Còn điều gì cứu nổi Sony?
Sony đang lâm vào tình cảnh khốn khó. Các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn Fitch và Moody's đã hạ thấp trạng thái của Sony xuống "junk" (mức độ uy tín thấp hơn các tiêu chuẩn thông thường). Trong khi đó, Standard & Poor's cũng đã khuyến cáo họ có thể sớm đưa Sony xuống mức đánh giá "junk".
Tin xấu mới nhất của Sony là vào tháng Chín, khi Sony nói họ dự kiến lỗ 2,1 tỷ USD trong năm tài chính này và tuyên bố các kế hoạch giảm quy mô mảng kinh doanh smartphone.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ CEO của Sony năm 2012, ông Kazuo Hirai đã tách bộ phận kinh doanh TV của Sony ra, bán mảng Vaio PC và cắt giảm hàng ngàn nhân sự nhằm nhanh chóng tái cơ cấu công ty.
Đây là những thay đổi mà các nhà đầu tư kêu gọi từ lâu. Song cho đến nay, CEO Kazuo Hirai vẫn chưa làm được gì nhiều để chứng tỏ nỗ lực.
Tình cảnh Sony bây giờ trái ngược hoàn toàn với những ngày hoàng kim. Sony Walkman từng cách mạng hóa cách mọi người nghe nhạc, dòng sản phẩm Chromatron và Trinitron đã giúp TV màu phổ biến trên thị trường.
Nhưng các kỹ sư của Sony nói họ không hề đắm chìm trong quá khứ. Thay vào đó, họ làm việc chăm chỉ để phát triển các sản phẩm có thể cứu công ty.
Tại một cơ sở của Sony, một phó giám đốc đang trình diễn thiết bị điện tử có kích thước bằng chiếc thẻ tín dụng, được thiết kế để thay thế ví tiền. Thiết bị này kết nối với smartphone, cho phép người dùng dễ dàng mua vé tàu hoặc các món đồ tại các cửa hàng tạp phẩm.
Sony cũng đang phát triển "SmartEyeglass", cặp kính thông minh mà công ty nói là sẽ trở thành màn hình thứ hai của smartphone, tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Tuy nhiên, những sản phẩm này đang bị chỉ trích – Alibaba và Apple đã có các ứng dụng thanh toán, và Google Glass đã ra đời. Vậy cuộc cách mạng tiếp theo của Sony là gì?
Trong khi chờ đợi cuộc cách mạng mới, Sony vẫn đang sống dựa vào sức mạnh sẵn có, đó là máy chơi game PlayStation và mảng giải trí. Studio Hollywood của Sony vẫn đang hoạt động tốt.
Nhưng liệu ông Hirai có làm nên sự đổi thay. Các nhà phân tích nói Sony phải lập tức có thay đổi.
"Trong phân khúc sản phẩm cao cấp, Sony vẫn có sự nhận diện thương hiệu khá mạnh tại Nhật Bản. Nhưng trên toàn cầu lại không", Makiko Yoshimura, một nhà phân tích điện tử của Standard and Poor's nói. "Duy trì tính cạnh tranh của công nghệ là một thách thức rất khó".
Hirroki Ueno, một nhân viên Sony, cầm chiếc iPad và nói với phóng viên CNN rằng: "Dường như Sony không làm ra sản phẩm mới nào như họ đã từng làm được. 10 năm qua, Sony chẳng làm gì".
>> Cổ phiếu Sony lao dốc sau thông báo thua lỗ kỷ lục
Theo Hoàng Lan