Cuộc cách mạng mang tên Bitcoin

16/04/2013 06:54 AM | Công nghệ

Bitcoin có thể sụp đổ nhưng đồng tiền này sẽ tạo tiền đề để tiền điện tử phát triển.

Năm 1999, cậu bé 18 tuổi có tên Shawn Fanning đã khiến ngành công nghiệp âm nhạc thay đổi. Fanning là người phát triển Napster – dịch vụ cho phép các cá nhân trao đổi các file nhạc với nhau thay vì phải mua những chiếc đĩa đắt tiền từ những hãng thu âm. Napster ngay lập tức bị kiện và phải đóng cửa hồi tháng 7/2001. Tuy nhiên, ý tưởng của Fanning vẫn tiếp tục “sống” với sự ra đời của BitTorrent và nhiều hãng cung cấp dịch vụ chia sẻ file. Thương hiệu Napster vẫn được sử dụng cho một dịch vụ tải nhạc hợp pháp.

Câu chuyện kể trên phần nào giúp lý giải sự phấn khích mà giới tài chính giành cho Bitcoin – đồng tiền điện tử được phát triển dựa trên công nghệ tương tự. Hồi tháng 1, một đơn vị Bitcoin có giá trị vào khoảng 15 USD. Đến ngày 11/4, đồng tiền này có giá vào khoảng 179 USD, khiến giá trị của tất cả những đồng Bitcoin đang lưu thông lên đến 2 tỷ USD. 

Bitcoin đã trở thành một trong những tài sản đầu tư nóng nhất trên thế giới, trở thành bong bóng được thổi phồng bởi hệ thống truyền thông xã hội và thậm chí là bởi bộ phận người gửi tiền tại các ngân hàng đã mất hết bình tĩnh sau những gì mới xảy ra ở Síp. 

Cũng giống như Napster, Bitcoin có thể sụp đổ những sẽ mãi mãi là một huyền thoại. Trên thực tế, đồng tiền này đã có phiên điều chỉnh rất mạnh hôm 10/4 vừa qua (có thời điểm mất gần một nửa giá trị nhưng lại nhanh chóng hồi phục sau đó). Theo Tony Gallippi – người sáng lập công ty có tên gọi là BitPay chuyên thực hiện các giao dịch thanh toán bằng Bitcoin - mức giá chính là điểm kém hấp dẫn nhất Bitcoin. 

Bitcoin không phải là đồng tiền điện tử duy nhất trên thế giới cũng như không phải là đồng tiền duy nhất thành công. Các game thủ của trò chơi Second Life có thể thanh toán bằng Linden Dollars; các khách hàng của gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent có thể sử dụng đồng xu QQ và ngay cả người dùng Facebook cũng có thể bán “Credits”. Thế nhưng, điểm khiến Bitcoin khác biệt là: không giống như các đồng tiền khác (cả tiền ảo và tiền thật), Bitcoin không được tạo ra hay quản lý bởi một NHTW mà bởi các thuật toán.

Bitcoin được sử dụng ở đâu?

Xuất hiện vào năm 2009, Bitcoin được sử dụng đầu tiên bởi những người tán thành chủ nghĩa tự do yêu thích công nghệ muốn thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ. Một trong những nơi sử dụng Bitcoin rộng rãi nhất chính là Con đường tơ lụa – một thị trường giao dịch ẩn náu trong trang web có tên gọi Tor. Người sử dụng đặt trước hàng hóa (thường là ma túy) và thanh toán bằng Bitcoin. 

Cuộc cách mạng mang tên Bitcoin (1)

Một số công ty hợp pháp cũng đã bắt đầu chấp nhận Bitcoin. Trong số đó có Reddit (một trang truyền thông xã hội) và WordPress (công ty cung cấp dịch vụ web hosting và phần mềm cho các blogger). 

Đây là ngành kinh doanh có sức hấp dẫn kỳ lạ. Những công ty như BitPay cung cấp dịch vụ thanh toán với mức phí thấp hơn nhiều so với mức phí phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng hoặc dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt là đối ới các đơn hàng từ nước ngoài. Đồng thời, giao dịch bằng Bitcoin không thể bị đảo ngược và do đó các mánh khóe gian lận không thể khiến những nhà bán lẻ bị mất sạch tiền. 

