn một “nguồn thu dồi dào” được xem là “đổ về tài khoản Nguyễn Hà Đông”. Có khá nhiều con số ước lượng được đưa ra khi số lượt người tải game tăng lên 7 chữ số. Nhiều người trong ngành game trực tuyến bày tỏ bất ngờ trước cơ hội “làm giàu” của kỹ sư có tài này.
Trước tình cảnh ấy, các cơ quan chức năng đã có ý kiến đánh giá về cơ hội mà Nguyễn Hà Đông tạo ra, đặc biệt có cả thông tin ngành thuế muốn tìm hiểu sự thật về doanh số mà Flappy Bird mang lại. Nhiều người cho rằng, chính điều này đã khiến Hà Đông “giật mình” và sau đó rút trò chơi ra khỏi kho dữ liệu Appstore. Việc “rút game” như thế đã khiến cơ sở tìm kiếm nguồn thu mà Hà Đông được xem là có được không đủ thuyết phục còn duy trì nữa.
Nhưng “trốn thuế hay không trốn thuế” vẫn là câu hỏi nghi vấn tồn tại đến mãi bây giờ, và với việc trở lại của trò chơi, dư luận không thể không tiếp tục đòi hỏi phải xác nhận rõ ràng. Bởi đó chính là trách nhiệm xã hội của một người lao động có thu nhập.
Nghiện game hay không nghiện game?
Câu hỏi thứ hai, liên quan đến nội dung trả lời phỏng vấn báo chí bên ngoài mà Nguyễn Hà Đông thể hiện, khi dư luận thắc mắc lý do “bỏ game”. Trên trang xã hội của mình, Hà Đông đã chia sẻ rằng nhiều người chơi trò chơi đã có những phản ứng cay cú thái quá, khiến anh không thích; và như thế anh gỡ bỏ trò chơi bởi yếu tố “gây nghiện” của nó.
Liệu "Chim Điên" có còn đủ hấp dẫn để người chơi đua nhau tải về?
Yếu tố “gây nghiện” của trò chơi vì thế đã thành cơ sở lý giải hành động rút trò chơi khỏi các kho ứng dụng tải về của tác giả. Nhiều dư luận xã hội đã bày tỏ sự đồng tình với lựa chọn này.
Nhưng vậy với động thái “phục sinh Chim Điên”, Nguyễn Hà Đông sẽ giải thích ra sao về yếu tố “gây nghiện”? Phiên bản mới của trò chơi, có tên gọi Flappy Birds ‘Family’, đòi hỏi người chơi điều khiển game bằng tay cầm trên màn hình TV, không dùng màn hình cảm ứng nữa, nên có thêm chế độ “cứu mạng” "Chim Điên". Song những điều đó đã đủ là những thay đổi để Hà Đông khẳng định game không còn “gây nghiện” nữa?
Điểm mâu thuẫn tồn tại ở đây, là trò chơi có hấp dẫn mới thu hút người chơi tải về, và thái độ cay cú khi “những chú Chim Điên cứ lao đầu vào ống nước mà chết” là nguyên cớ để nhiều người muốn trải qua thách thức của trò chơi. Nếu Hà Đông triệt tiêu hấp dẫn này, trò chơi sẽ trở nên vô vị.
Vậy Flappy Bird “tái sinh” là gây nghiện hay không gây nghiện?
Sáng tạo hay dừng sáng tạo ?
Câu hỏi thứ ba thuộc về những người trong giới làm game là chính, đề cập đến yếu tố sáng tạo mà Flappy Bird được đánh giá “đã khơi gợi cho làng game”.
Bởi lẽ trò chơi không có những yêu cầu đồ họa hay cấu trúc gì rắc rối, chỉ đơn giản vận hành với các màn chơi khó, tạo sự hưng phấn ở người chơi. Cả cộng đồng đều thấy rõ điều này, và ngay sau khi Flappy Bird hoạt động, đã có rất nhiều trò chơi “nhái theo” nhanh chóng xuất hiện.
Các phiên bản "nhái" Flappy Bird vẫn xuất hiện nhan nhản trên các kho ứng dụng lớn.
Một nhóm làm studio game tại TP.HCM cho biết họ có hẳn những phiên bản Flappy Bird dành cho người mua hoàn toàn độc lập với nhau. “Viết ra phần mềm trò chơi ấy khá dễ”, một đại diện nhóm game thừa nhận như vậy.
Vậy tính chất quan trọng của trò chơi là tạo nên một sự sáng tạo độc đáo trong tư duy làm game của cộng đồng. Thế thì với sự “phục sinh” trò chơi, Nguyễn Hà Đông có thực sự thể hiện được “sức vóc sáng tạo” của anh không?
Một nhà phát hành game nhìn nhận: “Nếu anh ấy có nhiều lợi thế sáng tạo, thì đâu nhất thiết phải quay lại với Flappy Bird. Anh ấy có thể đem lại 1 sản phẩm khác có tố chất hấp dẫn hơn, độc đáo hơn từ bài học Flappy Bird chứ? Sử dụng lại trò chơi đã “tự tay kết liễu”, Nguyễn Hà Đông đang thể hiện một lựa chọn kém sáng tạo, và nếu cứ thế, anh ấy sẽ khó làm nên thành công lần nữa”.
Sự thật đến nay, cộng đồng chơi game đã tiếp cận một số trò chơi mới và nhiều người nói rằng họ không tải lại trò chơi nữa. Điều đó cho thấy dù hấp dẫn đến đâu, nhưng thời gian đi qua luôn đồng nghĩa với cộng đồng thay đổi, Flappy Bird đã mất đi ưu thế của mình.
Trong mắt một số nhà làm game, việc “sống lại” Flappy Bird không khác gì hãng Microsoft “dựng lại” một phiên bản Windows cũ. Đó là thách thức mà Nguyễn Hà Đông phải vượt được với cộng đồng!
>> Flappy Bird chính thức hồi sinh trên toàn cầu: Không chơi được trên smartphone