Đi xe buýt riêng cho nữ, tôi rất... xấu hổ
Vấn đề là phụ nữ và xã hội phải biết phản ứng và chống lại quấy rối tình dục chứ không phải giải quyết bằng cách mở tuyến riêng cho nữ. Tôi sẽ rất xấu hổ nếu phải đi tuyến xe bus riêng vì nguyên nhân này!
Qua số liệu thông kê của tổ chức ActionAid VN và Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường tại TP Hà Nội và TP. HCM đã công bố một con số nóng là có tới 31% nữ sinh bị lạm dụng tình dục trên xe bus. Sau đó, UB An toàn giao thông quốc gia đã có công văn yêu cầu hai địa phương kiểm tra.
Không thể hứng lên là làm
Tại buổi họp cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra yêu cầu và chỉ đạo TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu thí điểm một số tuyến phục vụ riêng hành khách nữ giới vào giờ cao điểm tại một số khu vực đông công nhân nữ và học sinh, sinh viên nữ đi lại bằng xe bus.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khảo sát nói trên chỉ dựa vào một thiểu số nhỏ, chưa hẳn phản ánh tình trạng chung.
Nếu cứ lấy cớ để bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ, thì e không chỉ xe bus, mà còn phải lập những đặc khu nữ giới riêng biệt, ở nhiều lĩnh vực, thậm chí cả một “Vương quốc nữ” huyền thoại như trong truyện Tây du ký .
Bởi, tính theo số liệu cập nhật trong 08 tháng gần đây (từ 1/4- 31/11), đường dây nóng của Transerco nhận được 43.012 cuộc gọi phản ánh của khách hàng, trong đó chỉ có 05 vụ phản ánh liên quan đến quấy rối tình dục, chỉ chiếm tỉ trọng 0,4% trong số vụ phản ánh về chất lượng dịch vụ và chiếm tỉ trọng 0,01% trong tổng cuộc gọi khách hàng gọi đến đường dây nóng Hanoibus.
Như vậy, có 1/10.000 lượt khách hàng phản ánh liên quan đến quấy rối tình dục. Nhìn theo số liệu đưa ra, có thể thấy quấy rối tình dục ở xe bus Hà Nội chưa phải là vấn đề nóng đến mức độ gây ảnh hưởng đến an toàn nữ giới.
Việc cần mở xe bus riêng cho nữ giới phải xem xét nhiều chiều, cả về kinh tế lẫn xã hội học, văn minh Thủ đô… chứ không thể “hứng” lên là làm.
Văn minh… thụt lùi?
Thật ra chuyện xe bus dành cho nữ giới không phải là phát minh hay sáng kiến mới mẻ gì, nó hiện vẫn đang được thực hiện ở một số quốc gia có nhiều người Hồi giáo với những giới luật riêng cho nữ giới ở châu Á, châu Mỹ như: Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Iran, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Tiểu vương quốc các nước Arab…
Họ đã áp dụng các toa tàu điện, xe bus và taxi riêng, đều được sơn màu hồng, thậm chí tài xế cũng là phụ nữ để dành riêng cho phụ nữ và trẻ em, hạn chế triệt để tình trạng quấy rối tình dục hay vi phạm các giới luật của đạo Hồi ở các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng những gì họ thực hiện ở các quốc gia này mang tính phân biệt kỳ thị nam - nữ lại là một biểu hiện lạc hậu còn sót lại của thời trung cổ.
Việc xúc tiến lập ra những tuyến xe bus riêng cho nữ giới, phải chăng là một bước văn minh thụt lùi? Chiếu theo Luật Bình đẳng giới có hiệu lực từ tháng 11/2006, do Quốc hội VN ban hành, trong chương 1: Quy định chung, điều 7: Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, khoản 3 quy định: Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Thạc sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng - Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tỏ ý phản đối: Việc dành riêng xe bus cho phụ nữ sẽ gây ra sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong khi chúng ta đang không ngừng đấu tranh cho bình đẳng giới. Thứ hai, bản thân nhiều phụ nữ chưa chắc đã thích việc có một tuyết xe bus cho riêng mình vì ngoài việc thể hiện sự phân biệt đối xử nam - nữ còn liên quan tới những vấn đề nhỏ khác, vấn đề tình cảm, ví dụ một gia đình có cả nam - nữ muốn đi chung xe thì sẽ ra sao?
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng không đồng tình: Về mặt tiêu cực, sẽ vô tình tạo nên sự phân biệt, bất bình đẳng giới. Chưa kể là sẽ gây nên bất tiện cho hành khách là các thành viên trong gia đình có cả nam và nữ… Ngoài ra, làm như vậy sẽ tạo cho chúng ta cảm nhận về bức tranh an ninh trật tự của thủ đô không tốt.
Phải làm gì?
Thực tế ai đi xe bus ở VN đều chứng kiến cảnh chen lấn, chen chúc chật chội trong các chuyến xe, vào giờ cao điểm thì không có chuyến xe bus nào chở đúng số hành khách theo quy định, thậm chí vượt gấp đôi, gấp ba. Chưa kề còn vi phạm an toàn giao thông gây nhiều tai nạn thương tâm.
Và trong cái không gian chật kín người đó, cho dù không cố ý thì việc đụng chạm khó tránh khỏi, nói gì đến những kẻ biến thái, có tâm địa xấu (không chỉ quấy rối tình dục mà còn trộm cặp, móc túi…).
Để mang đến cảm giác an toàn khi đi xe bus, ngành GTVT nói chung, các Công ty vận tải hành khách nói riêng phải nghiêm khắc tuyệt đối tuân thủ quy định về số lượng khách trên xe, không để vượt quá quy định… Cần phải tăng cường số lượng xe bus, sắp xếp tổ chức tuyến xe thật khoa học theo giờ (như giờ cao điểm tăng xe, tăng chuyến, khoảng cách giữa các chuyến ngắn..)
Ngoài ra vấn đề giáo dục ý thức ứng xử ở nơi công cộng cho người dân cũng là chuyện càn làm, có thể nói không với những chuyến xe nêm chặt người, không nên xô đẩy chen lấn, ứng xử văn minh văn hóa với phụ nữ, và dũng cảm lên án những hành vi xấu( hoặc là nạn nhân, hay người chứng kiến), không nên im lặng, làm ngơ…
Có những chế tài nghiêm khắc xử phạt những hành vi quấy rối tình dục trên phương tiên giao thông công cộng, vi phạm luật như trộm cắp, móc túi, bạo hành, cố tính gây mất trật tự …
Ý kiến của Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu về vấn đề “xe bus nữ” rất đáng chú ý: Vấn đề là phụ nữ và xã hội phải biết phản ứng và chống lại quấy rối tình dục chứ không phải giải quyết bằng cách bảo vệ như thế. Tôi sẽ rất xấu hổ nếu phải đi tuyến xe bus riêng vì nguyên nhân này!
Đúng vậy, quan trọng là người phụ nữ cần có thái độ phản ứng và dám chống lại hành vi quấy rối tình dục.
>> Hà Nội: Từ 5/1/2015 sẽ có xe bus dành riêng cho phụ nữ
Theo Hoài Hương