Tuy nhiên, có được những đồng Bitcoin đầu tiên là một chặng đường đầy gian nan và công đoạn sử dụng chúng cũng khá cầu kỳ. Bitcoin cũng có thể bị đánh cắp bởi các hacker hoặc đơn giản là bị mất đi (giống như những tờ giấy bạc bị bỏ vào máy giặt). Trong 2 năm qua, nạn trộm cắp Bitcoin ngày càng gia tăng. 

Bitcoin sẽ đổ vỡ?

Kết quả là, các hoạt động liên quan đến Bitcoin đang dần dần co hẹp và được kiểm soát chặt chẽ hơn. Mt.Gox là trung tâm giao dịch Bitcoin lớn nhất, được đặt ở Tokyo và được điều hành bởi hai người Pháp. Đây là nơi diễn ra khoảng 80% các giao dịch Bitcoin trên toàn thế giới. 

Nếu như hệ thống này sụp đổ, Bitcoin gần như cũng sẽ đổ vỡ theo. Trên thực tế, Bitcoin biến động mạnh trong phiên 10/4 là do lỗi phần mềm tại Mt.Gox và sự kiện này khiến rất nhiều người hoảng loạn. 

Vị thế pháp lý của Bitcoin cũng không rõ ràng. Ngày 18/3, Mạng lưới chống tội phạm tài chính của Mỹ đưa ra đề xuất cần phải quản lý các giao dịch Bitcoin. Điều này cho thấy có vẻ như họ sẽ không đóng cửa hệ thống Bitcoin. 

Kỹ thuật cũng là vấn đề cần phải vượt qua. Do ngày càng có nhiều người tham gia vào hệ thống, lượng dữ liệu phải xử lý là rất lớn. Các biện pháp sửa chữa có thể giúp ích nhưng rất khó triển khai: tất cả người dùng đều phải nâng cấp “ví Bitcoin” của họ. 

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất chính là sự cạnh tranh. Không giống như tiền pháp định, Bitcoin hoàn toàn có thể được thay thế bởi một đồng tiền điện tử mới. Litecoin, bản sao của Bitcoin, là một trong số đó. Có nhiều tin đồn cho rằng Litecon sẽ sớm được giao dịch trên Mt.Gox.

Ripple là một lựa chọn khác. Theo Chris Larsen, doanh nhân đến từ thung lũng Silicon và là người đồng sáng lập của OpenCoin – một công ty khởi nghiệp đứng đằng sau Ripple, đây là đồng tiền dễ sử dụng hơn nhiều so với Bitcoin. Các giao dịch được thông qua chỉ trong một vài giây (giao dịch Bitcoin phải mất tới 10 phút). Đồng thời, Ripple cũng có nguồn gốc rõ ràng và không có liên quan đến tội phạm. 

OpenCoin có kế hoạch sẽ bắt đầu ra mắt Ripple vào tháng 5 tới. Hãng đã tạo ra 100 tỷ Ripple và cam kết con số này sẽ không bao giờ tăng lên. 75% trong số này sẽ được tung ra trong khi OpenCoin giữ 25% còn lại để đảm bảo Ripple đủ mạnh. Ngày 10/4 vừa qua, một số công ty đầu tư mạo hiểm sừng sỏ (trong đó có Andreessen Horowitz) đã thông báo sẽ đầu tư vào OpenCoin.

Nếu Ripple đủ mạnh, hệ thống này thậm chí còn lớn hơn cả hệ thống của Bitcoin. Visa có thể tự tạo ra hệ thống thanh toán quốc tế nhanh gọn với chi phí thấp. Và, điều gì sẽ xảy ra nếu như một quốc gia quyết định phát hành tiền điện tử?

Trong trường hợp này, Bitcoin sẽ đổ vỡ. Dẫu vậy, những người tạo ra Bitcoin sẽ đạt được điều giống như người sáng lập của Napster. Napster và các dịch vụ chia sẻ file đã buộc ngành công nghiệp âm nhạc phải ủng hộ các dịch vụ như iTunes hay Spotify. Bitcoin có thể sụp đổ và người dùng chuyển sang sử dụng đồng tiền ảo khác. Tuy nhiên, chắc chắn đồng tiền này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho hệ thống tiền tệ thế giới.

Thu Hương
Theo TTVN/Economist

duchai

Cùng chuyên mục
XEM